| Hotline: 0983.970.780

3 tháng đầu năm, xuất khẩu nông sản giảm hơn 14% so với cùng kỳ

Thứ Năm 30/03/2023 , 09:24 (GMT+7)

Khó khăn lớn nhất của ngành nông nghiệp trong năm 2023 là vấn đề thị trường, xuất khẩu gặp nhiều thách thức. Khó khăn đó có thể thấy rõ ngay trong Quý I.

Bộ NN-PTNT tổ chức cuộc họp giao ban tháng 3 và Quý I năm 2023. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bộ NN-PTNT tổ chức cuộc họp giao ban tháng 3 và Quý I năm 2023. Ảnh: Phạm Hiếu.

Xuất khẩu ước đạt 11,19 tỷ USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ

Ngày 30/3, Bộ NN-PTNT tổ chức cuộc họp giao ban tháng 3 và Quý I năm 2023. Thông tin tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết, khó khăn lớn nhất của ngành trong năm 2023 là vấn đề thị trường, có thể thấy rõ ngay trong Quý I.

Theo báo cáo của Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản 3 tháng đầu năm ước đạt 20,63 tỷ USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, xuất khẩu ước đạt 11,19 tỷ USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu ước đạt 9,44 tỷ USD, giảm 7,2%; xuất siêu 1,76 tỷ USD, giảm 39,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 3 tháng, nhiều mặt hàng xuất khẩu chính có giá trị xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước nên kim ngạch xuất khẩu ước đạt 11,19 tỷ USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Văn Việt cho biết, trong Quý I năm 2023, nhiều các sản phẩm nhập khẩu cũng giảm so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Nguyễn Văn Việt cho biết, trong Quý I năm 2023, nhiều các sản phẩm nhập khẩu cũng giảm so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Phạm Hiếu.

Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản đạt 5,73 tỷ USD, tăng 3,8%; lâm sản đạt 3,11 tỷ USD, giảm 28,3%; thủy sản đạt 1,79 tỷ USD, giảm 29,0%; chăn nuôi đạt 115 triệu USD, tăng 46,5%; đầu vào sản xuất đạt 458 triệu USD, giảm 26,8% và muối đạt 0,9 triệu USD, giảm 31,3%.

Về thị trường xuất khẩu, 3 tháng đầu năm 2023, các thị trường thuộc khu vực châu Á chiếm 48,8% thị phần, châu Mỹ 20,3%, châu Âu 12,8%, châu Đại Dương 1,4% và châu Phi 1,2%.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất, giá trị xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD (chiếm 21,5% thị phần); đứng thứ 2 là Hoa Kỳ đạt 2,04 tỷ USD (chiếm 18,2%); thứ 3 là Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt 936 triệu USD (chiếm 8,4%); thứ 4 Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt 528 triệu USD (chiếm 4,7%).

Về nhập khẩu, tính chung 3 tháng, nhiều các sản phẩm nhập khẩu cũng giảm so với cùng kỳ năm trước nên kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản ước đạt 9,44 tỷ USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, giá trị nhập khẩu nhóm nông sản đạt 5,82 tỷ USD, giảm 10,3%; nhóm hàng thủy sản đạt 708 triệu USD, tăng 30%; nhóm lâm sản đạt 513 triệu USD, giảm 25,4%; nhóm sản phẩm chăn nuôi đạt 741 tỷ USD, tăng 1,5%; nhóm đầu vào sản xuất đạt 1,64 tỷ USD, giảm 3,9%.

Về thị trường nhập khẩu, khu vực châu Á chiếm 29,3% thị phần nhập khẩu của Việt Nam, châu Mỹ chiếm 25,5%, châu Đại Dương chiếm 7,1%, châu Âu chiếm 4,0% và châu Phi chiếm 2,9%. Brazil, Argentina, Trung Quốc và Hoa Kỳ là 3 thị trường cung cấp hàng nông lâm thủy sản lớn nhất cho Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2023 với thị phần trong tổng giá trị nhập khẩu lần lượt là 9,9%; 8% và 6,7%.

Trong 3 tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản đạt 1,79 tỷ USD, giảm 29,0%. Ảnh: TL.

Trong 3 tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản đạt 1,79 tỷ USD, giảm 29,0%. Ảnh: TL.

Đối với thị trường trong nước, trong tháng 3 và Quý I năm 2023, thị trường hàng hóa trong nước tương đối ổn định, nhu cầu tiêu dùng đối với các mặt hàng lương thực thực phẩm giảm nhiều trong tháng 2 và tháng 3 do người dân đã tập trung mua sắm giai đoạn trước Tết Nguyên đán.

Thời tiết ổn định, tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nên nguồn cung dồi dào, giá cả có xu hướng giảm nhẹ và không có biến động lớn.

3 tháng đầu năm 2023, giá phân bón biến động theo xu hướng giảm do nguồn cung tăng và giá phân bón trên thế giới giảm (giảm từ 1.600 – 2.600 đồng/kg tùy loại). Giá hầu hết nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính trong nước có xu hướng tăng trong tháng 1 nhưng giảm trong tháng 2/2023 và hiện nay đang có xu hướng ổn định.

So với tháng trước, trong tháng 3/2023, bên cạnh một số mặt hàng có giá tương đối ổn định (rau quả, thủy sản), hầu hết các mặt hàng đều có xu hướng giảm nhẹ.

