| Hotline: 0983.970.780

16.300 ngôi nhà tại Thừa Thiên - Huế ngập nặng

Thứ Tư 15/11/2023 , 18:56 (GMT+7)

Nhiều khu vực tại thành phố Huế đã bị mất điện, sóng điện thoại, internet cũng chập chờn khiến đời sống của người dân bị đảo lộn.

Tính đến 17h00 ngày 15/11, đã có 16.300 ngôi nhà của địa phương bị ngập nặng. Ảnh: C.Đ.

Tính đến 17h00 ngày 15/11, đã có 16.300 ngôi nhà của địa phương bị ngập nặng. Ảnh: C.Đ.

Chiều 15/11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có công văn yêu cầu các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với mưa lớn kéo dài, đặc biệt là tình hình sạt lở đất tại khu vực đồi núi, ven sông.

Theo đó, các khu vực có nguy cơ cao đến rất cao có thể xảy ra trượt lở đất đá là vùng đồi núi, sườn dốc, các tuyến giao thông; sạt lở bờ sông, bờ biển tại một số địa phương như huyện A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, Phong Điền...

Trước đó, ảnh hưởng của mưa lớn, khoảng 11h40 ngày 15/11 tại nhà vợ chồng ông Trần Đình Minh và bà Nguyễn Thị Thủy Tiên (trú thôn Đồng Hoà, xã Bình Tiến, thị xã Hương Trà) xảy ra sạt lở đất khiến ngôi nhà hư hỏng nghiêm trọng. Thời điểm xảy ra sạt lở có vợ chồng ông Minh và bà Tiên ở trong nhà và bị đất đá vùi lấp. Nhận tin báo, lực lượng chức năng đã phối hợp giải cứu thành công 2 nạn nhân vào trưa vùng ngày.

Trước diễn biến của tình hình mưa lụt, nhất là nguy cơ xảy ra sạt lở đất trong những ngày tới, ông Đặng Văn Hoa - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện đơn vị đã phát văn bản đề nghị các chủ đầu tư công trình thủy điện, thủy lợi trên địa bàn kiểm tra, phát hiện nhanh các điểm nguy cơ sạt lở để có biện pháp phòng tránh thích hợp. Nhất là tại các khu vực điều hành, kho bãi, lán trại có đông công nhân vận hành, thi công.

Cùng với đó là tăng cường kiểm tra tình hình trượt lở ven hồ về phía thượng lưu các đập dâng, đập tràn, đề phòng đất đá sạt lở mạnh gây sóng lũ và nước hồ dâng đột ngột tràn qua gây sự cố công trình.

Đối với các công trình trọng điểm đang thi công như cầu qua cửa Thuận An, đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2, đường cứu nạn cứu hộ Phong Điền, cầu Nguyễn Hoàng qua sông Hương... các chủ đầu tư phải rút toàn bộ công nhân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở đất để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

Các địa phương lên phương án sẵn sàng di dời, sơ tán người dân tại các vị trí trọng điểm, xung yếu có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, tính đến chiều 15/11, tại thành phố Huế đã có 85% tuyến đường của 36 phường, xã bị ngập úng từ 0,5 - 1,2m. Việc di chuyển của người dân gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, nhiều khu vực tại thành phố Huế đã bị mất điện, sóng điện thoại, internet cũng chập chờn khiến đời sống của người dân bị đảo lộn.

Còn tại các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc... nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên thôn, liên xã bị ngập sâu từ 0,3 - 1m, cá biệt có nơi ngập sâu trên 1,5m.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, tính đến 17h00 ngày 15/11, đã có 16.300 ngôi nhà của địa phương bị ngập nặng. Gần 9.000 người dân sinh sống ở các vùng thấp trũng, nguy hiểm đã được di dời đến nơi cao ráo, an toàn. Toàn bộ học sinh của tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục được nghỉ học cho đến khi thời tiết tốt lên.

Tại khu vực phía nam sông Hương, việc đi lại hoặc di chuyển người dân ra khỏi vùng ngập sâu chỉ duy nhất bằng phương tiện thuyền gắn máy. Có những khu chợ nổi tự phát tại trung tâm thành phố đã được hình thành để cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân. Những người dân di chuyển trong khoảng 1km trên thuyền phải trả phí khoảng 400.000 đồng. Nhiều cá nhân, tổ chức đã dung thuyền gắn máy để tiếp ứng nước uống, lương thực, thực phẩm cho các gia đình bị ngập sâu trong lũ.

Xem thêm
Chính phủ sẽ nghiên cứu làm đường sắt tốc độ cao đến Cần Thơ, Cà Mau

Tuyến đường sắt tốc độ cao không chỉ dừng lại ở TP Hồ Chí Minh, Chính phủ và các cơ quan đang nghiên cứu kéo dài về Cần Thơ và đến tận Cà Mau.

Thủy lợi nội đồng cho vùng ngọt - nhiệm vụ cấp thiết

Cà Mau Giữ vùng ngọt, điều tiết nước hợp lý, đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi để đáp ứng sản xuất là nhiệm vụ quan trọng với tỉnh Cà Mau.

Nhiều vùng trũng thấp ở Nha Trang bị ngập

KHÁNH HÒA Do những ngày qua có mưa lớn kết hợp hồ chứa nước điều tiết nên nước sông Cái Nha Trang dâng cao, nhiều vùng trũng thấp tại TP Nha Trang bị ngập.