Khoảng cách trong sự khác biệt
Mai luôn được bạn bè ngưỡng mộ bởi vẻ ngoài ưa nhìn và tính cách hòa nhã. Cô không chấp nhặt, luôn dễ dàng chiếm được cảm tình của mọi người. Tuy nhiên, các mối tình của cô đều không kéo dài, phần lớn vì những khác biệt trong quan điểm sống. Nhưng chính những mối tình ngắn ngủi trong quá khứ đã khiến Mai nhận ra một điều: khác biệt trong quan điểm sống có thể trở thành rào cản lớn nhất trong tình yêu.
Khi gần 30 tuổi, Mai bước vào cuộc hôn nhân với nhiều kỳ vọng. Chồng hơn cô 10 tuổi, là người nghiêm khắc và cầu toàn. Ban đầu, Mai ngưỡng mộ tính kỷ luật của anh. Nhưng sau khi kết hôn, sự cầu toàn của chồng dần trở thành nỗi ám ảnh với cô.
Những yêu cầu tỉ mỉ của chồng về cách gấp quần áo, chế biến món ăn, bài trí bàn ăn hay dọn dẹp nhà cửa… khiến Mai cảm thấy rất áp lực.
Mai từng kể: “Có lần, tôi sắp xếp đồ trong tủ quần áo hơi lệch so với thói quen của anh, và điều đó khiến anh bực mình, thái độ khó chịu với vợ cả ngày. Tôi cảm thấy như mình bị giám sát, bị đánh giá thay vì được sẻ chia”.
Những căng thẳng nhỏ nhặt này dần tích tụ. Mỗi khi Mai không đáp ứng được tiêu chuẩn của chồng, không khí gia đình trở nên bức bối, ngột ngạt. Cô dần cảm thấy mình luôn phải “gồng mình” để theo kịp kỳ vọng của anh, nhưng chưa bao giờ đủ tốt trong mắt người bạn đời.
Con dao hai lưỡi của sự cầu toàn
Sự cầu toàn trong tình yêu và hôn nhân giống như con dao hai lưỡi. Nếu biết cách kiểm soát, nó có thể là động lực để hoàn thiện nhau, nhưng khi bị đẩy lên cực đoan sẽ dễ biến thành gánh nặng, gây tổn thương cho cả hai phía.
Chồng Mai luôn muốn mọi thứ phải hoàn hảo, từ gia đình, công việc đến những tiểu tiết nhỏ nhặt trong cuộc sống. Tuy nhiên, chính anh cũng chịu áp lực từ sự cầu toàn của mình. Anh ôm đồm nhiều việc, dễ mất kiểm soát cảm xúc và đôi khi trút giận lên vợ con. Sự thôi thúc phải hoàn hảo khiến anh khó lòng thả lỏng và tận hưởng những niềm vui nhỏ bé trong cuộc sống gia đình.
Theo các chuyên gia tâm lý hôn nhân, những người cầu toàn thường bất mãn khi mọi thứ không theo ý muốn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý của họ mà còn gây áp lực lên những người xung quanh. Trong gia đình Mai, sự cầu toàn của chồng không chỉ khiến cô mệt mỏi mà còn làm tổn thương tình cảm giữa các thành viên.
Tìm lại hạnh phúc từ sự thấu hiểu
Dù mệt mỏi, nhưng Mai chưa bao giờ từ bỏ hy vọng vào cuộc hôn nhân của mình. Cô hiểu rằng, để vượt qua khác biệt, cả hai cần học cách chia sẻ và thấu hiểu.
Mai bắt đầu trò chuyện nhiều hơn với chồng, bày tỏ cảm xúc và những áp lực cô đang phải chịu. Cô cũng khuyến khích anh tập trung vào những giá trị cốt lõi thay vì để tâm đến những tiểu tiết.
Không chỉ thay đổi chồng, Mai cũng tự nhắc nhở bản thân rằng không ai hoàn hảo. Cô học cách nhìn nhận sự cầu toàn của chồng như một cơ hội để hoàn thiện bản thân, nhưng vẫn giữ vững sự cân bằng giữa việc đáp ứng kỳ vọng và giữ gìn niềm vui trong gia đình.
“Hôn nhân không phải là cuộc đua để trở nên hoàn hảo, mà là hành trình đồng hành và yêu thương nhau, ngay cả khi đối phương còn nhiều thiếu sót”, Mai tâm sự.
Hạnh phúc không nằm ở việc mọi thứ đều đúng chuẩn, mà ở cảm giác đủ đầy khi cả hai cùng nỗ lực và trân trọng lẫn nhau. Có lẽ, đó chính là bài học lớn nhất mà Mai rút ra từ hành trình hôn nhân của mình.