| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi năm nay có thể đạt 1,3 tỷ USD

Thứ Bảy 02/11/2019 , 15:30 (GMT+7)

Ngày 2/11, tại TP HCM, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện “Chiến lược phát triển chăn nuôi đến 2020, xây dựng chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040”.

Một trang trại chăn nuôi bò thịt ở Đồng Nai.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, sau 10 năm triển khai Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2008-2018, ngành chăn nuôi đã đạt được sự tăng trưởng khá cao và ổn định.

Tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi đạt trung bình 5-6%/năm, qua đó góp phần dùy trì mức tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp, đáp ứng cơ bản nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước, thay thế nhập khẩu.

Tuy nhiên, tỷ trọng trung bình ngành chăn nuôi trong ngành nông nghiệp đến 2018 mới đạt 32%, thấp hơn so với mục tiêu của Chiến lược đặt ra và khó đạt mục tiêu 42% vào năm 2020.

Năm 2018, sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 5,4 triệu tấn (thịt lợn đạt 3,8 triệu tấn, thịt gia cầm 1,1 triệu tấn, các loại khác 0,5 triệu tấn); số lượng trứng 11,6 tỷ quả và trên 936,7 ngàn tấn sữa tươi nguyên liệu.

So với mục tiêu Chiến lược đề ra đến năm 2020 (sản lượng thịt sản xuất khoảng 7,8 triệu tấn thịt hơi), thì kết quả về sản lượng thịt sản xuất thực tế khó đạt được. Tuy nhiên, sản lượng trứng 13,8 tỷ quả và sản lượng sữa tươi 1 triệu tấn đến năm 2020, về cơ bản có thể đạt được.

Sản lượng sữa bình quân đầu người năm 2018 đạt 9,9 kg/người, với tốc độ tăng trưởng hiện tại thì năm 2020 sản lượng sữa bình quân có thể đạt 10,8 kg, có thể đạt cao hơn mục tiêu đề ra trong Chiến lược (10kg/người).

Sản lượng thịt xẻ bình quân năm 2018 đạt 39,9kg/người. Dự kiến có thể đạt 43,2 kg/người vào năm 2020, do đó về cơ bản đạt được mục tiêu của Chiến lược là 47,3 kg/người.

Sản lượng trứng bình quân đầu người năm 2018 đạt 120 quả/người, dự báo có thể đạt 143 quả/người năm 2020 và gần đạt được so với mục tiêu 146 quả như đề ra trong Chiến lược.

Ngành chăn nuôi đang chuyển dịch từ hình thức chăn nuôi nông hộ sang hình thức chăn nuôi trang trại công nghiệp, góp phần thúc đẩy quá trình hiện đại hóa ngành chăn nuôi Việt Nam.

Năm 2018 tổng số trang trại chăn nuôi là 19.639 trang trại, chiếm tỷ lệ 62% trong tổng số 31.668 trang trại nông nghiệp, tăng 30,3% so với năm 2015. Trong đó, số trang trại chăn nuôi lợn là 9.770 trang trại và trang trại chăn nuôi gia cầm khoảng gần 11.000 trang trại.

Trong chăn nuôi lợn, phương thức chăn nuôi trang trại, công nghiệp chiếm khoảng 45% đầu con, và 53% về sản lượng thịt. Phương thức chăn nuôi trang trại, công nghiệp trong chăn nuôi gia cầm chiếm tỷ lệ là 30% về đầu con và 40% về sản lượng.

Điểm mới đáng ghi nhận trong giai đoạn vừa qua là sự hình thành và phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi. Các chuỗi liên kết chăn nuôi có thể gồm một số công đoạn hoặc khép kín đã được xây dựng bởi các doanh nghiệp như C.P Việt Nam, Dofico, Dabaco, Japfa Comfeed, Vissan, TH, Vinamilk, Masan, An Hạ, HTX Hoàng Long, Tập đoàn Quế Lâm, Mavin…

Những doanh nghiệp trên cũng góp phần hình thành loại hình liên kết sản xuất theo kiểu gia công với các trang trại chăn nuôi quy mô lớn theo phương thức chăn nuôi công nghiệp.

Một trang trại heo ở Đông Nam Bộ.

Mặt khác, theo định hướng Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi đến năm 2020 đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt, phương thức chăn nuôi trang trại sẽ tăng tỷ trọng trong tổng sản lượng sản phẩm: đối với lợn số lượng đầu con từ 30% đến 52%, sản lượng thịt từ 40% tăng lên 60%; đối với gà số lượng đầu con tăng từ 30% đến 60%, sản lượng thịt từ 45% tăng lên 75%.

Như vậy, về cơ bản ngành chăn nuôi đã đáp ứng mục tiêu theo Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 và yêu cầu của thực tế sản xuất, nhu cầu sản phẩm chăn nuôi cho người tiêu dùng và hướng đến xuất khẩu.

Nhờ sự chuyển đổi tổ chức sản xuất, đầu tư trang trại hiện đại, giống năng suất cao nên năng suất và chi phí sản xuất chăn nuôi được cải thiện đáng kể. Nếu xét tổng thể thì năng suất và chi phí chăn nuôi nước ta đang thuộc nhóm trung bình, nhưng nếu tính ở khu vực chăn nuôi trang trại, công nghiệp thì năng suất và chi phí chăn nuôi của Việt Nam ngang bằng các nước phát triển trong khu vực.

Sự phát triển ngành chăn nuôi trong 10 năm qua, đã tạo điều kiện xuất khẩu một số sản phẩm như mật ong, lợn sữa, lợn thịt, trứng muối, trứng cút, thịt gà, các sản phẩm sữa và TACN.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, dự kiến trong cả năm nay, giá trị xuất khẩu của toàn ngành chăn nuôi đạt khoảng 1,3 tỷ USD.

Cũng tại hội thảo nói trên, Bộ NN-PTNT đã lấy ý kiến góp ý cho “Nghị định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực chăn nuôi”.

Xem thêm
Xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia, chè Việt Nam vẫn cần lưu ý điều gì?

Nhìn chung các thị trường đều yêu cầu ngày càng cao đối với an toàn thực phẩm, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc, theo Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Yến Sào Khánh Hòa lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia

Công ty Yến Sào Khánh Hòa vinh dự lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia và là doanh nghiệp duy nhất của Khánh Hòa đạt được kết quả này trong năm 2024.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...