| Hotline: 0983.970.780

46 hộ dân Bản Qua nằm trong vùng sạt lở nguy hiểm

Thứ Năm 22/09/2022 , 10:34 (GMT+7)

LÀO CAI_ Hàng chục hộ dân trong vùng nguy hiểm, sụt lún, tiềm ẩn nguy cơ thiên tai nhưng để di dời sắp xếp dân cư tới nơi ở mới an toàn cần có nguồn vốn.

1-2-2

Căn nhà của người dân ở bản Qua, xã Xuân Hòa (huyện Bảo Yên, Lào Cai) xây dựng dang dở vì sụt lún. Ảnh: T.L

Hàng chục hộ dân cần di dời 

Tại bản Qua thuộc xã Xuân Hòa và bản Tổng Kim của xã Vĩnh Yên có hàng chục hộ dân trong diện phải di dời do nguy cơ sụt lún. 

Tại bản Qua, từ ngày 28/6/2020, người dân phát hiện vết nứt, gây sụt lún, có nguy cơ rất cao ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, nhà cửa, tài sản... Cụ thể, tại thửa đất lâm nghiệp do hộ gia đình ông Lừu Chính Di quản lý đã xuất hiện vết nứt, sụt lún... ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản của nhân dân đang sinh sống trong khu vực gần vết nứt. Các vết nứt cũng xuất hiện rải rác khắp các khu vực. 

Trong đó, vết nứt dài nhất khoảng 100 mét; chiều rộng vết nứt trưng bình từ 0,3-0,8m; chiều sâu vết nứt trung bình từ 0,4-1,5m; chiều cao tính từ chân đồi lên đến vết nứt cao khoảng 40m; khoảng cách từ mép taluy đồi đến vết nứt khoảng 100m; khối lượng đất đá trong cung sạt lở ước khoảng 150.000m3. 

Hiện nay, cung sạt lở đã sụt lún thêm, đã làm hư hại thêm nhà cửa của người dân và vết nứt đang có xu hướng phát triển và mở rộng sang 2 bên và hướng lên phía đỉnh đồi, tiềm ẩn nguy cao gây sạt lở cao. 

Theo UBND xã Xuân Hòa, khi phát hiện các vết nứt, xã tuyên truyền, vận động nhân dân và huy động lực lượng tại chỗ di chuyển người và tài sản ra khỏi khu vực. Trong đó, xã đã bố trí ngay chỗ ở tạm thời cho 6 hộ với 38 nhân khẩu bị ảnh hưởng trực tiếp. Tuy nhiên, 6 hộ này đều là người dân tộc Mông, có điều kiện kinh tế không ổn định. Do vậy, việc di chuyển 6 hộ nêu trên đến nơi ở khác là rất khó khăn do không có quỹ đất; nguồn kinh phí đầu tư lớn vượt quá khả năng của huyện do phải chi cho công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi và dịch Covid-19… 

Qua kiểm tra, thống kê cho đến nay chỉ riêng bản Qua có đến 31 hộ có nhà cửa nằm trong vùng nguy cơ sạt lở đất đá, 15 hộ còn đối mặt với nguy cơ lũ quét cao. Cả 46 hộ này đều thuộc diện sắp xếp dân cư tới nơi ở mới an toàn hơn...

BY3

Vết nứt tại khu vực sụt lún ở bản Qua đe dọa an nguy hàng chục hộ dân sinh sống trong khu vực. Ảnh: T.L

Cần bố trí nguồn vốn để thực hiện di dời, sắp xếp dân cư

Theo UBND huyện Bảo Yên, huyện đã triển khai tổ chức điều tra, thống kê các địa bàn dân cư, những thôn bản, cộng đồng dân cư sinh sống ở khu vực dễ bị ảnh hưởng trực tiếp của lũ quét, sạt lở đất nhất là khu vực ven sông, ven suối, ven sườn đồi núi tầng đất mỏng, dễ bị sạt lở.

Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, vận động, cắm biển báo nguy hiểm ở những khu vực này để nhân dân có ý thức chủ động phòng tránh, tiếp tục rà soát vận động bố trí sắp xếp dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ của thiên tai để kịp thời phòng tránh. Tổ chức di dời ngay các hộ dân đang sống trong những khu vực có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.

Thống kê các đợt thiên tai đã từng xảy ra trên địa bàn huyện, tổng hợp  những hạn chế trong công tác chỉ đạo, phòng, tránh, giảm nhẹ làm bài học kinh nghiệm khắc phục những hạn chế còn tồn tại nhằm thích ứng với xu hướng biến đổi khí hậu như hiện nay... 

Ông Tô Ngọc Liễn, Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên (Lào Cai) cho biết, mong muốn của huyện là được Trung ương, UBND tỉnh Lào Cai và các Sở ngành liên quan ưu tiên bố trí nguồn vốn để hỗ trợ cho các xã thực hiện di dời, sắp xếp ổn định đời sống nhân dân vùng thường xuyên xảy ra thiên tai và vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Trong đó, ưu tiên sắp xếp dân cư tập trung bản Qua, xã Xuân Hòa và bản Tổng Kim xã Vĩnh Yên.

Đề nghị tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ. Đồng thời xem xét có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các hộ gia đình bị thiệt hại về nhà ở, tốc mái nhà, công trình phụ trợ nhà ở (nhà bếp...) bị ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai gây ra nhằm đảm bảo sản xuất, sinh hoạt cho người dân.

Đề nghị UBND tỉnh Lào Cai và các ngành chức năng của tỉnh xem xét bổ sung nguồn ngân sách dự phòng cho cấp huyện, xã; bổ sung ngân sách hỗ trợ thiệt hại do thiên tai gây ra đối với cấp huyện nhằm kịp thời hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai.

Bố trí kinh phí xây dựng 7 danh mục công trình để xử lý cấp bách các khu vực có nguy cơ sạt lở cao trên địa bàn huyện, ước kinh phí thực hiện 331,2 tỷ đồng đặc biệt là công trình kè chống sạt lở, bảo vệ dân cư và khu di tích lịch sử Đồn Phố Ràng và công trình kè và hạ tầng kỹ thuật trên kè bảo vệ khu dân cư đền Bảo Hà, huyện Bảo Yên (giai đoạn II)…

Được biết, trong đợt mưa lũ ngày từ đêm 15/9 đến sáng 16/9 tại huyện Bảo Yên, gây thiệt hại tài sản, hoa màu... ước tính tổng thiệt hại gần 6 tỷ đồng.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.