Chiều 3/6, trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy Đăk Nông cho biết, Tỉnh ủy Đăk Nông đã chỉ đạo UBND tỉnh Đăk Nông kiểm tra làm rõ các vấn đề liên quan đến các dự án điện gió trên địa bàn.
Bí thư Đăk Nông khẳng định: "Bất kỳ tổ chức, cá nhân nào sai phạm trong các dự án điện gió Đăk N’Drung 1,2,3 (huyện Đăk Song) đều phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Anh nào vi phạm sẽ xử lý anh đó, kể cả dân".
Theo Bí thư Đăk Nông Ngô Thanh Danh, chủ trương của tỉnh là thu hút đầu tư nhưng phải đảm bảo các quy định, quy trình của pháp luật. Qua kiểm tra cho thấy có tình trạng chủ đầu tư các dự án điện gió mua gom đất rồi tự ý thi công khi chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục cần thiết dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp, xô xát với người dân địa phương.
Khẳng định sẽ xử nghiêm, đồng thời Bí thư Đăk Nông và Tỉnh ủy Đăk Nông đã yêu cầu điều tra những đối tượng không liên quan cố tình lôi kéo, kích động gây mất an ninh trật tự ở vùng dự án.
Đồng thời Bí thư Tỉnh ủy Đăk Nông cũng chỉ đạo kiểm tra quy tình thực hiện dự án, vướng mắc ở đâu, cơ quan nhà nước cấp phép thế nào.
Ngoài ra, sau khi kiểm tra, rà soát, Bí thư Đăk Nông cho biết sẽ chỉ đạo kiểm điểm những tổ chức, cá nhân có sai phạm tại các dự án điện gió này. Trước mắt có thể khẳng định là "tại anh, tại ả", có tình trạng người dân lợi dụng việc này.
Trước đó, như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phản ánh tại loạt bài Đằng sau cơn sốt điện gió ở Tây Nguyên, chỉ trong vòng hai tháng 10 và 11 của năm 2020, ông Trần Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông đã ký 6 Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho các doanh nghiệp thực hiện dự án điện gió trên địa bàn huyện Đăk Song bao gồm: Nhà máy điện gió Asian Đăk Song 1 tại xã Nam Bình do Công ty TNHH Asian Energy làm chủ đầu tư. Nhà máy điện gió Đăk Hòa tại xã Đăk Hòa do Công ty Envision Energy (Hong Kong) Limited là chủ đầu tư. Nhà máy điện gió Nam Bình 1 do Công ty Cổ phần điện gió Nam Bình làm chủ đầu tư…
Đặc biệt, chỉ trong một ngày 1/10/2020, ông Trần Xuân Hải đã ký cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 3 dự án do ông Đỗ Lê Quân làm giám đốc (ông Đỗ Lê Quân được biết đến là Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tài Tâm, một doanh nghiệp khá tiếng tăm trong lĩnh vực bất động sản ở Hà Nội) gồm các dự án Nhà máy điện gió Đắk N’Drung: 1, 2, 3. Tổng mức vốn đầu tư các dự án này là hơn 10.000 tỷ đồng tại 4 xã Thuận Hà, Thuận Hạnh, Đắk N’Drung và Nâm N’Jang.
Mặc dù chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý dự án, chưa biết sẽ phải thu hồi bao nhiêu đất, tại những vị trí nào nhưng các dự án điện gió đứng tên ông Đỗ Lê Quân đã triển khai hàng loạt hạng mục công trình, tiến hành thực hiện dự án bất chấp phản đối của người dân địa phương.
Tại các xã Thuận Hà, Thuận Hạnh, Đăk N’Drung và Nâm N’Jang, những vùng sản xuất nông nghiệp tươi tốt, trọng điểm của tỉnh Đăk Nông, người dân cho rằng việc các dự án điện cắm xuống đây là trái với tinh thần trong Thông tư 02 của Bộ Công thương.
Ngoài ra quy định của Bộ Công thương về các trụ tuabin phải cách khu dân cư 300m nhưng các dự án của ông Đỗ Lê Quân xây dựng có những vị trí tuabin chỉ cách nhà dân vài chục mét.
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Công Tự, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đăk Nông, sau khi Báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh, cơ quan này đã cử cán bộ xuống Dự án Nhà máy điện gió Đăk N’Drung 1,2,3 tại huyện Đăk Song. Qua kiểm tra phát hiện 102 chuyên gia Trung Quốc đang làm việc tại đây, trong đó chỉ có 1 chuyên gia là đầy đủ các giấy phép theo quy định, số còn lại hoạt động chui.
Theo thống kê của UBND huyện Đăk Song, hiện có tổng cộng 547 hộ dân nằm trong phạm vi bán kính 300m tính từ chân của 78 cột điện gió. UBND tỉnh Đăk Nông đã có công văn gửi các bộ, ngành xin hướng dẫn về một số nội dung việc thực hiện các dự án điện gió tại huyện Đăk Song, nhất là vấn đề đền bù, hỗ trợ người dân trong phạm vi 300m tính từ tuabin.
Người dân tiếp tục ngăn cản dự án điện gió
Chiều 1/6, trên mạng xã hội Facebook lan truyền một video dài hàng chục phút cho thấy nhiều người dân chặn một xe đổ bêtông vào thi công một tuabin thuộc dự án điện gió Đăk N’Drung 1 (xã Thuận Hà, Đăk Song).
Trong lúc ngăn chặn, đã xảy ra xô xát hỗn loạn với phía bảo vệ thi công công trình.
Đây không phải là lần đầu người dân địa phương xô xát với chủ thi công dự án điện gió. Trước đó, nhiều người dân đã liên tục ngăn cản chủ đầu tư đưa máy móc vào thi công vì họ cho rằng các dự án điện gió chưa đảm bảo các quy định của pháp luật.