| Hotline: 0983.970.780

10 năm ngành Chăn nuôi: Nhiều đột phá nhưng chưa đạt kỳ vọng

Thứ Tư 25/12/2019 , 19:46 (GMT+7)

Giai đoạn 2008-2019, nhiều chỉ tiêu của ngành Chăn nuôi đã gặt hái nhiều đột phá, song một số chỉ tiêu không đạt so với chiến lược của Chính phủ đề ra.

Nhiều chỉ tiêu không đạt theo chiến lược 2008-2019

Ngày 25/12, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2008-2019, định hướng phát triển giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2040.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì và phát biểu tại hội nghị.

Theo Bộ NN-PTNT, giai đoạn 2008-2019, ngành Chăn nuôi đã đạt được sự tăng trưởng khá cao và ổn định với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 5-6%/năm, trong đó giai đoạn 2011-2015 đạt 4,5-5%, giai đoạn 2016-2018 đạt trung bình 6%/năm.

Đặc biệt giai đoạn 10 năm 2008-2019, ngành chăn nuôi đã đạt được những thành quả nhảy vọt về quy mô, tổng sản lượng, nhất là về chế biến thức ăn chăn nuôi (TĂCN), KH-CN, sự bứt phá mạnh mẽ của một số sản phẩm như sữa, trứng…

Tổng đàn lợn 10 năm (2008-2019) không đạt mục tiêu đề ra.

Cụ thể giai đoạn 2008 - 2018, tổng sản lượng thức ăn công nghiệp tăng gần 2,4 lần. Với sản lượng trứng 13,8 tỷ quả và sản lượng sữa tươi 1,0 triệu tấn, đến năm 2020 về cơ bản có thể sẽ đạt được so với kế hoạch.

Dự báo năm 2020, sản lượng sữa bình quân/người có thể đạt cao hơn mục tiêu đề ra trong chiến lược (10,0 kg/người); sản lượng trứng bình quân dự kiến có thể đạt 144 quả/người vào năm 2020, sát với mục tiêu 146 quả/người trong chiến lược đề ra…

Mặc dù nhiều chỉ tiêu tăng trưởng của ngành Chăn nuôi giai đoạn 2008-2019 tăng cao, tuy nhiên nhiều chỉ tiêu, tốc độ tăng trưởng của ngành Chăn nuôi vẫn không đạt được theo mục tiêu đề ra theo định hướng phát triển ngành Chăn nuôi (theo Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg ngày 16/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ).

Cụ thể, mặc dù sản lượng thịt các loại tăng trên 1,5 lần (năm 2018 đạt trên 5,4 triệu tấn), tuy nhiên so với mục tiêu đề ra đến năm 2020, sản lượng thịt hơi các loại khoảng 7,8 triệu tấn (5,5 triệu tấn thịt xẻ) thì khó đạt được.

Chăn nuôi gia cầm có mức tăng trưởng khá, tuy nhiên vẫn đạt thấp so với kế hoạch của chiến lược chăn nuôi 2008-2019.

Tốc độ tăng trưởng của ngành Chăn nuôi trong giai đoạn 2011-2015 vẫn thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu đề ra là 6-7% (giai đoạn 2016-2018 cơ bản đạt so với mục tiêu 5-6%). Tỷ trọng trung bình ngành chăn nuôi trong ngành nông nghiệp giai đoạn 2011-2015 đạt 30,5%, năm 2018 đạt 32%, thấp hơn so với mục tiêu của đặt ra (38% vào năm 2015).

Như vậy, chỉ tiêu này sẽ không đạt được như mục tiêu định hướng của chiến lược lên 42% vào năm 2020.

Giai đoạn 2008-2019, mặc dù chăn nuôi đại gia súc, nhất là bò thịt có tiến bộ đáng kể, tuy nhiên so với mục tiêu vẫn chưa đạt được yêu cầu về việc gia tăng cơ cấu trong tổng sản phẩm thịt cả nước.

Cụ thể trong giai đoạn 2008-2018, đàn bò có xu hướng giảm với tốc độ bình quân là 0,9%/năm. So với mục tiêu của chiến lược đề ra (xấp xỉ 12 triệu con vào năm 2018), tổng đàn bò hiện nay mới chỉ đạt khoảng 50% so với mục tiêu.

Dự báo năm 2020, sản lượng trứng sẽ đạt kế hoạch theo mục tiêu đề ra của Chính phủ.

Bên cạnh đó, giai đoạn 2008 - 2018, mặc ù số lượng bò sữa cả nước tăng từ 108 nghìn con lên 294,4 nghìn con, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10,5%/năm. Đây là bước tăng trưởng mạnh của ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam. Tuy nhiên, tổng đàn bò sữa cũng chỉ đạt 67,8% so với mục tiêu của chiến lược (nhưng sản lượng sữa đạt 102,1% so với mục tiêu kế hoạch với khoảng 917 nghìn tấn).

Giai đoạn 2008-2019, mặc dù ngành Chăn nuôi đã triển khai quyết liệt, ngăn chặn có hiệu quả công tác đảm bảo ATTP, kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi. Song, việc đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo các điều kiện bền vững về môi trường vẫn còn chậm và còn nhiều hạn chế. Đối với trang trại chăn nuôi, cả nước hiện nay mới chỉ có trên 100 trang trại được cấp chứng chỉ VietGAP, GlobalGAP…

Mục tiêu quốc gia tiên tiến trong khu vực

Nhận định về tình hình KT-XH giai đoạn 2020-2030, đặc biệt là Việt Nam cũng đã ký kết, gia nhập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đây là cơ hội để có thể XK sản phẩm chăn nuôi tới thị trường khu vực và thế giới nhưng cũng là thách thức đối với ngành Chăn nuôi Việt Nam.

