| Hotline: 0983.970.780

111 người Trung Quốc làm việc không phép tại dự án điện gió ở Đăk Nông

Thứ Năm 17/06/2021 , 15:39 (GMT+7)

Sáng 17/6, UBND tỉnh Đăk Nông tổ chức họp báo cung cấp thông tin liên quan đến những bất cập tại các dự án điện gió trên địa bàn.

Bốn vướng mắc cần giải quyết

Theo Sở Công thương Đăk Nông trên địa bàn tỉnh có 3 dự án điện gió Đăk N’Drung 1, 2,3 có công suất 300 MW với tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng đang thực hiện. Tương đương các dự án trên do Công ty TNHH MTV Năng lượng Đăk N’Drung 1, 2, 3 Đăk Nông làm chủ đầu tư.

Các dự án trên được UBND tỉnh Đăk Nông chấp nhận chủ trương đầu tư và Chính phủ bổ sung vào quy hoạch điện VII điều chỉnh tại công văn số 693 ngày 30/11/2020.

Hiện nay chủ đầu tư đã thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất được 79/81 trụ tua bin điện gió; 93/98 vị trí cột điện của đường dây truyền tải 220 kV, mặt bằng trạm biến áp 22 kV. Chủ đầu tư đã triển khai tại 25/81 vị trí móng trụ tua bin của các dự án.

Đại diện Sở Công thương cho biết chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án chưa phối hợp với các hộ dân ngay từ đầu; việc phê duyệt dự án, thiết kế còn chậm; sự phối hợp của chủ đầu tư với các Sở ngành chưa tốt để hoàn thiện thủ tục thu hồi, giao đất; công tác truyên truyền, vận động còn nhiều hạn chế.

Khu vực nhà ở của lao động Trung Quốc tại xã Thuận Hà, huyện Đăk Song. Ảnh: Quang Yên.

Khu vực nhà ở của lao động Trung Quốc tại xã Thuận Hà, huyện Đăk Song. Ảnh: Quang Yên.

Đặc biệt việc hướng dẫn về công tác bồi thường, hỗ trợ trong khoảng cách an toàn công trình điện gió đến khu dân cư ít nhất 300 mét, hành lang an toàn công trình điện gió của các Bộ ngành chưa kịp thời.

Còn theo đại diện UBND huyện Đăk Song, các dự án điện gió đang thi công trên địa bàn có 4 vướng mắc cần tháo gỡ.

Những vướng mắc là khoảng cách 300 m tính từ trụ tua bin đến nhà người dân có được đền bù hay không, hiện nay chưa có hướng dẫn của các ngành; Các hộ dân đưa xe, ôtô ra cản trở phải đối, không cho nhà thầu thi công gây khó khăn cho việc thi công dự án; Lực lượng công an và chức năng còn mỏng, gây khó khăn cho việc hỗ trợ doanh nghiệp thi công trên công trường; Quá trình thi công gây hư hỏng 1 số công trình nhà dân, gây sạt lở, xói mòn nương rẫy của người dân.

Hầu hết lao động người Trung Quốc chưa được cấp phép

Liên quan đến tình hình an ninh trật tự tại các dự án điện gió, đại tá Hồ Quang Thắng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đăk Nông cho biết, liên tục từ 1-7/4, người dân tại thôn 7, và thôn 8 xã Thuận Hà, huyện Đăk Song chặn xe chở thiết bị vào thi công điện gió.

Có thời điểm, người dân tập trung hơn 200 để cản trở các phương tiện. Sau khi nắm tình hình, Công an tỉnh Đăk Nông đã phối hợp với Công an huyện Đăk Song đã triển khai lực lượng đảm bảo an ninh trật tự.

Theo đại tá Thắng, đến nay các vụ việc gây mất an ninh trật tự, cản trở thi công nhằm để đòi quyền lợi liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng chứ chưa phá hoại tài sản của chủ đầu tư.

Liên quan đến số lao động người Trung Quốc tại các dự án, đại tá Thắng cho biết hiện có 112 người tại 3 dự án điện gió trên địa bàn huyện Đăk Song.

Một trụ điện gió xây dựng tại xã Thuận Hà, huyện Đăk Song. Ảnh: Quang Yên.

Một trụ điện gió xây dựng tại xã Thuận Hà, huyện Đăk Song. Ảnh: Quang Yên.

