| Hotline: 0983.970.780

2020 - năm thiên tai cuồng nộ

Thứ Bảy 02/01/2021 , 13:01 (GMT+7)

Năm 2020, 16 loại hình thiên tai diễn ra dồn dập và đặc biệt khốc liệt, vượt mức lịch sử trên khắp các vùng miền cả nước.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng - Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa bão, sạt lở đất và tìm kiếm cứu nạn tại Quảng Nam. Ảnh: TT.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng - Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa bão, sạt lở đất và tìm kiếm cứu nạn tại Quảng Nam. Ảnh: TT.

1 - Chưa năm nào đêm giao thừa Thủ đô Hà Nội có mưa với lưu lượng 140mm

Ngày mùng 1 Tết Canh Tý, mưa đá xuất hiện ở 7 tỉnh miền núi phía Bắc khiến 12.000 ngôi nhà bị thủng mái; hàng chục ngàn ha rau màu của nông dân bị tàn phá.

Chuyên gia thời tiết cho rằng, hiện tượng sấm sét, mưa giông, mưa đá những ngày đầu năm cho thấy sự biến đổi kỳ lạ của thời tiết. Bởi, tiết giao thừa ở miền Bắc thường gắn liền với mưa phùn, gió bấc. Đặc biệt, không khí lạnh mạnh xuất hiện vào cuối tháng 4 tại khu vực miền Bắc, nhiệt độ tại Hà Nội xuống 16,5 độ C, thấp nhất 50 năm gần đây.

2 - Chưa bao giờ hạn hán, thiếu nước xảy ra ở cả Bắc - Trung - Nam trong vụ đông xuân

Hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt, kéo dài từ cuối năm 2019 tại Đồng bằng sông Cửu Long vượt lịch sử 2016, đã có 6 trong tổng số 13 tỉnh phải công bố tình huống khẩn cấp do hạn hán, xâm nhập mặn. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 ở khu vực ĐBSCL ở mức nghiêm trọng chưa từng thấy”.

Hạn hán kéo dài khiến nhiều tuyến kênh ở Đồng bằng sông Cửu Long khô nứt nẻ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hạn hán kéo dài khiến nhiều tuyến kênh ở Đồng bằng sông Cửu Long khô nứt nẻ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ngày 10/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định hỗ trợ 8 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long 530 tỷ đồng để chống hạn hán, xâm nhập mặn. Trong đầu năm 2020, một số tổ chức quốc tế cũng đã hỗ trợ khẩn cấp người dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long khắc phục tình trạng thiếu nước ngọt, đảm bảo ăn uống và nhu cầu tối thiểu về dân sinh.

Liên tục hơn 3 tháng (từ tháng 4 đến tháng 7), toàn khu vực Bắc Trung bộ cơ bản không có mưa dẫn đến hạn hán, thiếu nước xảy ra trên diện rộng. Trong tháng 6/2020, nhiệt độ cao nhất đo được tại huyện Con Cuông (Nghệ An) là 43,3oC, vượt mức lịch sử. Văn phòng Chính phủ phải ban hành Công văn số 5890/VPCP-NN nêu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc ứng phó, hỗ trợ phòng, chống hạn tại các tỉnh Bắc Trung bộ.

Các tỉnh Bắc bộ đã có 21 ngày nắng nóng diện rộng, riêng tại Hà Nội ghi nhận có 26 ngày nắng nóng và đây được đánh giá là đợt nắng nóng kéo dài nhất ở các tỉnh Bắc bộ từ năm 1971 đến nay.

3 - Năm 2020, cả nước đã xảy ra 16 loại hình thiên tai, trong đó có 14 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới; 265 trận dông, lốc sét; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất

Chỉ trong vòng 45 ngày từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10, đã có 8 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới xảy ra tại khu vực Trung bộ, trong đó bão số 9 là cơn bão lớn nhất trong 20 năm qua. Những số liệu đo mưa đã ghi nhận những con số kỷ lục, lượng mưa phổ biến từ 1.000 - 2.000mm, nhiều nơi trên 3.000mm.

Ngập lụt trên diện rộng tại nhiều tỉnh miền Trung do mưa cường suất lớn kéo dài. Ảnh: Nguyễn Đình Diệp.

Ngập lụt trên diện rộng tại nhiều tỉnh miền Trung do mưa cường suất lớn kéo dài. Ảnh: Nguyễn Đình Diệp.

