| Hotline: 0983.970.780

4 đề xuất phát triển thạch đen của Bộ NN-PTNT

Thứ Bảy 25/09/2021 , 14:38 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tin tưởng vào tiềm năng, dư địa phát triển, cũng như giá trị xuất khẩu của cây thạch đen tại tỉnh Lạng Sơn trong những năm tới.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bộ NN-PTNT. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bộ NN-PTNT. Ảnh: Bảo Thắng.

Thạch đen được trồng chủ yếu ở các nước Đông Á, tập trung chính ở Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan. Trong đó, thạch đen ở Việt Nam được đánh giá cao, không chỉ dùng như một món ăn thanh nhiệt, giải độc, mà còn được sử dụng như một loại dược liệu có tác dụng hạ cholesterol trong máu, chống lão hóa, hỗ trợ điều trị tiểu đường, huyết áp cao.

Tại Việt Nam, cây thạch đen được trồng chủ yếu ở Cao Bằng, Lạng Sơn và rải rác ở các tỉnh Lâm Đồng, Lào Cai cũng như một số tỉnh miền núi phía Bắc khác. Đây là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân vùng núi, vùng dân tộc thiểu số của Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng lượng sản phẩm Thạch đen xuất khẩu đạt kim ngạch gần 1.4 triệu USD, và còn nhiều dư địa phát triển.

"Thạch đen của Việt Nam hầu như được canh tác theo hướng hữu cơ, rất ít và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đây là sản phẩm rất an toàn với người tiêu dùng", Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại Hội nghị trực tuyến xúc tiến, quảng bá, kết nối tiêu thụ Thạch đen tỉnh Lạng Sơn năm 2021 sáng 25/9.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, để nâng cao chất lượng, giá trị xuất khẩu và phát triển hết tiềm năng cây thạch đen, ngành nông nghiệp và các địa phương cần phối hợp, tập trung thực hiện 4 nội dung.

Một, là tổ chức sản xuất theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp và hiệu quả. Ngoài ra, các vùng nguyên liệu tập trung tẩy mạnh công nghệ trong sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, khuyến khích hình thành các chuỗi liên kết sản xuất để tăng giá trị và quản lý tốt chất lượng sản phẩm.

Hai, tăng cường rà soát, kiểm tra các mã số vùng trồng được cấp. Bên cạnh đó, các tỉnh trồng nhiều thạch đen như Lạng Sơn, Cao Bằng cần thường xuyên tập huấn, tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu và thực hiện nghiêm túc các yêu cầu kỹ thuật cũng như quy định trong sản xuất thạch đen.

Ba, là đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng các công nghệ chế biến, bảo quản thạch đen để da dạng hóa các sản phẩm đầu ra, kéo dài thời gian bảo quản nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. 

Bốn, là hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật, nhằm đàm phán mở cửa nhiều thị trường xuất khẩu cho thạch đen. Cùng với đó, địa phương tăng cường phối hợp với các cơ quan của Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, để quảng bá và tận dụng tối đa các kênh phân phối trực tuyến.

Ngoài thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, thạch đen Việt Nam được xuất khẩu sang nhiều nước khác như Thái Lan, Indonesia, Đài Loan, Hàn Quốc… Đến nay, cả nước đã có 257 mã số vùng trồng thạch đen với tổng diện tích hơn 1.000 ha, và 8 cơ sở đóng gói được phê duyệt xuất khẩu. Riêng Lạng Sơn có 121 mã số vùng trồng và 4 cơ sở đóng gói.

Với thị trường Trung Quốc, Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư cho phép xuất khẩu chính ngạch thạch đen vào ngày 8/12/2020. Đây được xem như tấm giấy thông hành để sản phẩm thạch đen xuất khẩu chính ngạch sang nước bạn.

Hội nghị xúc tiến, quảng bá, kết nối tiêu thụ thạch đen Lạng Sơn sáng 25/9 là hội nghị đầu tiên sau khi hai nước ký Nghị định thư, và là cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất nhập khẩu thạch đen hai nước cùng đánh giá, và đề xuất những giải pháp thúc đẩy sản xuất, chế biến, xuất khẩu thạch đen chính ngạch trong thời gian tới.

"Thương mại nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc đã và đang có bước phát triển tích cực. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ hai của Việt Nam, còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong các nước ASEAN. Qua Hội nghị, hy vọng hai bên sẽ tạo điều kiện để người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số yên tâm sản xuất, ổn định sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ thạch đen một cách bền vững", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Thông qua việc xây dựng chuỗi liên kết, giá trị cây thạch đen ở nhiều huyện của Lạng Sơn, trong đó có Tràng Định, đã tăng cả về quy mô lẫn chất lượng. Năm 2021, diện tích cây thạch đen tăng gấp 2 lần, tương đương khoảng 3.000 ha. Người dân sản xuất cũng hưởng niềm vui khi giá thu mua thạch đen tăng gấp đôi trong một năm qua, lên mức 40.000 đồng/kg.

Xem thêm
Ông Nguyễn Đình Việt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

SƠN LA Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.