Trong đó, Tổng thầu EPC - Nhà thầu chính Công ty Sungrow (Việt Nam) có 47 người; Dự án nhà máy điện gió Đăk N’Drung 1 là 31 người; Dự án nhà máy điện gió Đăk N’Drung 2 là 26 người; Dự án nhà máy điện gió Đăk N’Drung 3 là 8 người.

“Số người nước ngoài trên khi vào làm việc tại các dự án đều có đầy đủ hộ chiếu và các loại giấy tờ có giá trị xuất nhập cảnh do Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an cấp theo quy định”, đại tá Thắng thông tin.

Về cư trú, đại diện Công an tỉnh Đăk Nông cho biết số người nêu trên đều tập trung tại khu nhà điều hành ở Đăk Song. “Thời hạn nhập cảnh là 5 người có thời hạn 3 tháng; 98 người dưới 3 tháng; 9 người nhập cảnh 1 tháng. Những người này tạm trú tại Khu nhà điều hành của dự án và tại các trụ máy cột điện điện thuộc xã Thuận Hà, Thuận Hạnh. Ngoài giờ làm việc hầu hết đăng ký cư trú, nghỉ tại các nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn xã Nam Bình và thị trấn Đức An, huyện Đăk Song”, lãnh đạo Công an tỉnh Đăk Nông thông tin.

Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Công Tự, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và xã hội Đăk Nông cho biết, đến nay duy nhất chỉ có một trường hợp người Trung Quốc có giấy phép lao động, còn lại tất cả số lao động Trung Quốc trên địa bàn chưa được cấp phép.

Ông Nguyễn Văn Yên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông cho biết sau khi có quyết định chấp thuận phê duyệt dự án của Thủ tướng, UBND tỉnh đã có văn bản xin ý kiến của tất cả các bộ ngành.

Theo đó, HĐND tỉnh cũng ban hành các danh mục thu hồi đất đối với 81 trụ điện gió có diện tích 34 ha, trong đó mỗi trụ điện gió chỉ 3.000 m2. Sau đó, chính quyền đã bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2021.

Đại tá Hồ Quang Thắng, Phó giám đốc Công an tỉnh Đăk Nông thông tin lao động Trung Quốc trên địa bàn. Ảnh: Quang Yên.

Đại tá Hồ Quang Thắng, Phó giám đốc Công an tỉnh Đăk Nông thông tin lao động Trung Quốc trên địa bàn. Ảnh: Quang Yên.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư chưa phối hợp tốt với chính quyền địa phương trong giải phóng mặt bằng. Doanh nghiệp không chờ bản thỏa thuận giá như dự kiến mà hấp tấp thỏa thuận với dân nên dẫn đến bất cập. Quan điểm của tỉnh là ủng hộ dự án nhưng phải đúng theo pháp luật.

Ngoài ra, chủ đầu tư cũng không công khai thông tin dự án. Đến ngày 29/2/2021 chủ đầu tư mới thiết kế cơ sở. Việc chậm trễ này đã được Tỉnh ủy phê bình chủ đầu tư.

“UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đầy đủ các thủ tục liên quan đến đất đai để hoàn thiện hồ sơ thuê đất. Tỉnh đề nghị các sở hướng dẫn chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo luật đất đai”, ông Yên nói.

Liên quan đến khoảng cách 300 m, ông Yên cho biết địa phương đã có văn bản xin ý kiến của các bộ ngành. Hiện UBND tỉnh đang chờ văn bản chính thức từ các bộ ngành để xác định khu dân cư như thế nào, khoảng cách ra sao để có hướng xử lý cụ thể.

“Khi báo chí phản ánh, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Đăk Nông đã lập đoàn xuống khiểm tra và yêu cầu nhà thầu bổ sung hồ sơ xin cấp giấy phép cho số lao động trên. Nhà thầu hứa trước ngày 21/6 sẽ gửi hồ sơ để Sở tập hợp trình UBND tỉnh cấp phép cho số lao động trên”, ông Nguyễn Công Tự, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Đăk Nông nói.

Xem thêm
Vĩnh Phúc giảm 10 tổ chức Đảng, 1 Ban Đảng và 8 Sở...

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết sẽ sớm ban hành chính sách với những trường hợp 'hy sinh' vì lợi ích chung, thôi làm việc trong cơ quan hưởng lương từ ngân sách.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Xóm chài Xuân Lam tìm đường đến khu tái định cư

Sống giữa vùng đất thấp trũng, quanh năm vật lộn với thiên tai là nỗi lo chung của người dân Xuân Lam, riêng 8 hộ xóm chài cơ cực hơn cả.