Các đợt lũ lớn xuất hiện trên 16 tuyến sông chính tại khu vực, trong đó đã có 4 tuyến sông lớn đã vượt mức lũ lịch sử. Ngập lụt đã xảy ra trên diện rộng, thời điểm cao nhất vào ngày 12/10 và 19/10 có trên 317 nghìn hộ (1,2 triệu nhân khẩu) bị ngập lụt tại 7 tỉnh (từ Nghệ An - Quảng Nam), nhiều nơi ngập lụt trên nửa tháng.

Mưa cường suất lớn, kéo dài, kèm theo địa hình dốc đã gây ra sạt lở đất, lũ quét ở nhiều nơi, nghiêm trọng nhất tại Thủy điện Rào Trăng 3; Trạm Kiểm lâm số 67 Phong Điền (Thừa Thiên - Huế); Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 Hướng Hóa (Quảng Trị); Trà Leng và Trà Vân, huyện Nam Trà My và Phước Lộc, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) đã cướp đi sinh mạnh của hàng trăm người dân, hàng chục cán bộ, chiến sỹ và phá hủy nghiêm trọng cơ sở hạ tầng.

4 - Năm 2020, thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích, 876 người bị thương

Hơn 3.400 ngôi nhà bị sập, hơn 333.000 nhà bị hư hại, tốc mái cần di dời khẩn cấp. Hơn 511.000 lượt nhà bị ngập. Hơn 198.000ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 52.000 con gia súc, 4,1 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Tổng thiệt hại về kinh tế trên 37.400 tỷ đồng.

Bộ đội bới đất đá tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở núi ở nóc ông Đề, thôn 1, xã Trà Leng hôm 30/10. Ảnh: Đắc Thành.

Bộ đội bới đất đá tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở núi ở nóc ông Đề, thôn 1, xã Trà Leng hôm 30/10. Ảnh: Đắc Thành.

Bên cạnh những thiệt hại về vật chất nêu trên, thiên tai còn làm ảnh hưởng sức khỏe, môi trường sống, đình trệ sản xuất, giảm thu nhập của nhân dân, cản trở giao thương, làm gián đoạn việc cung cấp dịch vụ thiết yếu tại nhiều khu vực, nhất là khu vực miền Trung; kéo theo rất nhiều hệ lụy cho xã hội.

5 - Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất cấp gần 16.000 tấn gạo và hỗ trợ khẩn cấp 1.250 tỷ đồng cho 9 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng do thiên tai

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Bộ NN-PTNT đã kêu gọi các tổ chức quốc tế và một số quốc gia hỗ trợ tiền và hàng hóa thiết yếu với tổng trị giá trên 500 tỷ đồng.

Đồng thời, Bộ NN-PTNT đã ra các quyết định hỗ trợ khoảng 3.000 tấn hạt giống lúa, ngô và rau cho một số tỉnh miền Trung như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Thanh Hóa, Quảng Trị.

Dự kiến, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục xuất cấp 290.000 liều vacxin các loại, 140.000 lít hóa chất tiêu độc khử trùng phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn…

Nhìn chung, mặc dù thiên tai năm 2020 rất lớn, ở mức lịch sử, song thiệt hại đã được giảm thiểu so với các trận thiên tai cường độ tương tự, đặc biệt là giảm thiểu thiệt hại về người (năm 2017 thiên tai đã khiến 386 người chết, mất tích, thiệt hại 60.000 tỷ đồng).

Trên cơ sở nhận định tình hình thiên tai, rút kinh nghiệm từ thực tế chỉ đạo, điều hành trong thời gian vừa qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021.

Đặc biệt là nghiên cứu, đánh giá cụ thể và rà soát xây dựng lại các kịch bản biến đổi khí hậu để đưa ra các giải pháp ứng phó phù hợp, nhất là việc xây dựng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể để xây dựng các thiết chế hạ tầng như đường giao thông, các công sở, nhà ở... đảm bảo phù hợp, an toàn trước thiên tai.

Nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai đảm bảo kịp thời, chính xác hơn, phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó được hiệu quả; hiện đại hóa mô hình, công nghệ dự báo; bổ sung các trạm quan trắc khí tượng thủy văn, nhất là các trạm đo mưa, trong đó cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác quan trắc.

    Tags:
Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm