Những tín hiệu khả quan trong việc đảm bảo sinh kế cho người sản xuất là tiền đề để huyện miền núi Hương Khê mạnh dạn kết nối doanh nghiệp liên kết trồng cây dược liệu.
Cây dược liệu: Tiềm năng phát triển trên 3.000 ha diện tích sản xuất
Những tín hiệu khả quan trong việc đảm bảo sinh kế cho người sản xuất là tiền đề để huyện miền núi Hương Khê mạnh dạn kết nối doanh nghiệp liên kết trồng cây dược liệu.
“Chảo lửa, túi mưa” là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất khi nói về huyện miền núi Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Nông dân ở địa phương này chăm chỉ làm lụng nhưng để làm giàu từ sản xuất nông nghiệp thì không hề dễ dàng. Đặc biệt, ở các xã thường xuyên ngập lũ, khu vực đồng bào dân tộc như Điền Mỹ, Hương Xuân, Hương Lâm, Hương Vĩnh… lại càng khó khăn bội phần.
Những năm gần đây, thông qua chính sách hỗ trợ giống, kỹ thuật, mô hình trồng cây dược liệu bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần cải thiện đời sống cho các hộ dân tham gia sản xuất.
Ông Phan Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê:
“Thời gian qua Hương Khê tập trung đẩy mạnh hoạt động khuyến nông trong đó có trồng cây dược liệu sâm bố chính, xạ can, Ba kích, mộc hoa trắng. Bước đầu chúng tôi xây dựng một số mô hình cho hiệu quả. Hiện nay mới làm bước đầu nên huyện sẽ tổ chức đánh giá chất lượng, năng suất, hiệu quả kinh tế, nếu đảm bảo được thì sẽ tổ chức nhân rộng trên địa bàn”.
Đứng giữa 2 sào sâm bố chính nở hoa đỏ chót, sắp đến ngày thu hoạch, anh Phan Văn Sáng, xóm Phú Hòa, xã Hương Xuân cho biết, đầu năm 2021 gia đình anh được huyện hỗ trợ 20 triệu đồng trồng thí điểm giống sâm bố chính. Kết quả sau 12 tháng chăm sóc cho thấy cây dược liệu này thích nghi tốt điều kiện thời tiết, đất đai ở xã Hương Xuân. Đặc biệt, cho hiệu quả kinh tế cao hơn tất cả các loại cây màu khác và thậm chí cao hơn cả trồng bưởi.
Anh Phan Văn Sáng, xóm Phú Hòa, xã Hương Xuân, huyện Hương Khê
“Giá bình thường bán 250 – 600 ngàn/kg, lấy bình quân 250 kg/kg, thời gian 12 tháng, làm đạt thì được 30 – 50 triệu, không đạt trừ chi phí cũng thu gần 20 triệu/sào).
Theo kết quả rà soát, toàn huyện Hương Khê có khoảng 3.000 ha diện tích có thể sản xuất cây dược liệu, song khó khăn hiện nay đang gặp phải là vấn đề đầu ra của sản phẩm. Để hỗ trợ người dân yên tâm sản xuất, mở rộng diện tích trồng dược liệu, vừa qua huyện Hương Khê đấu nối với công ty CP dược Hà Tĩnh thí điểm liên kết sản xuất 5 sào cây xạ can ở xã Hương Vĩnh. Hiện diện tích này đang phát triển tốt, sau khi thu hoạch, Công ty CP dược Hà Tĩnh sẽ thu mua xạ can với giá 50 ngàn đồng/kg.
Ông Phan Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê
“Sản xuất phải gắn với đầu ra, cho nên huyện đang tích cực, liên hệ và làm việc các công ty dược trong và ngoài tỉnh để có ký kết liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm cho bà con”.
Tiềm năng phát triển cây dược liệu ở huyện Hương Khê đang rất lớn, việc đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm như mô hình trồng sâm bố chính ở xã Hương Xuân hay xạ can ở xã Hương Vĩnh sẽ mở ra hướng đi mới cho người nông dân, góp phần nâng cao thu nhập, làm giàu trên mảnh đất quê hương. /.