| Hotline: 0983.970.780

Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII

3,6 triệu hộ giỏi là nòng cốt cho lực lượng nông dân chuyên nghiệp

Thứ Hai 12/09/2022 , 18:14 (GMT+7)

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, chuyên nghiệp hóa hay tri thức hóa nông dân là một hành trình không có điểm dừng vì tri thức nhân loại là một kho tàng vô tận.

z3714835442421_592fc48f4fa31b4e89038c1e8dd77b3f

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân (giữa), Bộ trưởng Lê Minh Hoan (phải) và Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII.

Nông dân chuyên nghiệp là nòng cốt

Chia sẻ tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII với chủ đề "Người nông dân chuyên nghiệp" ngày 12/9, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết, sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW BCH Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nền nông nghiệp Việt Nam đã phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất; cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch tích cực, tăng tỉ trọng kinh tế công nghiệp và dịch vụ.

Theo ông Lương Quốc Đoàn, thành tựu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Đảng có phần đóng góp rất quan trọng của nông dân, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp do hội viên, nông dân làm chủ.

"Trong số 10,2 triệu hộ hội viên, nông dân của cả nước thì hiện nay có hơn 3,6 triệu hộ đạt danh hiệu 'Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi' các cấp. Họ chính là lực lượng nòng cốt, nền tảng quan trọng thúc đẩy xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và hơn nữa là thực hiện mục tiêu tri thức hóa nông dân", ông Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh.

Đi tìm chân dung người nông dân chuyên nghiệp

Chia sẻ về câu chuyện chuyên nghiệp hóa nông dân, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, chúng ta còn nhiều việc phải làm do chuyên nghiệp hóa hay tri thức hóa nông dân là một hành trình không có đích đến, không có điểm dừng vì tri thức nhân loại là một kho tàng vô tận.

Empty

Trong số 10,2 triệu hộ hội viên, nông dân của cả nước thì hiện nay có hơn 3,6 triệu hộ đạt danh hiệu 'Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi' các cấp.

Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh hiện đại ngày nay, nhiều quy luật từ xa xưa không còn phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng của người tiêu dùng. Ngày xưa ít người bán, người tiêu dùng ít có sự lựa chọn. Ngày nay “trăm người bán, vạn người mua”, người tiêu dùng có quyền chọn lựa sản phẩm nào phù hợp với mình.

Xã hội khá giả dần lên, người ta chuyển từ ăn cho no, đến ăn cho ngon, rồi ăn phải sạch, tiến đến ăn phải có nhiều chất dinh dưỡng, lành mạnh, tốt cho sức khỏe. Vậy nông dân chuyên nghiệp là biết sản xuất ra những sản phẩm thị trường cần, chứ không phải sản xuất theo ý của mình.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng khẳng định giá cả do quy luật cung - cầu quyết định. Cái gì dư thừa thì giá thấp, cái gì khan hiếm thì giá cao. Cùng một sản phẩm chất lượng như nhau, người tiêu dùng chắc chắn chọn sản phẩm có giá cạnh tranh hơn. Người sản xuất phải nắm cái quy luật vô hình đó để giảm giá thành đầu vào. Vậy nông dân chuyên nghiệp cần biết sản xuất sao cho tiết kiệm nhất, để giá thành hợp lý nhất, mà vẫn bảo đảm chất lượng.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho hay, nông dân Việt Nam luôn cần cù, thậm chí còn tự hào “cần cù bù thông minh”. Nhưng ngày nay, nền nông nghiệp thông minh tạo ra giá trị gia tăng vượt bậc. Ngày xưa muốn thăm ruộng, tưới tiêu thì nhất thiết phải ra đồng. Ngày nay chỉ cần một chiếc điện thoại cầm trên tay, dù ở bất kỳ đâu vẫn kiểm tra được đồng ruộng, vườn tược và điều khiển tưới tiêu. Ngày xưa thu hoạch xong thì chờ thương lái đến mua tận đồng, tận vườn. Ngày nay thì phải phân loại, bảo quản, sơ chế, chế biến ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Vậy nông dân phải thông minh, mà muốn thông minh thì phải không ngừng học hỏi. Vậy nông dân chuyên nghiệp là người có tri thức, vừa có kiến thức, kỹ năng sản xuất, vừa có tư duy kinh tế.

