Ngày 2/12, Bộ NN-PTNT đã tổ chức Hội nghị toàn thể và Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Đối tác Phát triển Nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV) đã được tổ chức tại Hà Nội với chủ đề “Nâng tầm nông sản Việt hội nhập quốc tế”.
Đây là sự kiện lớn để các đối tác công và tư của ngành nông nghiệp cùng nhìn lại chặng đường 10 năm hoạt động và phát triển PSAV, những thành tựu, kết quả đạt được, những bài học kinh nghiệm được đúc rút, đồng thời tiếp tục nỗ lực tăng cường thúc đẩy hiệu quả hợp tác công tư trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.
Đây cũng là cơ hội để các thành viên PSAV cùng nhau cam kết thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam bền vững, vượt qua những thách thức của cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội do đại dịch Covid-19 gây ra, tận dụng xu hướng mới của kinh tế toàn cầu, cơ hội mới từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới hướng tới sự phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững và bao trùm, qua đó nâng tầm nông sản Việt hội nhập quốc tế.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá cao 10 năm hoạt động của PSAV: “Trong sự phát triển chung về nông nghiệp Việt Nam, uy tín của nông sản Việt trên thị trường quốc tế được nâng cao là có sự đóng góp đáng kể của PSAV. Đặc biệt qua 1 năm rất khó khăn như năm nay, tuy chịu nhiều ảnh hưởng nhưng ngành nông nghiệp đã kịp thời có những giải pháp ứng phó và thu về những kết quả khả quan”.
Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT), các nhóm đối tác công tư đã tạo ra những thành quả tốt đẹp và triển vọng tích cực cho ngành nông nghiệp Việt Nam. PSAV của Việt Nam được coi là mẫu hình của quan hệ đối tác công tư mà các tổ chức diễn đàn kinh tế thế giới cũng như Đại học Havard đã lấy làm nghiên cứu tình huống điển hình về đối tác công tư trong việc phát triển kinh tế và hoạch định chính sách cho ngành nông nghiệp phát triển bền vững tại các quốc gia.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho hay: “Trong thời gian tới PSAV Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng cường quan hệ đối tác công tư để tạo ra những thành quả tốt hơn trên 5 lĩnh vực chính:
Một là tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác bằng cách thứ nhất là mở rộng các quan hệ đối tác kể cả doanh nghiệp nước ngoài và các doanh nghiệp tập đoàn lớn trong nước. Thứ hai là thúc đẩy quan hệ đối tác thông qua quan hệ chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với các cơ quan hoạch định chính sách ở Trung ương cũng như việc triển khai các chính sách ở các địa phương. Thứ ba là thúc đẩy quan hệ chặt chẽ giữa doanh nghiệp, người nông dân và các tổ chức nghiên cứu, tổ chức phát triển.
Hai là tiếp tục chuẩn hóa những quy trình về canh tác bền vững, sẵn sàng đảm bảo tiêu chuẩn khắt khe hơn của thị trường toàn cầu đối với tất cả các nhóm ngành hàng trong nhóm đối tác công tư của ngành nông nghiệp.
Ba là phối hợp khối công và khối tư để tạo ra các mô hình đột phá để kết nối người nông dân Việt Nam với chuỗi giá trị toàn cầu.
Bốn là giữa khối công và khối tư sẽ tiếp tục dựa trên các mô hình tốt, sáng tạo hiện có để phối hợp chặt chẽ với các địa phương, với các cơ quan chức năng để nhân rộng. Tất cả các việc đó là để chúng ta đạt được mục tiêu tăng 20% thu nhập cho người nông dân, giảm 20% đói nghèo, giảm 20% phát thải.
Năm là PSAV Việt Nam sẽ kết nối khối công khối tư để lan tỏa truyền bá kinh nghiệm không chỉ trong nước mà còn phối hợp với các tổ chức trên toàn cầu để chúng ta có quan hệ chặt chẽ hơn trong câu chuyện quan hệ quốc tế trong thời gian tới.
Đối tác Phát triển Nông nghiệp bền vững Việt Nam được khởi xướng từ năm 2010 trong khuôn khổ “Sáng kiến Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) hướng tới mục tiêu 20-20-20 (tăng 20% năng suất, giảm 20% đói nghèo và giảm 20% phát thải).
Bộ NN-PTNT đã cùng 15 doanh nghiệp quốc tế, tập đoàn đa quốc gia đầu tiên như ADM, Bunge, Cargill Inc., Cisco Vietnam, DuPont Vietnam, METRO Cash & Carry Vietnam, Nestlé, PepsiCo Vietnam, Monsanto Vietnam, Swiss Re, Syngenta Asia Pacific, Unilever Vietnam, Yara International... thành lập Mô hình Đối tác công tư ngành nông nghiệp nhằm kết nối các tác nhân trong ngành để chia sẻ kinh nghiệm, cùng hợp tác phát triển chuỗi giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam theo hình thức Đối tác công tư (PPP).
Tới nay, PSAV đã thành lập được 8 Nhóm công tác PPP ngành hàng, bao gồm: cà phê, chè, rau quả, thủy sản, hồ tiêu, gạo, hóa chất nông nghiệp và chăn nuôi với sự tham gia của hơn 120 tổ chức, gồm các cơ quan Chính phủ, các công ty, hiệp hội.
Khối tư, đặc biệt là các doanh nghiệp rất năng động trong câu chuyện tiếp cận thị trường, áp dụng các công nghệ mới và theo các tiêu chuẩn mới của các thị trường. Thị trường toàn cầu hiện nay hòa nhập rất sâu rộng, cơ hội mở ra về mặt nhu cầu ngày càng lớn.
Tuy nhiên các tiêu chuẩn áp dụng ngày càng chặt chẽ về mặt kinh tế, xã hội, môi trường. Và khối tư là khối rất năng động trong việc bắt kịp nhu cầu của thị trường để đưa ra những công nghệ mới, phối hợp cùng với khối công hỗ trợ cho người nông dân Việt Nam làm sao kết nối được với thị trường toàn cầu.
(TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN-PTNT)