| Hotline: 0983.970.780

5 người cấp cứu vì ăn nấm độc

Thứ Hai 10/03/2014 , 16:07 (GMT+7)

Loại nấm các bệnh nhân ăn có màu trắng, gần giống nấm thường, ăn rất ngọt nhưng rất nguy hiểm, tác dụng chậm.

Thấy nấm màu trắng, nghĩ không độc chị Thơm (35 tuổi, Võ Nhai, Thái Nguyên) hái về nấu. Một ngày sau, cả 5 người ăn đều được chuyển xuống Hà Nội cấp cứu vì bị ngộ độc nặng. 

Sáng 10/3, theo bác sĩ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), các bệnh nhân bắt đầu có men gan tăng cao, điều này rất nguy hiểm vì có thể dẫn đến hôn mê gan, suy gan... Bệnh nhân vẫn trong cơn nguy kịch.

Theo lời người thân, hôm 8/3, chị Thơm cùng con trai và cháu chồng lên rừng hái được khoảng 1,5 kg nấm tán trắng; mang đến nhà vợ chồng bà Hồi nấu ăn trưa. Đến bữa tối, vợ chồng bà Hồi ăn nốt chỗ nấm còn lại.

Ngày hôm sau, cả 5 người có biểu hiện nôn, đau bụng, đi ngoài nhiều như bị tả nên được chuyển đến bệnh viện huyện cấp cứu. Vì tình trạng nặng nên các bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện đa khoa tỉnh, sau đó chuyển tiếp lên Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Tiến sĩ Nguyễn Kim Sơn, Phó giám đốc Trung tâm cho biết, trường hợp nặng nhất là bệnh nhân Vũ Thị Hồi, 60 tuổi, nhập viện trong tình trạng sốc, tụt huyết áp, trụy mạch, kèm theo hội chứng rối loạn tiêu hóa: nôn mửa, tiêu chảy… Loại nấm các bệnh nhân ăn có màu trắng, gần giống nấm thường, ăn rất ngọt nhưng rất nguy hiểm, tác dụng chậm.

Tiến sĩ Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, những năm gần đây, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên số vụ ngộ độc nấm giảm nhiều. Đây là trường hợp đầu tiên trong năm nay. Thường vào thời điểm mùa xuân, mùa mưa, nấm mọc nhiều nên hay xảy ra các ca ngộ độc do ăn nấm.

"Nhiều người cho rằng nấm có màu sắc sặc sỡ mới là nấm độc còn nấm trắng thì không. Điều này không hoàn toàn đúng. Có nhiều loại nấm trắng, nấm lành thường cuống thẳng từ trên xuống, nấm độc phình ở gốc; nhưng đây cũng chỉ là một trong rất nhiều đặc điểm nhận dạng. Thực tế khó phân biệt được", tiến sĩ Duệ nói.

Bác sĩ khuyến cáo, nếu bệnh nhân bị suy gan, suy thận sẽ phải lọc máu liên tục, mỗi lần lọc hết 15-16 triệu đồng, dù có bảo hiểm cũng phải mất hàng trăm triệu đồng.Các bệnh nhân đang điều trị đều hoàn cảnh khó khăn, bệnh viện phải cung cấp suất ăn miễn phí cho cả bệnh nhân và người nhà đi theo. 

VnExpress

Xem thêm
Phẫu thuật robot điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ

TP.HCM Bệnh viện Bình Dân vừa thực hiện phẫu thuật robot cắt khối tá tụy điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ cho nam bệnh nhân 43 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Nấm linh chi có giúp ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ không?

Nấm linh chi có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, nên nhiều người cho rằng có thể dùng nấm linh chi để chống lại sự tấn công của những virus có hại.