| Hotline: 0983.970.780

145 công trình thủy lợi ở Bắc Kạn bị xâm phạm

Thứ Năm 10/11/2022 , 04:34 (GMT+7)

Nhiều công trình hồ, đập tại tỉnh Bắc Kạn hiện chưa được cắm mốc chỉ giới, dẫn tới khó quản lý, ngăn chặn người dân lấn chiếm vào hành lang bảo vệ.

Thiếu quyết liệt trong xử lý vi phạm

Hiện nay Công ty TNHH MTV quản lý, khai thác công trình thủy lợi Bắc Kạn (Công ty thủy nông Bắc Kạn) được UBND tỉnh Bắc Kạn giao quản lý, vận hành 389 công trình thủy lợi (trong đó có 32 hồ chứa, 15 trạm bơm, còn lại là các đập dâng). Từ năm 2020 đến nay, qua kiểm tra, rà soát các công trình vi phạm hành lang bảo vệ, đã phát hiện 145/389 công trình bị xâm phạm.

Với các hành vi vi phạm như: Xây nhà, xây công trình phụ trên kênh; làm lán tạm trên đình hồ chứa; trồng cây sát chân đập đất; xả nước thải trực tiếp vào kênh; kênh, mương thoát nước bị người dân làm ruộng đã cuốc hết phần đất bảo vệ,… Thực trạng này đã dẫn tới việc gây ách tắc, thu hẹp dòng chảy, đe dọa chất lượng nguồn nước phục sản xuất nông nghiệp, làm xấu cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường.

Vi phạm xảy ra nhiều nhất tại huyện Chợ Mới là 44 công trình; tiếp đến là huyện Na Rì 31 công trình; thành phố Bắc Kạn 20 công trình; huyện Ba Bể là 12 công trình; huyện Bạch Thông 12 công trình; huyện Pác Nặm 11 công trình; huyện Chợ Đồn 11 công trình; huyện Ngân Sơn ít nhất với 2 công trình.

Đập Pá Danh, Huyền Tụng

Một công trình kê mương tại tổ dân phố Pá Danh, phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn bị xâm lấn, xây dựng nhà. Ảnh: Toán Nguyễn.

Sau khi phát hiện vi phạm, phía Công ty Thủy nông Bắc Kạn đã phối hợp với chính quyền địa phương đến tận nơi tuyên truyền, nhắc nhở và đề nghị các hộ gia đình vi phạm tháo dỡ, di dời công trình ra khỏi phạm vi bảo vệ. Tuy nhiên số công trình vi phạm hành lang bảo vệ vẫn không được giải quyết dứt điểm và còn tiếp tục tái diễn.

Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch HĐQT – Giám đốc Công ty Thủy nông Bắc Kạn thông tin: Qua rà soát thấy rằng, các trường vi phạm xảy ra mang tính chất nhỏ lẻ hoặc là vô thức vi phạm. Tuy nhiên điều đó rất nguy hiểm, nguy cơ gây mất an toàn, ảnh hưởng về độ bền lâu dài của công trình thủy lợi… Nhiều công trình từ 2020 đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để do vướng mắc về chế tài, công ty được giao quản lý nhưng không có thẩm quyền xử lý vi phạm, chỉ phối hợp với chính quyền địa phương. Biện pháp hiện nay đang thực hiện để bảo vệ công trình thủy lợi, đó là tuyên truyền, nhắc nhở để người dân hiểu được.

Đập Nà Quang, xã Thanh Thịnh

Kiểm tra công trình đập thủy lợi Nà Quang, xã Thanh Thịnh, huyện Chợ Mới. Ảnh: Toán Nguyễn.

Cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng

Hiện nay tình hình vi phạm công trình thủy lợi ngày càng diễn ra phổ biến, mặc dù đã được phía công ty phối hợp với chính quyền địa phương nhắc nhở, lập biên bản, nhưng sau đó vẫn tiếp tục vi phạm. Những lý do được chỉ ra như: Chính quyền cơ sở chưa thực hiện nghiêm, chưa quyết liệt xử lý theo thẩm quyền và chức năng nhiệm vụ; Việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để người dân hiểu chưa được thực hiện tốt.

Ông Nguyễn Văn Đức cho biết thêm, hầu hết các công trình thủy lợi, đặc biệt là các công trình hồ chứa, đập dâng lớn khi bàn giao cho công ty còn thiếu hồ sơ và không có kinh phí cắm mốc chỉ giới bảo vệ. Chính vì vậy việc quản lý, khai thác các công trình gặp nhiều khó khăn, nhất là việc ngăn chặn các hành vi xâm lấn vào hành lang bảo vệ công trình thủy lợi.

Hồ Khuổi Dầy xã Yên Hân

Hồ Khuổi Dầy, xã Yên Hân, huyện Chợ Mới bị xâm phạm nghiêm trọng. Ảnh: Toán Nguyễn.

Chính vì vậy, để giải quyết dứt điểm tình trạng xâm hại các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn thì cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước như Sở NN-PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường, cùng các cơ quan liên quan tăng cường phối hợp kiểm tra, giải quyết các vi phạm theo chức năng, thẩm quyền. Bên cạnh đó, chính quyền cấp xã cần có biện pháp ngăn chặn, xử lý quyết liệt khi phát hiện ra các trường hợp xâm hại công trình thủy lợi.

Xem thêm
Trung ương thống nhất cao phương án kiện toàn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội

Ban Chấp hành Trung ương đã dân chủ thảo luận, kỹ lưỡng xem xét và thống nhất cao về phương án kiện toàn chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai cá thể khỉ vàng mò vào vườn nhà dân

LÀO CAI Sau khi bắt được hai cá thể khỉ trong vườn, người dân đã bàn giao cho Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Thắng để đưa về trung tâm chăm sóc.