| Hotline: 0983.970.780

5 đến 7 cơn bão sẽ ảnh hưởng đến đất liền trong năm 2023

Thứ Năm 20/04/2023 , 17:34 (GMT+7)

Bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện trên biển Đông từ khoảng nửa cuối tháng 6/2023, hoạt động nhiều từ tháng 8 - 10/2023 và giảm dần từ tháng 11.

Ông Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thông tin, dự báo xu thế thiên tai từ nay đến cuối năm 2023. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thông tin, dự báo xu thế thiên tai từ nay đến cuối năm 2023. Ảnh: Phạm Hiếu.

Đưa ra thông tin, dự báo xu thế thiên tai từ nay đến cuối năm 2023 tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 chiều 20/4, ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, nắng nóng năm 2023 đã xuất hiện sớm, dự báo có khả năng gay gắt và có nhiều ngày nắng nóng hơn so với năm 2022.

Ông Trần Hồng Thái thông tin, từ nay đến tháng 5/2023, bão và áp thấp nhiệt đới ít có khả năng xuất hiện và có khả năng xuất hiện trên Biển Đông từ khoảng nửa cuối tháng 6/2023.

“Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, cũng như ảnh hưởng đến đất liền có khả năng xấp xỉ với trung bình nhiều năm (khoảng 11 - 13 cơn trên biển Đông và 5 - 7 cơn ảnh hưởng đến đất liền). Bão sẽ hoạt động nhiều hơn trên Biển Đông từ tháng 8 - 10/2023 và giảm dần từ tháng 11”, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra dự báo.

Theo ông Trần Hồng Thái, mùa mưa bắt đầu sớm hơn so với trung bình nhiều năm ở khu vực Tây Nguyên và Nam bộ và tương đương ở khu vực Bắc bộ.

Trong các tháng mùa mưa bão, tại khu vực Bắc bộ lượng mưa có xu hướng thấp hơn đến xấp xỉ trung bình nhiều năm; khả năng xảy ra mưa to cuối tháng 5, đầu tháng 6 ở Bắc bộ như năm 2022 là thấp.

Tại khu vực Trung bộ lượng mưa có xu hướng xấp xỉ đến cao hơn so với trung bình trong giai đoạn tháng 7 - 9/2023. Tuy nhiên, từ tháng 10 - 12/2023, thời điểm chính của mùa mưa tại Trung bộ, lượng mưa lại có xu hướng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm tại khu vực này. Xu hướng thiếu hụt mưa có thể kéo dài sang đầu năm 2024.

Khu vực Tây Nguyên và Nam bộ, tổng lượng mưa dự báo từ xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm trong các tháng 6 đến tháng 9/2023, tuy nhiên từ tháng 10 đến hết năm 2023 lượng mưa có xu hướng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Như vậy, mùa mưa ở khu vực Tây Nguyên và Nam bộ có khả năng kết thúc sớm hơn so với trung bình và ít mưa trong những tháng mùa khô năm 2024.

Thông tin về tình hình lũ và ngập lụt, ông Thái cho biết, tại khu vực Bắc bộ, mùa lũ năm 2023 trên các sông suối ít có khả năng xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm. Đỉnh lũ trên các sông ở Bắc bộ phổ biến ở mức báo động 1 - báo động 2, tương đương năm 2022, thấp hơn trung bình nhiều năm, riêng các sông suối nhỏ từ báo động 2 - báo động 3, các đợt lũ chủ yếu tập trung trong các tháng 7 - 9.

Nguy cơ ngập lụt tại các đô thị, thành phố lớn tiếp tục diễn ra do ảnh hưởng của mưa lớn cục bộ. Lũ quét, sạt lở đất nguy cơ cao xuất hiện tại các tỉnh khu vực vùng núi phía Bắc.

Tại khu vực Trung bộ, Tây Nguyên, mùa lũ 2023 trên các sông ở khu vực Tây Nguyên có khả năng đến sớm hơn trung bình nhiều năm. Các sông ở khu vực Trung bộ xuất hiện tương đương trung bình nhiều năm, các đợt lũ lớn tập trung vào các tháng 9 - 11.

Đỉnh lũ năm 2023, tại hạ lưu các sông chính từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, Bình Thuận ở mức báo động 1 - báo động 2, có sông trên báo động 2 (ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm và năm 2022).

Các sông từ Quảng Bình đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức báo động 2 - báo động 3, có sông trên báo động 3 (ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm và năm 2022). Trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất.

Tại khu vực Nam bộ, mùa lũ 2023 trên sông Mê Kông xuất hiện tương đương trung bình nhiều năm. Đỉnh lũ năm 2023 ở đầu nguồn sông Cửu Long ở mức báo động 1 và dưới báo động 1, tương đương đỉnh lũ trung bình nhiều năm (2012 - 2022); đỉnh lũ tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long ở mức báo động 2 - báo động 3 và trên báo động 3.

Từ nay đến tháng 5/2023, bão và áp thấp nhiệt đới ít có khả năng xuất hiện và có khả năng xuất hiện trên biển Đông từ khoảng nửa cuối tháng 6/2023. Ảnh: TL.

Từ nay đến tháng 5/2023, bão và áp thấp nhiệt đới ít có khả năng xuất hiện và có khả năng xuất hiện trên biển Đông từ khoảng nửa cuối tháng 6/2023. Ảnh: TL.

Theo ông Trần Hồng Thái, trong các tháng mùa lũ chính vụ, lượng dòng chảy trên các lưu vực sông khu vực Bắc bộ và đến hồ chứa lớn trên lưu vực sông Đà, sông Gâm, sông Chảy thiếu hụt từ 10 - 30% so với trung bình nhiều năm.

Từ tháng 4 - 6/2023, có khả năng xảy ra khô hạn, thiếu nước cục bộ ngoài vùng cấp nước của các công trình thủy lợi tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên.

Về tình hình triều cường, sóng lớn, đơn vị khí tượng thủy văn  dự báo tại ven biển Đông Nam bộ trong tháng 10 - 12 năm 2023 có 5 đợt triều cường cao vào các khoảng thời gia từ 1 - 3/10/2023, 27 - 30/10/2023, 15 - 18/11/2023, 27 - 30/11/2023 và 14 - 17/12/2023.

Nguy cơ cao ngập úng ở những vùng trũng, thấp tại ven biển, cửa sông, khu vực ngoài đê bao tại các tỉnh khu vực Đông Nam bộ nhất là trong trường hợp trùng với kỳ gió chướng hoạt động mạnh tại khu vực.

Tại ven biển Trung bộ, nguy sạt lở đê biển, ngập úng ở các khu vực trũng, thấp ven biển, cửa sông vào các tháng cuối năm (từ tháng 9 - 12) do triều cường kết hợp với nước dâng và sóng lớn trong bão, áp thấp nhiệt đới và gió mùa mạnh ảnh hưởng tại khu vực.

Theo Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, tình hình thiên tai năm 2023 tiếp tục diễn biến phức tạp, cực đoan, khó lường. Để ứng phó hiệu quả với thiên tai trong thời gian tới, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cần tập trung vào 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Đó là triển khai nghiêm túc, hiệu lực, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách, pháp luật; Tiếp tục rà soát bổ sung bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, đáp ứng thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.

Chuyển dịch mạnh mẽ từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa; Nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai, dự báo sớm, kịp thời, chính xác diễn biến thiên tai.

Đồng thời, cần tăng cường năng lực chỉ đạo, chỉ huy điều hành, thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ quản lý nhà nước về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong điều kiện thiên tai ngày càng khốc liệt, cực đoan.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng các quy định, kiến thức liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai.

Cùng với đó, cần tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống thiên tai; Hợp tác quốc tế và ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong phòng, chống thiên tai.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.