Cụ thể, giá lúa tại hầu hết các tỉnh giảm do đang vào vụ thu hoạch rộ (giảm từ 300 - 400 đồng/kg tùy loại); giá cà phê thế giới và trong nước giảm do báo cáo tồn kho cà phê tăng, các nhà sản xuất chính chuẩn bị vào vụ thu hoạch mới (giảm khoảng 100 đồng/kg); giá chè tiếp tục xu hướng giảm do sức mua của thị trường thấp, sản lượng thu hoạch tăng; giá hạt tiêu giảm nhẹ do nguồn cung dồi dào (giảm từ 10.000 - 80.000 đồng/kg tùy loại); giá lợn hơi trên cả nước giảm do nguồn cung dồi dào trong khi mức tiêu thụ chậm (giảm từ 1.000 - 3.000 đồng/kg tùy khu vực); giá gà giảm do sức mua giảm, tiêu thụ thịt gà ở các khu công nghiệp, bếp ăn tập thể giảm (giảm từ 1.000 - 4.000 đồng/kg tùy khu vực).

Lúa được mùa được giá

Theo ông Nguyễn Văn Việt, trong Quý I năm 2023, ngành nông nghiệp có mức tăng trưởng khá cao với 2,5%, trong đó có sự đóng góp lớn của các ngành trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.

Đối với ngành trồng trọt, trong tháng 3, các địa phương đã tập trung gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch lúa và các loại cây hoa màu vụ Đông Xuân. Tính chung 3 tháng đầu năm, sản xuất trồng trọt vẫn ổn định, sản lượng nhiều loại cây lâu năm chủ lực tăng. Giá trị sản xuất trồng trọt tăng khoảng 1,21% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 59,5% tỷ trọng giá trị sản xuất của lĩnh vực nông nghiệp chung.

Đến thời điểm hiện tại, lúa được mùa được giá, tuy diện tích gieo cấy giảm nhưng sản lượng vẫn tăng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đến thời điểm hiện tại, lúa được mùa được giá, tuy diện tích gieo cấy giảm nhưng sản lượng vẫn tăng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

“Đến thời điểm hiện tại, lúa được mùa được giá, tuy diện tích gieo cấy giảm nhưng sản lượng vẫn tăng. Lũy kế đến trung tuần tháng 3, cả nước gieo cấy được hơn 3,2 triệu ha lúa, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước; đã thu hoạch đạt hơn 1,3 triệu ha, tăng 5,9% với năng suất bình quân đạt 67,1 tạ/ha, tăng 1,1 tạ/ha nên sản lượng thu hoạch đạt khoảng 9,1 triệu tấn, tăng 7,6%”, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch thông tin.

Trong ngành chăn nuôi, 3 tháng đầu năm, dù dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt nhưng chăn nuôi lợn gặp khó khăn do giá bán thịt hơi vẫn ở mức thấp trong khi giá nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi tăng cao.

Chăn nuôi gia cầm trên cả nước phát triển ổn định. Giá trị sản xuất Quý I tăng khoảng 4,69%, chiếm 35,2% tỷ trọng giá trị sản xuất của lĩnh vực nông nghiệp chung với sản lượng thịt hơi các loại chính đạt trên 1,9 triệu tấn, tăng 6,0% so cùng kỳ năm trước.

Lí giải về nguyên nhân giá lợn hơi giảm trong thời gian qua, ông Nguyễn Văn Việt cho biết có nhiều lí do, trong đó có lí do đến từ thị trường, cụ thể là do nguồn cung lớn hơn nhu cầu của thị trường.

3 tháng đầu năm, chăn nuôi lợn gặp khó khăn do giá bán thịt hơi vẫn ở mức thấp trong khi giá nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi tăng cao. Ảnh: Phạm Hiếu.

3 tháng đầu năm, chăn nuôi lợn gặp khó khăn do giá bán thịt hơi vẫn ở mức thấp trong khi giá nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi tăng cao. Ảnh: Phạm Hiếu.

Đối với ngành thủy sản, sản xuất trong Quý I năm 2023 có nhiều biến động trong bối cảnh thị trường xuất khẩu giảm mạnh ở những tháng đầu năm.

Nuôi trồng thủy sản tiếp tục được các cơ quan chức năng khuyến khích nuôi tôm chất lượng cao và đầu tư kỹ thuật vào sản xuất; mở rộng chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cá tra, tôm nước lợ.

Hoạt động khai thác thủy sản được duy trì ổn định do thời tiết thuận lợi. Tăng trưởng lĩnh vực thủy sản Quý I đạt khoảng 2,68% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng sản lượng thủy sản tháng 3 ước đạt hơn 703.000 tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 3 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản ước đạt gần 1,9 triệu tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Văn Việt cho rằng, 3 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng toàn ngành chưa đạt so với kịch bản tăng trưởng đề ra, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản giảm, thặng dư thương mại giảm so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân do kinh tế toàn cầu năm 2023 dự báo tăng trưởng chậm lại, ảnh hưởng từ xung đột quân sự Nga - Ukraine, tình trạng lạm phát cao tại một số nước trên thế giới đã làm giảm nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu nhập khẩu.

Thêm vào đó, do sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, nhiều nước tái xuất khẩu nông sản và tăng cung trên thị trường, trong khi ở trong nước, nhiều doanh nghiệp chưa ký được đơn hàng xuất khẩu mới cho năm 2023.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Nghề cói Kim Sơn được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định 1150/QĐ-BVHTTDL đưa nghề thủ công truyền thống nghề cói Kim Sơn vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bản văn hóa 4.0 chuyển mình với những 'dự án 0 đồng'

Bản văn hóa Nà Sự, xã Chà Nưa có gần 140 hộ dân người dân tộc Thái cùng sinh sống và có nét đặc trưng văn hóa, phong tục độc đáo.