Mục “Lăng kính” ra đời trên tuần san Kiến thức Gia đình tháng 1/2018, gần một năm sau, khi tôi bắt đầu cảnh góa. Xin được mở ngoặc đơn, rằng tôi là cộng tác viên ruột của Nông nghiệp Việt Nam, trong khi chồng tôi “rào” cây Nông thôn Ngày nay. Nghĩa là, tôi đang giữ chuyên trang Tư vấn Gia đình cho Báo Nông nghiệp Việt Nam từ tháng 8/2003 đến khi chồng tôi - nhà văn Nguyễn Quang Thân qua đời.
Anh chị em Báo Nông nghiệp Việt Nam thấu hiểu “Thôi rồi, cô ấy sẽ phải chống chọi một mình với thời gian và kinh tế”, vậy nên một lời mời giữ mục “Lăng kính” cho tuần san Kiến thức Gia đình. Tuần san vừa “tận dụng” lợi thế viết báo nhanh của tôi, cũng vừa là để tôi có thêm thu nhập, trong khi vẫn làm Tư vấn gia đình.
Tiếp tục hai chân cho tờ báo khổ to Nông nghiệp Việt Nam và tờ tuần Kiến thức Gia đình, phải hai nách hai con mọn, thực sự là một sự ‘giải cứu” để tôi khỏi buồn lo trống vắng, tôi phải bận rộn và bận rộn. Tiếp tục Tư vấn Gia đình đến tháng 11/2022, tôi xin được nghỉ vì đã vào tuổi 70, như vậy là tôi “nuôi” chuyên mục đã gần 20 năm với 3.554 kỳ thư. Vả lại thời đã khác, các trung tâm Tư vấn Hôn nhân - Gia đình mọc lên như nấm trên các báo điện tử và mạng xã hội. Thời khác, phải nghĩ khác và làm khác.
Từ đó, mỗi tuần 1 bài cho mục “Lăng kính”, tôi thong dong hơn, cũng là lúc chất tản văn trên mục ấy đậm lên, có lẽ nó cũng dần không hợp với vị thế của chuyên mục mở ra mấy trang đầu của tạp chí là hiện ra, áp ngay sau mục Tiền sảnh. Và rồi đến tháng 6/2023, tôi xin dừng việc cộng tác, để Ban biên tập trẻ có thể thoải mái với những cộng tác viên trẻ. Cả thảy là 5 năm rưỡi giữ mục, với 286 bài in, mỗi bài không quá 1.000 từ.
Còn nhớ giọng nói trên điện thoại của một bạn phụ trách cộng tác viên với tôi hôm chuẩn bị cho mục “Lăng kính” ấy, đã có một “thê đội” trẻ măng so với ê kíp Lê Nam Sơn - Trịnh Bá Ninh - Phí Văn Điển - Phạm Thị Hà Xuyên trang lứa tôi đầu thế kỷ này. Tôi gọi họ là thê đội vì tố chất kế thừa, chất xung trận rất lính dù đây là tờ báo chẳng liên quan gì đến quân và lính.
Thê đội này biết những người đi trước để lại cho họ điều gì, nhất là tinh thần chăm sóc đội ngũ “biết người biết ta, chiêu hiền đãi sĩ”. Tôi thấy họ đồng đều tuổi tác, hợp với ngày nay tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” - thời báo giấy sắp quá vãng mà báo điện tử cạnh tranh nhau mỗi giờ mỗi phút. Mỗi khi có việc lên chi nhánh của Báo Nông nghiệp Việt Nam ở bên vòng xoay Điện Biên Phủ - nút giao thông nổi tiếng nghẹt thở của Sài Gòn, tôi hay thấy cảnh phóng viên trẻ của báo cũng sấp ngửa, nghẹt thở như vậy.
Chừng như mỗi năm thêm, số phận báo in càng rõ sự hẩm hiu. Nghĩa là thời đại công nghệ số sát phạt thẳng tay những ai rắp ranh đứng bên lề sự sàng lọc của nó. “Lăng kính” cho báo in mà không có tính cạnh tranh chuyện đời sống chuyện thế sự của báo điện tử thì báo sẽ nguội ngắt và sẽ phải bị đào thải.
Cầm cự như Kiến thức Gia đình so với các tuần san như Phụ nữ TP.HCM, hay Tuổi Trẻ cuối tuần, hay Kinh tế Sài Gòn… thật sự là một cuộc so găng yếm thế. Thời này, lẫy lừng như tuần báo của Tuổi Trẻ một thời vang bóng mà báo in tụt dần, người đọc cứ chờ báo lên điện tử họ mới lướt website và xem thì các bạn biết rồi đó. Cũng phải đến lúc Kiến thức Gia đình báo giấy chào sân, bye bye mà không see you soon! Nghỉ luôn, chuyển trạng thái khác, như mọi thứ báo giấy trên đời - một trạng thái chết đi để tái sinh chăng?
“Những ngày xưa thân ái, tôi gởi lại cho em”, một câu hát tôi hay vu vơ cho cảnh sống một mình, nay tôi khe khẽ ngân lên cho những điều tốt đẹp tôi đã có với Báo Nông nghiệp Việt Nam và Kiến thức Gia đình ngót 20 năm dài. Kỷ lục chăng? Có tờ báo nào “nuôi” một cộng tác viên suốt mấy chục năm không? Có lẽ ít lắm. Tôi tự hào vì đã sống được bằng nghề viết và cùng với chồng, thu vén tuổi già thong dong bằng viết báo viết văn, không phải làm bất cứ việc gì khác. Vậy, phải có nơi biết dụng người thì chúng tôi mới được như vậy chứ.
Rõ rồi, chồng tôi “tăng động” với thế sự, anh là mối ruột của khoảng 5 tòa báo, còn tôi, tôi “chung thân” với Nông nghiệp Việt Nam mà sau này là tuần san Kiến thức Gia đình. Phải, chỉ mỗi một nơi như vậy mà dường như tôi từng trải và cũng nhiều tự tin vốn sống hơn qua trang Tư vấn Gia đình, đồng thời cũng mềm mại văn chương hơn với hàng mấy trăm bài tản văn khi thế sự khi nỗi niềm trên mục “Lăng kính”.
Cuộc vui nào cũng có ngày tàn, nếu nói việc cộng tác này là một cuộc vui. Các bạn trẻ, “thê đội” của thế kỷ 21 công nghệ số, thời của các bạn là đây. Tôi đã rút lui dù muộn hơn Lê Nam Sơn - Trịnh Bá Ninh - Phí Văn Điển - Phạm Thị Hà Xuyên, nhưng mỗi thế hệ đều có dấu ấn và bản lề của nó. Chúc các bạn quay cuồng vui trong xu thế không thể đứng bên rìa của thập niên thứ ba này của thế kỷ biến đổi chóng mặt hôm nay.
Xin được nhớ về nhau như đã từng rất tốt và rất đẹp.