Cùng với trứng, sữa là một trong số ít những sản phẩm dự kiến sẽ đạt mục tiêu đến năm 2020 theo chiến lược của Chính phủ. 

Trên cơ sở đó, dự thảo chiến lược ngành Chăn nuôi giai đoạn 2020-3030, tầm nhìn 2040 của Bộ NN-PTNT đặt quan điểm phát triển ngành Chăn nuôi theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế của các vùng sinh thái để phát triển chăn nuôi toàn diện, bền vững theo chuỗi giá trị, chăn nuôi an toàn sinh học, ATTP, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và đối xử nhân đạo với vật nuôi đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong nước, đẩy mạnh XK, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Đồng thời, phát triển ngành Chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ gắn với chăn nuôi truyền thống. Nâng cao sức cạnh tranh của ngành Chăn nuôi trên cơ sở ứng dụng nhanh khoa học và chuyển giao công nghệ, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ 4.0...

Mặc dù có nhiều tiến bộ, tuy nhiên sản lượng thịt bò giai đoạn 2008-2019 vẫn chưa thể đạt kỳ vọng trong cơ cấu thực phẩm theo chiến lược. 

Mục tiêu chung đến năm 2030, chăn nuôi nước ta thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực. Phần lớn sản phẩm chăn nuôi hàng hóa được SX trong các trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp, an toàn sinh học, thân thiện với môi trường bảo ATTP, đáp ứng nhu cầu trong nước và đẩy mạnh XK.

Trong đó, Bộ NN-PTNT đặt một số chỉ tiêu cụ thể như: Mức tăng trưởng giá trị SX bình quân giai đoạn 2021-2025 trung bình 4-5% năm; giai đoạn 2026-2030 trung bình 3-4% năm. Sản lượng thịt xẻ các loại đến năm 2025 đạt khoảng 5,5-6,0 triệu tấn, trong đó thịt lợn khoảng 63-65%, thịt gia cầm khoảng 25-27%, thịt gia súc ăn cỏ khoảng 9-11%.

Số lượng trang trại chăn nuôi trên cả nước đã chững lại và giảm nhẹ từ năm 2016 đến nay do những yêu cầu phải siết chặt về điều kiện chăn nuôi, nhất là môi trường.

Đến năm 2030, sản lượng thị xẻ các loại đạt khoảng 6,5-7,0 triệu tấn, trong đó thịt lợn khoảng 60-62%, thịt gia cầm khoảng 28-30%, thịt gia súc ăn cỏ khoảng 10-12%. Trong đó, XK khoảng 15-20% sản lượng thịt lợn, khoảng 20-25% thịt và trứng gia cầm.

Với trứng và sữa, mục tiêu đến năm 2025 đạt khoảng 16-17 tỷ quả trứng và khoảng 1,7-1,8 triệu tấn sữa; đến năm 2030 đạt khoảng 22-23 tỷ quả trứng và khoảng 2,3-2,5 triệu tấn sữa.

Bình quân sản phẩm chăn nuôi/người đến năm 2025 đạt khoảng 55-57 kg thịt xẻ các loại, khoảng 160-170 quả trứng, khoảng 17-18 kg sữa tươi và đến năm 2030 đạt khoảng 63-65 kg thịt xẻ các loại, khoảng 220-230 quả trứng và khoảng 23-25 kg sữa tươi.

Khâu giết mổ đến nay vẫn là mắt xích yếu nhất trong nền chăn nuôi của nước ta. 

Về giết mổ, phấn đấu mục tiêu nâng tỷ trọng gia súc và gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đến năm 2025 đạt khoảng 60% và 40%, đến năm 2030 khoảng 70% và 50%. Tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt SX ra hằng năm đến năm 2025 khoảng 25-30%, đến năm 2030 khoảng 40-50%.

Đến năm 2025, mục tiêu xây dựng được ít nhất 10 vùng cấp huyện, đến năm 2030 ít nhất 20 vùng cấp huyện hoàn thành xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, tiến tới chăn nuôi an toàn sinh học và tạo điều kiện đẩy mạnh XK.

Một số định hướng phát triển chăn nuôi đến năm 2030

Chăn nuôi lợn: Tổng đàn lợn có mặt thường xuyên ở quy mô khoảng 29-30 triệu con, trong đó đàn lợn nái khoảng 2,5-2,8 triệu con; đàn lợn nuôi trang trại, công nghiệp chiếm trên 70%.

Chăn nuôi gia cầm: Tổng đàn gà có mặt thường xuyên khoảng 400-450 triệu con, trong đó ít nhất 60% nuôi theo phương thức công nghiệp. Tổng đàn thủy cầm có mặt thường xuyên khoảng 100-120 triệu con, trong đó ít nhất 40% nuôi theo phương thức công nghiệp.

Đàn bò sữa: Đạt quy mô từ 600-650 nghìn con, trong đó ít nhất 60% đàn bò sữa được nuôi trong các trang trại. 

Đàn bò thịt: Ổn định ở quy mô từ 6,0-6,5 triệu con, trong đó ít nhất 70% tổng đàn được nuôi trong các nông hộ.

 

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất