| Hotline: 0983.970.780

Hậu Giang

260.000 người dân hưởng lợi từ hồ chứa nước ngọt Hậu Giang

Thứ Năm 08/09/2022 , 06:13 (GMT+7)

Hồ chứa nước ngọt lớn nhất tỉnh Hậu Giang với sức chứa tối đa gần 1 triệu mét khối nước, phục vụ cho 260.000 người dân dự kiến hoàn thành trong cuối tháng 9 này.

Hơn 180 tỷ đồng xây dựng hồ chứa nước ngọt lớn nhất tỉnh

Hậu Giang được biết đến là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng của xâm nhập mặn. Hàng năm, tỉnh bị nước mặn tấn công mạnh ở triều biển Tây theo sông Cái Lớn, nhất là đợt hạn mặn lịch sử xảy ra trong giai đoạn năm 2019 - 2020.

Từ năm 2018, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu theo tinh thần Nghị quyết số 120 của Chính phủ. Có thể kể đến như: Xây dựng bản đồ số xâm nhập mặn tỉnh Hậu Giang; chương trình khảo sát, đánh giá chế độ thủy văn, địa hình đáy, địa chất ven sông, kênh chính trên địa bàn tỉnh hay việc xây dựng cơ sở dữ liệu và mô hình cảnh báo sạt lở giai đoạn 2018 - 2025.

20220905_150014-01-03

Toàn cảnh công trình hồ chứa nước ngọt tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Kim Anh.

Đặc biệt nhất, vào tháng 3/2020, công trình hồ chứa nước ngọt tỉnh Hậu Giang chính thức được khởi công xây dựng trong sự kỳ vọng của người dân, tạo nguồn nước dự trữ cho sản xuất và sinh hoạt. Công trình này do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư, với tổng diện tích 50ha, trong đó diện tích mặt hồ trên 20ha, vốn đầu tư hơn 180 tỷ đồng.

Dẫn chúng tôi đi tham quan khu vực hồ đang triển khai xây dựng, ông Đỗ Minh Đức, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án phấn khởi thông tin, đơn vị đang đôn đốc các nhà thầu tập trung tối đa phương tiện và nhân lực để đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành dự án vào cuối tháng 9 này.

Ảnh 4

Chủ đầu tư dự án kiểm tra tiến độ thi công công trình. Ảnh: Kim Anh.

Theo lời ông Đức, qua khảo sát và lập dự án, những năm trước đây hàng năm vào mùa hạn mặn, thời điểm từ tháng 3 - 5, tỉnh Hậu Giang thường bị mặn xâm nhập, tấn công vào nội đồng. Từ đó, bằng nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã triển khai thực hiện dự án với mục tiêu hàng đầu là trữ nước. Mùa kiệt, nước mặn xâm nhập địa phương sẽ chủ động nguồn nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Trong giai đoạn đầu, dự án đã tiến hành triển khai xây dựng hồ chứa nước với dung tích tối đa có thể khai thác đạt gần 1 triệu m3. Hiện nay, hạng mục xây dựng hồ đã cơ bản hoàn thành, các công trình phụ trợ đi kèm như: Kè bảo vệ hồ, đường dẫn vào hồ, hệ thống cống, hệ thống bơm nước vào trữ trong hồ, nhà điều hành quản lý hồ đã được gấp rút triển khai thi công, tiến độ đạt trên 98%.

Đi sâu về nguyên lý hoạt động của hồ, ông Đức phân tích, cao trình đáy hồ âm 5m, hàng năm vào mùa mưa, hồ sẽ trữ nguồn nước tự nhiên thông qua hệ thống cống, điều tiết lấy nước vào hồ hoặc tháo nước ra trong mùa khô. Ngoài ra, hồ được trang bị 2 máy bơm, với khả năng bơm 5.000 mét khối/giờ để cung cấp nước cho các địa phương lân cận như TP Vị Thanh, huyện Vị Thủy, Long Mỹ và Châu Thành A.

Bên cạnh đó, hồ nước ngọt này sẽ tạo ra khu trữ nước tĩnh, xử lý cơ bản lượng phù sa, độ đục, giảm thiểu phần lớn chi phí cho quá trình xây dựng nhà máy xử lý nước trong công tác lọc nước. Sau khi dự án hoàn thành, UBND tỉnh Hậu Giang sẽ lên phương án bàn giao công trình cho một đơn vị để thực hiện công tác vận hành, duy tu, bảo dưỡng. Đồng thời, kết hợp với đơn vị cấp thoát nước để đầu tư thêm hệ thống máy bơm, lọc, đường ống dẫn nước về các nhà máy nước, cung cấp nguồn nước mặt, bảo đảm chất lượng thường xuyên cho nhà máy nước sạch của Hậu Giang. Cũng như đảm bảo nguồn nước sạch sinh hoạt cho người dân các khu vực trên.

Ngoài mục tiêu trữ nước, công trình cũng tạo điều kiện phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh vùng sông nước, góp phần cải thiện cảnh quan và môi trường thiên nhiên trong khu vực. Ông Đức thông tin, thông qua việc tận dụng không gian xung quanh hồ tỉnh Hậu Giang đang xem xét đến phương án phát triển năng lượng mặt trời trong giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, hồ nước ngọt sẽ là nơi bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản của tỉnh nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung. Đây được xem là hướng khai thác mới, góp phần phát triển kinh tế địa phương cũng như tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân trong vùng.

