| Hotline: 0983.970.780

22.000 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh

Thứ Năm 04/04/2024 , 16:54 (GMT+7)

Hoạt động giết mổ gia cầm tại các chợ truyền thống rất phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.

Theo Bộ NN-PTNT, cả nước hiện có hơn 22.000 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ. Tại các cơ sở này, tỷ lệ kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm ở mức thấp, hoặc không kiểm soát được (không có đăng ký kinh doanh), không truy xuất được nguồn gốc đối với sản phẩm chăn nuôi.

Qua số liệu nghiên cứu chỉ ra rằng, 20% gà ở chợ gia cầm sống và lò mổ ở phía Bắc Việt Nam dương tính với virus cúm gia cầm H9N2, được xem như là chủng có độc lực thấp, có thể gây thiệt hại kinh tế đáng kể cho các hộ chăn nuôi gà do tăng chi phí thuốc điều trị, tăng tỉ lệ hao hụt, và giảm tăng trọng. Bên cạnh đó, chủng H9N2 cũng có thể gây bệnh cho người và biến đổi trở thành một nhánh mới có nguy cơ gây ra đại dịch.

'Một sức khỏe' là cách tiếp cận nhìn nhận mối liên hệ mật thiết giữa sức khỏe của con người, động vật và hệ sinh thái. Ảnh: Nguyễn Thành.

“Một sức khỏe" là cách tiếp cận nhìn nhận mối liên hệ mật thiết giữa sức khỏe của con người, động vật và hệ sinh thái. Ảnh: Nguyễn Thành.

Đáng chú ý, 50% cơ sở giết mổ và chợ gia cầm dương tính với Salmonella, một loại vi khuẩn có thể gây ngộ độc thực phẩm. 30% chợ gia cầm và cơ sở giết mổ dương tính với Campylobacter, một loại vi khuẩn khác gây ngộ độc thực phẩm.

Từ năm 2010 đến 2020, tổng đàn gia cầm của Việt Nam đã tăng trưởng trung bình 5,6% mỗi năm. Dự kiến đến năm 2025, số lượng này sẽ vượt mốc 500 triệu con, tương ứng với sản lượng 18 tỷ quả trứng mỗi năm.

Thâm canh chăn nuôi gia cầm tạo điều kiện cho vi sinh vật gây bệnh (mầm bệnh) xuất hiện và lây lan, gây ảnh hưởng đến nỗ lực sản xuất thực phẩm an toàn và bền vững. Nó cũng làm tăng nguy cơ ‘lây truyền’ mầm bệnh từ động vật sang con người, dẫn đến các đợt bùng phát dịch bệnh và tiềm ẩn nguy cơ đại dịch trong tương lai.

Khuyến khích xây dựng lò mổ hiện đại

Dự án nghiên cứu gia cầm Một sức khỏe là chương trình nghiên cứu đa quốc gia được triển khai trong 5 năm nhằm nghiên cứu các nguy cơ dịch bệnh nảy sinh trong chăn nuôi và buôn bán gia cầm tại Đông Nam Á và Nam Á, trong đó có Việt Nam. 

Giáo sư Fiona Tomley, trường Đại học Thú Y Hoàng gia Anh - Giám đốc của Dự án nghiên cứu gia cầm Một sức khỏe, cho biết, dự án là chương trình nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam áp dụng cách tiếp cận “Một sức khỏe” để nghiên cứu nguy cơ dịch bệnh dọc theo mạng lưới sản xuất và phân phối gà (từ trang trại đến bàn ăn).

“Một sức khỏe" là cách tiếp cận nhìn nhận mối liên hệ mật thiết giữa sức khỏe của con người, động vật và hệ sinh thái. Theo đó, để đạt được sức khỏe tốt nhất cho tất cả các nhân tố trên, cần có sự hợp tác liên ngành hiệu quả giữa các lĩnh vực liên quan đến con người, động vật, thực vật và môi trường.

Các chuyên gia khác đã xác định các yếu tố ảnh hưởng đến sự hiện diện và lây truyền của virus cúm gia cầm và vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm, cũng như sự lan truyền của kháng kháng sinh tại các điểm khác nhau trong mạng lưới sản xuất và phân phối gà.

