| Hotline: 0983.970.780

Nhiều chính sách liên kết với nông dân trồng sầu riêng

Thứ Bảy 25/03/2023 , 16:43 (GMT+7)

Đắk Lắk Doanh nghiệp hỗ trợ các thành viên HTX có mã số vùng trồng xuất khẩu sầu riêng tập huấn kỹ thuật, tài chính để hình thành chuỗi liên kết bền vững.

Hỗ trợ tài chính không nhiều nhưng là niềm tin

Thời gian qua, Công ty Cổ phần Sầu riêng Tây Nguyên (SARITA) đã phối hợp với HTX Cây ăn trái Krông Pắc (Đắk Lắk) hỗ trợ tài chính, tập huấn kỹ thuật cho các thành viên. Việc này giúp hình thành chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp - HTX và người dân từ khâu canh tác đến thu mua sản phẩm.

Ông Nguyễn Đình Sin (ngụ thôn Phước Hòa, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc) cho biết, gia đình có hơn 1,5ha sầu riêng đang cho thu hoạch. Vừa qua, HTX liên kết với Công ty SARITA để bao tiêu, thu mua sản phẩm. Khi liên kết, các thành viên HTX được hỗ trợ tư vấn kỹ thuật và tài chính.

“Đối với gia đình 10 triệu đồng là không đáng kể nhưng tạo được niềm tin để liên kết giữa người dân và doanh nghiệp. Khi liên kết doanh nghiệp cử nhân viên xuống tư vấn, hỗ trợ gia đình canh tác theo tiêu chuẩn của nước nhập khẩu. Đặc biệt, doanh nghiệp cũng cam kết thu mua bằng giá thị trường và cao hơn”, ông Sin nói.

Nhân viên Công ty SARITA hưỡng dẫn người dân làm thủ tục hỗ trợ tài chính. Ảnh: Trần Phát.

Nhân viên Công ty SARITA hưỡng dẫn người dân làm thủ tục hỗ trợ tài chính. Ảnh: Trần Phát.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Khải (ngụ xã Hòa An, huyện Krông Pắc) trồng 6 sào sầu riêng hơn 7 năm nay, tuy nhiên do không có kinh phí đầu tư nên gặp nhiều khó khăn. Vì không đầu tư nên mỗi năm vườn sầu riêng của gia đình ông Khải chỉ thu được hơn 2 tấn.

Đây là gia đình khó khăn nhất của HTX nên được SARITA hỗ trợ tài chính miễn phí. Ngoài ra, SARITA cũng cử cán bộ xuống hỗ trợ kỹ thuật, bón phân một cách khoa học nhằm nâng cao sản lượng cũng như chất lượng sầu riêng của gia đình ông Khải.

Còn gia đình ông Huỳnh Công Định (ngụ xã Ea Knuêc, huyện Krông Pắc) có tổng cộng 7ha đất trồng sầu riêng. Trong đó, tại thôn Phước Hòa ông Định có hơn 2ha tham gia vào HTX Cây ăn trái Krông Pắc.

“Việc doanh nghiệp hỗ trợ tài chính theo sản lượng thật ra không nhiều. Tuy nhiên việc quan trọng là cam kết của doanh nghiệp đối với người dân trong công tác thu mua. Cụ thể người dân thôn Phước Hòa có nguyện vọng được bán giá cao hơn thị trường thì tốt.

Còn không thì theo giá thị trường. Đặc biệt, doanh nghiệp khi thu mua cần cố gắng làm sao thu hoạch sản phẩm trong vòng 2 dao cắt. Chứ trước đây nhiều thương lái vào thu mua rồi kéo dài khiến vườn cây bị ảnh hưởng. Người dân sẵn sàng chia sẻ với doanh nghiệp về giá cả từng sản phẩm”, ông Định chia sẻ.

Lựa chọn doanh nghiệp đủ nguồn lực để liên kết

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT HTX Cây ăn trái Krông Pắc cho biết, HTX thành lập năm 2020 với mục tiêu là hỗ trợ các thành viên xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang thị trường Trung Quốc.

Vừa qua, HTX đã thiết lập và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp 23 mã vùng trồng với diện tích 1.200ha cho 1.500 hộ dân. Diện tích HTX được cấp mã tương đương với sản lượng xuất khẩu là 30.000 tấn quả sầu riêng tươi.

Người dân cho biết việc hỗ trợ tài chính không nhiều nhưng tạo được niềm tin với doanh nghiệp. Ảnh: Trần Phát.

Người dân cho biết việc hỗ trợ tài chính không nhiều nhưng tạo được niềm tin với doanh nghiệp. Ảnh: Trần Phát.

Để việc thu mua sản phẩm của các thành viên ổn định, HTX thống nhất lựa chọn các đơn vị thu mua, xuất khẩu có uy tín để đồng hành với bà con. Trong đó, SARITA là đơn vị được HTX chọn sau khi thẩm định về cơ sở vật chất, đầu tư kỹ thuật.

