| Hotline: 0983.970.780

10 kiến nghị của VSSA khi ATIGA chỉ còn tính bằng ngày

Thứ Sáu 22/11/2019 , 20:05 (GMT+7)

Ngay khi Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 23/2019/TT-BCT quy định việc không áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường có xuất xứ từ các nước ASEAN từ ngày 1/1/2020, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã có 10 đề xuất, kiến nghị.

Ông Cao Anh Đương (thứ 2 từ phải qua) Quyền Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam vừa đề xuất 10 giải pháp giúp ngành mía đường Việt Nam thích ứng khi ATIGA có hiệu lực từ 1/1/2020.

Theo Công văn số 174 và trước đó là 161 do ông Cao Anh Đương, Quyền Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam ký, VSSA nhất trí với chủ trương của Chính phủ thực thi cam kết ATIGA, xóa bỏ hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng đường từ ngày 1/1/2020.

Tuy nhiên, hiện nay bà con nông dân trồng mía và các nhà máy của ngành Mía Đường Việt Nam đang rất bối rối vì các yếu tố bất bình đẳng khi hội nhập hầu như chắc chắn sẽ tác động đến sinh kế và khả năng tồn tại của ngành nếu không có các giải pháp bảo vệ thích đáng và phù hợp.

Do đó, VSSA kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT, Chính phủ thành lập một cơ chế tham vấn dạng Ủy ban với đại diện nhiều bên từ các Bộ có liên quan, Hiệp hội Mía Đường, Hội nông dân trồng mía, Viện nghiên cứu,… nhằm đưa ra các tham vấn khách quan về cân đối cung cầu đường, khuyến cáo các mức giá hợp lý nhằm bảo đảm thu nhập cho người sản xuất đường và công bằng cho người tiêu thụ.

Ủy ban hàng năm tính toán và khuyến cáo giá mua mía nông dân đủ giá thành cộng thêm tối thiểu 10% nhưng không cao hơn giá mua mía nông dân trong khu vực và giá thành đường theo tỷ lệ mía/đường là 70/30% mà các nước Asean đang áp dụng.

VSSA cũng đề nghị đàm phán với khối ASEAN để đưa sản phẩm đường vào schedule E (highly sensitive) của biểu thuế để được áp dụng điều khoản số 24 của hiệp định ATIGA về đối xử đặc biệt đối mặt hàng nhạy cảm là gạo và đường.

Theo đó, đường nhập khẩu được tự do nhập theo ATIGA các hiệp định tự do thương mại, nhưng phải đưa vào kho ngoại quan hoặc kho dự trữ đã đăng ký và chỉ được đưa ra tiêu thụ khi đường trong nước thiếu hụt theo sự điều phối của cơ quan quản lý.

Nhập khẩu đường là ngành kinh doanh có điều kiện chỉ dành cho các nhà máy đường với điều kiện phải đảm bảo giá mua mía cho nông dân. Số lượng đường nhập khẩu cho mỗi nhà máy đường tương ứng với số lượng mía mua của nông dân. Đường từ nguồn gốc nhập khẩu chỉ cho phép đưa ra tiêu thụ sau khi vụ ép mía đã kết thúc tối thiểu 2 tháng nhằm bảo đảm tất cả đường sản xuất từ mía trong nước được tiêu thụ hết.

VSSA kiến nghị đường từ nguồn gốc nhập khẩu chỉ cho phép đưa ra tiêu thụ sau khi vụ ép mía đã kết thúc tối thiểu 2 tháng nhằm bảo đảm tất cả đường sản xuất từ mía trong nước được tiêu thụ hết.

Đường lỏng từ tinh bột ngô được tự do nhập khẩu với thuế suất 0% như cam kết trong các hiệp định thương mại đã ký kết, nhưng sẽ được lưu tại kho ngoại quan và sẽ không được xuất khỏi kho ngoại quan nếu không có sự chấp thuận bằng giấy phép cho phép tiêu thụ nội địa của cơ quan quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, VSSA kiến nghị tính giá FIT điện đồng phát từ bã mía với mức giá tương đương Thái Lan và Philippines.

Cuối cùng, kiến nghị thứ 10, VSSA đề nghị thực hiện các biện pháp phi thuế quan và hàng rào kỹ thuật để bảo đảm đường phá giá và đường lỏng không thể ảnh hưởng đến sản xuất đường trong nước.

Trước đó, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 23/2019/TT-BCT quy định việc không áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường có xuất xứ từ các nước ASEAN từ ngày 01/01/2020.

Thông tư nêu rõ, không áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng đường (mã HS 1701) có xuất xứ từ các nước ASEAN theo quy định của pháp luật hiện hành.

Sau khi Thông tư có hiệu lực, số lượng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN không tính vào lượng hạn ngạch thuế quan hàng năm do Bộ Công Thương công bố theo cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) áp dụng với các nước WTO.

Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN-PTNT, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, Hiệp hội Mía đường Việt Nam nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, quản lý nhập khẩu phù hợp với cam kết quốc tế để đảm bảo cạnh tranh công bằng, bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước nếu có sự gia tăng đột ngột của hàng nhập khẩu dẫn đến thiệt hại cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo cam kết của Chính phủ Việt Nam khi gia nhập Hiệp định Thương mại hàng hóa Asean (ATIGA), mặt hàng đường đúng ra sẽ phải xóa bỏ hạn ngạch thuế quan từ ngày 1/1/2018.  

Tuy nhiên, do khi ATIGA có hiệu lực đúng thời điểm ngành mía đường trong nước và thế giới ở đáy khó khăn nhất trong lịch sử nên Bộ Công Thương, Chính phủ đã đàm phán với các nước Asean cho phép Việt Nam lùi thời hạn áp dụng thuế mới với mặt hàng đường thêm 2 năm để các doanh nghiệp, người dân trong nước có thời gian chuẩn bị, chuyển đổi.

Và ngày 1/1/2020 chính là thời điểm 2 năm xin gia hạn của Việt Nam chính thức hết hiệu lực nên dù không mong muốn, song Bộ Công Thương, Chính phủ vẫn buộc phải tuân thủ cam kết về hạn ngạch thuế quan với mặt hàng đường đã ký kết với các nước Asean trong khuôn khổ ATIGA.

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo an tín dụng đạt trên 300 tỷ đồng/năm

ĐBSCL Năm 2023, tổng doanh thu giữa Ngân hàng Agribank - Bảo hiểm Agribank tại khu vực Tây Nam bộ đạt trên 300 tỷ đồng.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.