Kỳ vọng vào công trình hồ nước ngọt 

Thời gian qua, các địa phương khác như tỉnh An Giang, Cà Mau cũng đang khẩn trương xây dựng hồ trữ nước ngọt nhằm ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn. Bên cạnh đó, từ thực tế hồ nước ngọt Kênh Lấp hoạt động ở tỉnh Bến Tre bị nhiễm mặn, cạn nước khiến người dân chưa tin tưởng đối với dự án này.

Rút kinh nghiệm từ hồ chứa nước Kênh Lấp, UBND tỉnh Hậu Giang đặc biệt chú trọng lựa chọn địa điểm xây dựng hồ. Qua khảo sát của cơ quan chuyên môn, ông Đức phân tích rõ, vị trí này hoàn toàn phù hợp với quy hoạch của tỉnh. “Vĩnh Tường là xã vùng trũng, vùng lõi trung tâm của tỉnh nên sẽ hạn chế được nước mặn tấn công. Sau khi hoàn thành, dự án được kỳ vọng sẽ bổ sung thêm nguồn nước ngọt cho người dân, thay vì đang phụ thuộc nguồn nước ngọt lấy từ kênh xáng Xà No.”, ông Đức cho biết thêm.

Ảnh 3

Vùng đất sản xuất nông nghiệp của người dân xung quanh công trình hồ chứa nước ngọt tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Kim Anh.

Đây là dự án đóng vai trò hết sức quan trọng của tỉnh Hậu Giang, phục vụ cho 260.000 người dân trong tỉnh. Công trình đóng vai trò là “túi nước ngọt” dự trữ nước cho sản xuất và sinh hoạt, giúp ngành chức năng của tỉnh chủ động ứng phó, thích ứng với xâm nhập mặn. Từ đây người dân cũng an tâm hơn khi canh tác và sản xuất trong điều kiện mùa khô.

Theo quan sát của chúng tôi, dọc con đường dẫn vào công trình hồ chứa nước ngọt được bao quanh bởi các ruộng lúa, vườn cây ăn trái và kênh mương với diện tích khá lớn. Điều này cũng thuận lợi hơn, khi khai thác nguồn nước ngọt dẫn vào hồ. Đồng thời cung cấp ngược lại nguồn nước cho các vùng sản xuất nông nghiệp.

Ông Trần Thanh Nhi, một nông dân sinh sống và phát triển nông nghiệp lâu năm trên vùng đất xã Vĩnh Tường. Nhiều đợt hạn mặn vừa qua gia đình ông ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Đặc biệt, những địa phương lân cận có trường hợp thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt khiến ông rất xót xa. Hơn nữa, khi xem truyền hình, ông Nhi thấy người dân nhiều nơi phải đi chở nước, rồi chính quyền, mạnh thường quân hỗ trợ, chi phí cũng tốn kém rất nhiều. Vì thế, bây giờ ở Hậu Giang đầu tư làm được hồ chứa nước ngọt phục vụ cho người dân, bản thân ông rất vui.

Ảnh 2

Đơn vị thi công đang xây dựng hoàn thành phần kè quanh hồ. Ảnh: Kim Anh.

Khi dự án được triển khai, giai đoạn vận động người dân để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng người dân đồng thuận rất cao. Những khó khăn trong chính sách bồi thường cũng được giải quyết ổn, nên bà con đều phấn khởi. Diện mạo công trình đã hình thành và chờ hoàn thiện, bà con nông dân rất kỳ vọng hồ nước ngọt quy mô lớn nhất ở tỉnh Hậu Giang từ trước đến nay sẽ giải quyết được vấn đề nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn hay nguồn nước sinh hoạt trong mùa khô.

Ngày 14/4/2022, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành Kế hoạch số 61/KH-UBND về thực hiện Nghị quyết 06 của Chính phủ về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm mà kế hoạch này đưa ra là triển khai thực hiện Chương trình thoát nước và chống ngập úng đô thị nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu (FPP); đầu tư các công trình trữ nước, cấp nước sử dụng nguồn tài nguyên nước mặt cho hoạt động sinh hoạt, sản xuất.

Bên cạnh đó, nâng cấp, sửa chữa, xây dựng các công trình trọng điểm có liên quan đến phòng chống sạt lở ven sông, đê bao, cống ngăn mặn, hồ chứa nước ngọt.

Xem thêm
Thủ tướng tặng quà, động viên công nhân thi công tuyến đường cao tốc huyết mạch

Thị sát các dự án đường cao tốc, Thủ tướng nhắc nhở các địa phương chú trọng xây dựng các khu tái định cư, bảo đảm người dân có cuộc sống tốt nhất.

Chia nước theo thứ tự ưu tiên

Do nắng hạn kéo dài, không có mưa đã khiến các hồ đập cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cắt giảm hơn 15.000ha lúa trong vụ hè thu tới.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Người vùng cát trắng…

Vùng cát trắng trên miền đất lửa Quảng Trị hôm nay đã phần nào bớt đi những ám ảnh, thay vào đó là khát vọng lớn lao để vươn lên trên chính quê hương mình.

Bình luận mới nhất