Empty

Nông dân chuyên nghiệp là người có tri thức, vừa có kiến thức, kỹ năng sản xuất, vừa có tư duy kinh tế.

Theo Bộ trưởng, Việt Nam đang đối mặt với biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, lượng phù sa ngày càng suy giảm, đất đai suy kiệt do những vòng quay sản xuất không ngơi nghỉ, dịch bệnh thường xuyên hơn. Nông dân đã phải sử dụng, thậm chí là lạm dụng, thuốc bảo vệ thực vật. Vậy là nông sản tồn dư lượng hóa chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, khiến người tiêu dùng ngần ngại, mất lòng tin.

Vậy nông dân chuyên nghiệp trước hết là người có tâm, biết nghĩ đến sức khỏe của người khác, không làm tổn thương lợi ích chung của cộng đồng, là người có kiến thức và hành động vì một nền nông nghiệp phát triển bền vững cho hôm nay và cho thế hệ tương lai.

Tiếp tục vẽ nên chân dung người nông dân, Bộ trưởng chia sẻ, nông dân ngày xưa “đèn nhà ai nấy sáng, đất nhà ai nấy làm”, sống một mình, làm cũng một mình. Bởi vậy, dẫn đến một lời nguyền về một nền nông nghiệp “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”. Muốn vượt qua lời nguyền đó, phải mở rộng quy mô sản xuất. Muốn mở rộng quy mô sản xuất, thì phải biết hợp tác với nhau. Nông dân chuyên nghiệp là người hiểu rõ sức mạnh của tinh thần hợp tác, tự nguyện tham gia vào các tổ chức kinh tế tập thể.

Bộ trưởng nhận định, người nông dân trước nay quanh quẩn trong nhà, bên trong lũy tre làng, suốt ngày ra vô cánh đồng, mảnh vườn. Không gian sống bó hẹp thì suy nghĩ, tầm nhìn, khát khao cũng bị bó hẹp. Theo đó, muốn suy nghĩ lớn hơn, tầm nhìn xa hơn, khát khao mãnh liệt hơn, thì phải vượt ra không gian làng xã, kết nối với không gian liên xã, liên huyện, liên tỉnh, liên vùng.

Trong không gian kết nối đó, người nông dân được tiếp xúc với các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp, được cung cấp kiến thức, kỹ năng, tư vấn, liên kết... Do vậy, nông dân chuyên nghiệp là người có tư duy mở, luôn mong muốn mở rộng không gian giao tiếp, chủ động tạo lập các mối quan hệ xã hội.

Empty

Nông dân chuyên nghiệp là người có tư duy mở, luôn mong muốn mở rộng không gian giao tiếp, chủ động tạo lập các mối quan hệ xã hội.

Ngoài ra, Bộ trưởng cho rằng người nông dân chuyên nghiệp là người vừa có sức khỏe về mặt thể chất, vừa có sức khỏe về mặt tinh thần, một bầu nhiệt huyết chảy tràn trong một cơ thể dẻo dai, khỏe mạnh.

Người nông dân chuyên nghiệp khởi nguồn từ những con người sống tử tế, làm ăn tử tể. Sự tử tế bắt đầu bằng chữ “tín”. Một chữ thôi nhưng có thể đem lại thành công cho người này, thất bại cho người khác. Nông dân chuyên nghiệp là yêu cầu tiên quyết để hình thành một nền nông nghiệp chuyên nghiệp.

Phát biểu tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho rằng, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã xác định: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cụ thể, nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn là mục tiêu cao nhất trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Theo Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, những thành tựu của ngành nông nghiệp xuyên suốt chiều dài lịch sử có sự đóng góp, nỗ lực, cố gắng, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của bà con nông dân.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Hậu Giang: 200ha diện tích nông nghiệp được xác nhận an toàn thực phẩm

Hậu Giang khẳng định vị thế phát triển nông nghiệp an toàn với hơn 200ha được xác nhận an toàn thực phẩm, gồm chuỗi giá trị cây ăn trái, lúa gạo, thủy sản, rau màu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Viện Cây ăn quả miền Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Tiền Giang Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) vừa tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm thành lập Viện 1994 - 2024.