Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học - Công nghệ (Bộ Y tế) cho biết, để chuẩn bị cho đợt thử nghiệm quan trọng này, các tình nguyện viên đã được sàng lọc kỹ lưỡng trước đó.
Theo kế hoạch, sẽ có 560 tình nguyện viên (tuổi 18-65) tham gia tiêm thử nghiệm ở Học viện Quân y (222 Phùng Hưng, phường Phúc La, Hà Đông, Hà Nội) và Trung tâm Y tế huyện Bến Lức (126 Nguyễn Hữu Thọ, khu phố 3, Thị trấn Bến Lức, tỉnh Long An).
Đến nay cơ quản quản lý và hội đồng khoa học Bộ Y tế đánh giá vaccine tiêm thử nghiệm trên người giai đoạn 1 là an toàn. Cả ba liều 25mg, 50mg và 75mg đều có sinh miễn dịch đáp ứng khá tốt. Tuy nhiên, đến bây giờ vẫn chưa xác định được liều nào là tối ưu do số lượng người thử nghiệm còn ít, thời gian theo dõi còn ngắn.
Do đó, để xác định liều tiêm tối ưu, Bộ Y tế quyết định mở rộng tiêm thử nghiệm giai đoạn 2 với ba nhóm liều với các độ tuổi khác nhau từ 18 đến 65 tuổi để có đánh giá, từ đó có sự lựa chọn liều cho người dân một cách hiệu quả.
Ở đợt thử nghiệm giai đoạn 2 này, có sự khác biệt so với giai đoạn 1 là có 4 nhóm thử nghiệm. Trong đó 3 nhóm sử dụng vaccine với 3 liều 25mg, 50mg và 75mg; còn 1 nhóm sử dụng giả dược.
"Điều này hoàn toàn ngẫu nhiên, bản thân người nghiên cứu, nhân viên y tế và tình nguyện viên đều không biết để có sự khách quan. Mục đích của việc làm này là để đánh giá với từng đối tượng thì tỉ lệ sinh miễn dịch ra sao. Do đó giai đoạn 2 vô cùng quan trọng", ông Quang nói.
Cũng theo ông Nguyễn Ngô Quang, việc chọn Long An để tiến hành tiêm thử nghiệm vaccine phòng Covid-19 là bởi, địa phương này có hệ thống cơ sở y tế hoàn chỉnh từ tỉnh, huyện đến xã. Ngoài ra, cán bộ y tế ở đây cũng đã tham gia vào các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng từ trước đến nay nên có rất nhiều kinh nghiệm. Môi trường xã hội của tỉnh Long An rất tốt và nhận được sự ủng hộ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đặc biệt là huyện Bến Lức, họ coi đây là một trách nhiệm xã hội. Ngoài ra, Long An là tỉnh giáp với TP.HCM, do vậy việc vận chuyển vaccine theo các điều kiện bảo quản, chuyển các mẫu phân tích từ Long An về Viện Pasteur TP.HCM để nghiên cứu sẽ khá thuận lợi.
Trước đó, ngày 8/2, Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) cho biết, Việt Nam đã hoàn thành 120 mũi tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vaccine ngừa Covid-19 Nanocovax cho 60 tình nguyện viên. Hầu hết các tình nguyện viên đều có sức khỏe ổn định sau tiêm. Một số ít trường hợp có biểu hiện đau tại vị trí tiêm, sốt nhẹ, nhưng đều hết sau 1-2 ngày.
Vaccine Nanocovax do Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen là đơn vị sản xuất từ tháng 12/2020 và đang trong quá trình tiêm thử nghiệm lâm sàng vaccine trên người với 3 đợt tiêm thử nghiệm, dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 12/2021.