Tiềm năng trở thành trung tâm dược liệu vùng Đông Bắc
Được đánh giá là tỉnh có tiềm năng lớn về cây dược liệu, Quảng Ninh có điều kiện tự nhiên đặc biệt thuận lợi cho nuôi trồng, phát triển dược liệu. Hiện vùng đất mỏ có hơn 900 loài cây thuốc thuộc 182 họ, 561 chi khác nhau, trong đó có rất nhiều loài là dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao.
Cùng với điều kiện về khí hậu thuận lợi, thổ nhưỡng phù hợp cho cây dược liệu phát triển, Quảng Ninh đang thực hiện các giải pháp để trở thành trung tâm dược liệu của các tỉnh Đông Bắc nói riêng và của cả nước nói chung.
Từ năm 2013, tỉnh Quảng Ninh triển khai thực hiện Đề án “Mỗi xã phường một sản phẩm” (chương trình OCOP), trong đó việc phát triển dược liệu được thực hiện thông qua chương trình này.
Để đạt mục tiêu trên, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch phát triển cây thuốc trên địa bàn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Từng bước mở rộng diện tích cây dược liệu trên địa bàn, tỉnh đã áp dụng các chính sách với những ưu đãi lớn về vốn, giống, khoa học kỹ thuật…, tạo động lực, khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư các mô hình trồng, chế biến cây dược liệu quy mô lớn.
Tiêu biểu như mô hình trồng và phát triển cây dược liệu của Công ty CP Secoin Quảng Ninh (TX Đông Triều) chuyên trồng cây nghệ, đinh lăng, kim ngân, hoài sơn, diệp hạ châu, trinh nữ hoàng cung; mô hình trồng cây dược liệu của Công ty CP Công nghệ xanh Đông Sơn (TP Hạ Long); mô hình của Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc (TP Cẩm Phả).
Trong quá trình phát triển sản xuất cây dược liệu, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến dược liệu giữa các hộ sản xuất với hợp tác xã, doanh nghiệp, tổng diện tích khoảng 568ha, cây trồng chủ yếu là ba kích, trà hoa vàng.
Ông Phạm Việt Trung, Giám đốc Công ty TNHH Nuôi trồng, Sản xuất và Chế biến Dược liệu Đông Bắc đánh giá, việc liên kết, sản xuất, tiêu thụ, chế biến dược liệu không chỉ giúp người trồng có thu nhập ổn định, yên tâm sản xuất, mở rộng quy mô phát triển, mà còn giúp cho cơ sở sản xuất có được nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng, đáp ứng được yêu cầu sản xuất ngày càng tăng. Đây được xem là tiền đề cho việc nhân rộng cây dược liệu toàn tỉnh trong những năm tiếp theo.
Tỉnh Quảng Ninh cũng đã triển khai các hoạt động bảo hộ, bảo tồn và đánh giá giá trị nguồn gen của các cây dược liệu, tập trung vào các nguồn gen đặc hữu, có giá trị và có nguy cơ tuyệt chủng. Đồng thời, xây dựng các cơ sở sản xuất giống cây dược liệu chất lượng cao; các vườn bảo tồn cây dược liệu, nhằm bảo tồn vững chắc nguồn gen dược liệu quý hiếm.
Mục tiêu đặt ra là phấn đấu trong tương lai, Quảng Ninh trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước cung ứng dược liệu cho nhu cầu trong, ngoài tỉnh, hướng đến xuất khẩu.
Từ những tiềm năng sẵn có, Quảng Ninh đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng và mở rộng chủng loại cây dược liệu có ưu thế trên địa bàn. Dự kiến giai đoạn 2021 - 2025, tổng diện tích cây dược liệu đạt trên 16.500ha; trong đó, trên 7.000ha cây hồi, 2.170ha cây ba kích, 1.500ha cây trà hoa vàng, hơn 2.100ha cây dược liệu khác.
Chế biến sâu hướng đến xuất khẩu
Có thể nói, việc phát triển các sản phẩm OCOP từ dược liệu đang là hướng đi mới, đem lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp và người dân Quảng Ninh.
Theo thống kê của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh, hiện trên địa bàn tỉnh có 43 sản phẩm OCOP được sản xuất, chế biến từ dược liệu, trong đó có 23 sản phẩm đã được gắn sao.
Các sản phẩm này ngày càng được người dân lựa chọn sử dụng bởi gần gũi với thiên nhiên, ít độc hại, tác dụng điều trị bệnh cao. Hiện nay, nhiều địa phương phát triển các sản phẩm OCOP được tinh chế từ dược liệu như Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Uông Bí, Hoành Bồ, Đông Triều, Cẩm Phả.