Cúm gia cầm ở Việt Nam là mối đe dọa liên tục đối với ngành chăn nuôi gia cầm, gây ra tổn thất kinh tế và làm ảnh hưởng đến sinh kế của người chăn nuôi. Virus cúm gia cầm cũng có thể góp phần vào các đợt bùng phát cúm người trong tương lai.

Ngộ độc thực phẩm do các loại vi khuẩn Campylobacter và Salmonella ở gà là một gánh nặng bệnh tật đáng kể cho con người và có thể gây tử vong. Hiện tượng kháng kháng sinh được Tổ chức Y tế Thế giới mô tả là một trong mười mối đe dọa sức khỏe toàn cầu hàng đầu.

"Mặc dù chính sách lâu dài của Chính phủ Việt Nam là khuyến khích xây dựng và sử dụng các lò mổ hiện đại, quy mô lớn, nhưng các yếu tố như sự đa dạng của hình thức giết mổ, quyền sử dụng đất, và sở thích ẩm thực lại hạn chế cả việc phát triển và vận hành các cơ sở này.

Việc hỗ trợ những người giết mổ nhỏ lẻ hoạt động trong điều kiện an toàn và đảm bảo an toàn sinh học sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe cộng động", Giáo sư Fiona Tomley cho biết.

Giáo sư Vũ Đình Tôn, chủ nhiệm nhánh của Dự án nghiên cứu gia cầm Một sức khỏe tại Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Thành.

Giáo sư Vũ Đình Tôn, chủ nhiệm nhánh của Dự án nghiên cứu gia cầm Một sức khỏe tại Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Thành.

Mục tiêu của Dự án là cung cấp thông tin cho việc xây dựng các chính sách và biện pháp can thiệp bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường để cải thiện sức khỏe cho con người, động vật và xã hội. Năm bản khuyến nghị chính sách do các nhóm nghiên cứu ở Việt Nam thực hiện đều đưa ra các khuyến nghị, bao gồm các lĩnh vực: an toàn sinh học, Một sức khỏe, chợ gia cầm, giết mổ gia cầm, và vai trò của giới trong phòng chống dịch bệnh trên gia cầm.

Giáo sư Vũ Đình Tôn (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), chủ nhiệm nhánh của Dự án tại Việt Nam, chia sẻ: “Dự án này khá đặc biệt với sự tham gia của nhiều đối tác ở các nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Sự đa dạng của các đối tác đã tạo ra một nguồn lực quan trọng trong việc hợp tác liên ngành và giải quyết vấn đề một cách đồng bộ".

"Sau 5 năm triển khai dự án đã đạt được những kết quả nhất định, có ý nghĩa trong việc xây dựng các chính sách và đề xuất các biện pháp phòng và kiểm soát dịch bệnh. Ngoài ra, dự án còn tạo ra được mối quan hệ giữa các nhà nghiên cứu và các bên liên quan ở trong nước và quốc tế”, Giáo sư Vũ Đình Tôn nhấn mạnh.

Dự án nghiên cứu gia cầm Một sức khỏe có 28 đối tác đến từ 10 quốc gia trên thế giới và được chủ trì bởi Trường Đại học Thú y Hoàng gia, Vương quốc Anh. Các đối tác Việt Nam bao gồm: Trung tâm hợp tác quốc tế Pháp về nghiên cứu phát triển Nông nghiệp (CIRAD); Cục Thú y - Bộ NN-PTNT; Viện Chăn nuôi Quốc gia; Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương; Viện nghiên cứu Thú y Quốc gia và Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Các hoạt động nghiên cứu của Dự án tại Việt Nam được triển khai ở các tỉnh Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương và Quảng Ninh.

Dự án được tài trợ bởi Ủy ban Nghiên cứu và Đổi mới Sáng tạo Vương quốc Anh (UKRI) thông qua Quỹ Nghiên cứu Thách thức Toàn cầu (GCRF).

Xem thêm
Cây dâu khỏa lấp cây tiêu ở vùng biên

BÌNH PHƯỚC Từng là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước, sau thời kỳ hồ tiêu suy thoái, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.