“HTX dự kiến lựa chọn 3 nhà đầu tư để liên kết với đơn vị nhằm thu mua sản phẩm cho các thành viên một cách có cạnh tranh”, ông Tuấn nói.

Theo Chủ tịch HĐQT HTX Cây ăn trái Krông Pắc, khi liên kết, SARITA có chương trình đầu tư tài chính, hỗ trợ khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, doanh nghiệp có định hướng nâng cao chất lượng quả sầu riêng xuất khẩu là quan trọng nhất.

“HTX xét thấy định hướng của doanh nghiệp phù hợp với đơn vị nên liên kết thu mua. Việc SARITA đầu tư tài chính giúp tăng tính liên kết của thành viên với HTX và doanh nghiệp. Khi nhận tài chính, các thành viên cũng có trách nhiệm đối với sản phẩm của mình làm ra. Ngoài ra, một số thành viên của HTX cũng gặp khó khăn trong quá trình đầu tư.

Do đó đây cũng là khoản hỗ trợ rất kịp thời để nâng cao chất lượng sản phẩm. Tính đến nay doanh nghiệp đã hỗ trợ 2 đợt với số tiền 2,5 tỷ đồng. Khi đầu tư, doanh nghiệp không ràng buộc về mua bán sản phẩm. Sau này giá cả thì do 2 bên quyết định nên người dân sẵn sàng tham gia”, ông Tuấn nói.

Công ty SARITA hỗ trợ tài chính đợt 2 hai 1 tỷ đồng cho các hộ dân liên kết. Ảnh: Trần Phát.

Công ty SARITA hỗ trợ tài chính đợt 2 hai 1 tỷ đồng cho các hộ dân liên kết. Ảnh: Trần Phát.

Ông Vũ Hoàng Huynh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sầu riêng Tây Nguyên cho biết, chính sách liên kết của doanh nghiệp đối với các HTX, người dân đã được cấp mã vùng trồng là hỗ trợ 50 triệu đồng/ha để đầu tư vườn.

“Khi liên kết, doanh nghiệp sẽ thu mua, bao tiêu 100% sản lượng theo hình thức xô hoặc phân loại do người dân lựa chọn. Trong quá trình liên kết người dân cảm thấy giá của doanh nghiệp đưa ra không bằng những đơn vị khác thì có thể bán ra ngoài. Những hộ dân nhận tiền hỗ trợ lúc này chỉ cần trả lại tiền và lãi suất theo ngân hàng tại thời điểm hỗ trợ”, ông Huynh thông tin.

Ông Huynh cho biết thêm, chương trình hỗ trợ thứ 2 của doanh nghiệp là cấp cho mỗi hộ dân 10 triệu đồng để mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Sau này, người dân bán 100% sản lượng cho doanh nghiệp thì số tiền này sẽ không hoàn lại. Còn trường hợp người dân không bán sản phẩm thì hoàn trả số tiền này cho doanh nghiệp.

“Khi liên kết SARITA sẽ có đội ngũ chuyên gia lấy mẫu đất, nước để kiểm tra để từ đó đưa ra tư vấn kỹ thuật phù hợp cho từng vườn. Bên cạnh đó, công ty cũng hỗ trợ người dân sổ nhật ký điện tử. Hàng ngày người dân sẽ điền những thông tin canh tác vào nhật ký. Khi triển khai chương trình này, doanh nghiệp mong muốn nâng cao chất lượng sầu riêng của Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung”, ông Huynh nói.

Khi liên kết SARITA cử nhân viên xuống lấy mẫu đất, nước xét nghiệp để có tư vấn phù hợp cho từng vườn sầu riêng. Ảnh: Trần Phát.

Khi liên kết SARITA cử nhân viên xuống lấy mẫu đất, nước xét nghiệp để có tư vấn phù hợp cho từng vườn sầu riêng. Ảnh: Trần Phát.

Với chính sách nêu trên, SARITA đã liên kết với HTX Cây ăn trái Krông Pắc trên diện tích hơn 300ha. Đến nay, doanh nghiệp đã 2 lần giải ngân, hỗ trợ tài chính hơn 2,5 tỷ đồng cho người dân. Đối với các hộ dân có nhu cầu liên kết doanh nghiệp tiếp tục triển khai công tác hỗ trợ tài chính trong thời gian tới.

Ông Vũ Hoàng Huynh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sầu riêng Tây Nguyên: “Trong thời gian tới, doanh nghiệp tiếp tục mở rộng diện tích liên kết sang các huyện khác của tỉnh Đắk Lắk như: TP Buôn Ma Thuột, huyện Cư M’gar, Krông Búk. SARITA đặc mục tiêu sẽ liên kết, bao tiêu sản phẩm cho khoảng 1.000ha sầu riêng của người dân, tương ứng sản lượng 25.000 tấn như nhà máy của doanh nghiệp đang xây dựng”. 

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Agribank Tây Nam bộ tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn

ĐBSCL Các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đang tích cực trao những phần quà Tết thiết thực, ý nghĩa đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới.

Bình luận mới nhất