Ở giai đoạn đầu của chương trình OCOP ở Quảng Ninh, còn tồn tại khá nhiều sản phẩm dược liệu sơ chế xuất hiện trên các gian hàng trưng bày. Việc sơ chế rồi bán hoặc bán nguyên liệu thô cho các đối tác còn phổ biến khi địa phương còn đang phát triển vùng nguyên liệu hoặc do năng lực sản xuất, chế biến chưa lớn.
Sản phẩm sơ cấp dạng này chủ yếu là các loại thuốc dân gian, dược liệu đóng gói, rượu thuốc, bột thuốc, dầu xoa... Tuy nhiên, các sản phẩm sơ chế hoặc bán nguyên liệu thô không phải ưu tiên của các đơn vị kinh doanh vì hiệu quả kinh tế thấp, tính cạnh tranh của sản phẩm không cao. Theo tính toán, giá trị kinh tế dạng sản phẩm thô chỉ bằng 15 - 20% so với các sản phẩm tinh chế.
Giai đoạn hiện nay, các đơn vị đã có sự chuyển mình rõ rệt, đầu tư bài bản về công nghệ, dây chuyền sản xuất, năng lực thương mại sau khi ổn định vùng nguyên liệu. Vì thế, các sản phẩm sơ chế đã dần được thay thế bằng các sản phẩm tinh chế, có hàm lượng công nghệ cao, tiện dụng và chất lượng tốt hơn.
Đặc biệt, ngày càng xuất hiện nhiều doanh nghiệp có sự đầu tư lớn, bước đi bài bản trong hợp tác nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi quy cách sản xuất, bao bì nhãn mác và cả thị trường. Theo khảo sát thực tế, sản xuất các sản phẩm OCOP về dược liệu ở các đơn vị trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh phần lớn đã đảm bảo quy trình khép kín. Doanh nghiệp đã chủ động về vùng nguyên liệu và có chiến lược phát triển vùng nguyên liệu đảm bảo nguồn cung cho sản xuất.
Đơn cử như Công ty TNHH Nuôi trồng, Sản xuất và Chế biến Dược liệu Đông Bắc đã có sự hợp tác, liên kết về chuyên môn của Viện Dược liệu (Bộ Y tế), Công ty CP Dược Khoa (Hà Nội) cùng các chuyên gia đầu ngành ở Đại học Dược, Học viện Y học dân tộc. Công ty cũng liên kết với các hộ dân trên địa bàn TP Cẩm Phả và các huyện lân cận trong việc trồng vùng nguyên liệu.
Đến thời điểm hiện tại, công ty đang sản xuất 40 sản phẩm, trong đó có 8 sản phẩm xếp hạng OCOP 4 sao, 2 sản phẩm OCOP được đề cử 5 sao. Đáng chú ý, sản phẩm trà Giảo Cổ Lam Đông Bắc là một trong 27 sản phẩm nông sản tiêu biểu năm 2021 của tỉnh Quảng Ninh. Các sản phẩm đều được đánh giá cao, được bán rộng rãi ra các thị trường trong và ngoài tỉnh qua các kênh như bán hàng online, trên các gian hàng, siêu thị khắp cả nước.
Bên cạnh thị trường nội địa, việc tiếp cận, mở rộng thị trường, đưa sản phẩm OCOP, trong đó có sản phẩm dược liệu "xuất ngoại" là hướng đi mở và đầy triển vọng. Mới đây, chuyến xúc tiến thương mại vào thị trường Lào cuối tháng 8/2022 của đoàn công tác Quảng Ninh đã mở ra nhiều tín hiệu tích cực.
Sau sự kiện này, các sản phẩm Trà dược liệu Đông Bắc, ruốc Bavabi, các loại rượu mơ, ba kích... vốn được ưa chuộng, sẽ có dịp khởi động lại sau thời gian dài gián đoạn vì dịch Covid-19.
Ngoài Lào, Campuchia, các hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp cận, mở rộng thị trường sản phẩm OCOP cũng từng được thực hiện với thị trường Trung Quốc từ trước năm 2019. Đó là các chương trình xúc tiến OCOP tại các Hội chợ Thương mại ASEAN - Trung Quốc, Hội chợ Thương mại Du lịch Quốc tế Việt - Trung...
Theo thống kê gần đây, trong khoảng gần 200 doanh nghiệp, HTX, cơ sở tham gia sản xuất các sản phẩm OCOP thì có hơn 10 tổ chức, đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP về dược liệu. Các đơn vị này sản xuất khoảng 30 đầu sản phẩm OCOP dược liệu. Nhiều sản phẩm tinh chế trong số này được đánh giá cao, xếp hạng từ 3 - 4 sao.