HTX An Thịnh, thị trấn Đồng Tâm, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn có 8 thành viên phát triển mô hình chăn nuôi kết hợp trồng rau, trồng cây ăn quả.
Thời kỳ cao điểm, HTX này có 1.500 đầu lợn. Nổi bật nhất như trang trại của gia đình anh Lê Quân; trang trại của gia đình anh Đặng Anh Vũ duy trì từ vài trăm đến cả nghìn con lợn từ nái, thương phẩm tới lợn giống.
Tuy nhiên, mấy tháng trở lại đây người chăn lợn tại HTX Đồng Tâm đối diện với nhiều khó khăn khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi đó đó giá thu mua lợn thương phẩm xuống thấp. Có thời điểm lợn thương phẩm được thu mua với giá chỉ 38.000 đồng/kg, khiến người nuôi lỗ nặng.
Gia đình bà Lê Thị Sơn, Giám đốc HTX Đồng Tâm phát triển mô hình vườn trồng rau, cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi khoảng 100 con lợn thương phẩm và lợn nái.
Bà Sơn cho biết, phát triển mô hình này bà tận dụng được nguồn phân chăn nuôi để ủ bón cho cây rau màu và cây ăn quả, hướng mô hình của gia đình mình phát triển theo hướng hữu cơ.
Tuy nhiên, mấy tháng nay giá lợn xuống thấp khiến gia đình bà giảm tổng đàn để hạn chế thua lỗ.
Với những con lợn đến tuổi xuất chuồng nhưng giá xuống quá thấp, bà Sơn đang duy trì tại chuồng nuôi với hi vọng trong khoảng 1 tháng tới giá sẽ tăng cao, nhằm giảm thua lỗ khi chi phí đầu tư khá cao. Thế nhưng nếu giá không tăng lên về lâu dài bà vẫn phải xuất chuồng đàn lợn, bởi nếu tiếp tục duy trì thì có thể sẽ lỗ nặng hơn.
Gia đình anh Đặng Anh Vũ là hộ chăn nuôi lợn lớn nhất nhì của HTX Đồng Tâm. Phát triển chăn nuôi quy mô lớn, anh Vũ đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi kiên cố, hiện đại; xây dựng thành 2 khu chuồng riêng biệt dành nuôi lợn nái và lợn thịt; lắp đặt các trang thiết bị, công nghệ hiện đại gồm quạt hút, quạt mát, trần cách nhiệt phục vụ cho việc chăn; chủ động trong việc tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho đàn lợn, có quy trình chăn nuôi hợp lý, đảm bảo vệ sinh thú y chuồng trại…
Thời kỳ cao điểm, gia đình anh Vũ nuôi khoảng 500 con lợn các loại. Tuy nhiên hiện nay khi giá thức ăn tăng cao, anh chỉ duy trì đàn lợn hơn 100 con gồm hơn 80 con lợn thịt, 25 con lợn giống và 5 con lợn nái.
Để giảm chi phí chăn nuôi, mới đây anh Vũ mua máy ép cám viên tự chế biến thức ăn chăn nuôi. Với loại máy này anh có thể chủ động mua ngô, lúa, bột cá, khô đậu… về chế biến rồi làm thức ăn cho đàn lợn. Như vậy, 1kg cám tự chế biến sẽ giúp anh giảm được 2.000 đồng so với mua cám thức ăn được bán trên thị trường.
Mấy ngày trở lại đây giá lợn hơi tại tỉnh Bắc Kạn đã đạt 45.000 đến 47.000 đồng/kg, với mức này người nuôi lợn như anh Vũ không bị thua lỗ nhưng cũng chỉ hòa vốn. Bởi vậy nhiều con lợn đã sấp sỉ 1 tạ nhưng anh Vũ chưa muốn xuất chuồng mà cố gắng duy trì nuôi hi vọng trong thời gian tới giá lợn sẽ tăng lên, như vậy mới đảm bảo không bị thua lỗ và hi vọng có lãi.
Hiện nay toàn tỉnh Bắc Kạn có khoảng 389.000 con lợn. Trong Đề án tái cơ cấu ngành NN-PTNT tỉnh Bắc Kạn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020- 2025, tầm nhìn 2035 tỉnh xác định phát triển chăn nuôi theo phương thức trang trại, gia trại. Trong đó, tỉnh Bắc Kạn xác định 3 loại vật nuôi để tập trung phát triển là trâu, bò và lợn; tập trung cho phát triển chăn nuôi lợn theo hướng sản xuất hàng hóa.
Trước tình hình giá lợn thương phẩm xuống thấp, ngành chức năng của tỉnh Bắc Kạn khuyến cao người chăn nuôi tiếp tục theo dõi thị trường để có kế hoạch chăn nuôi phù hợp; tập trung tốt việc phòng, chống dịch bệnh đảm bảo đàn vật nuôi không bị thiệt hại do dịch, bệnh; chủ động thay đổi khẩu phần ăn, thay đổi cách chế biến thức ăn chăn nuôi từ việc thu mua và tận dụng sản phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho đàn lợn nhằm hạn chế thấp nhất chi phí đầu tư cho chăn nuôi.