| Hotline: 0983.970.780

Nên giao thẩm quyền xử lý vi phạm cho công ty thủy lợi?

Thứ Tư 20/11/2019 , 09:31 (GMT+7)

Làm được việc này, theo lãnh đạo Công ty Khai thác Thủy lợi Thái Nguyên, vừa giảm tải cho chính quyền địa phương vừa giúp các công ty chủ động...

Các công ty khai thác công trình thủy lợi đề nghị được chủ động hơn nữa trong vận hành, xử phạt các vi phạm trong lĩnh vực thủy lợi.

Theo quy định của Luật Thủy lợi và các quy định hiện hành, khi xảy ra tình trạng vi phạm công trình thủy lợi các công ty được giao quản lý khai thác chỉ được phép lập biên bản, còn việc xử lý như thế nào thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương các cấp.

Với quy định này, theo ông Nguyễn Văn Ty, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi Bắc Đuống cho rằng, việc xử lý sẽ rất khó triệt để và thực tế cho thấy hiện nay việc phối hợp xử lý các vi phạm công trình thủy lợi giữa các đơn vị chức năng có hiệu quả chưa cao.

Lấy ví dụ hệ thống thủy lợi Bắc Đuống tại Bắc Ninh do đơn vị mình quản lý, ông Ty cho biết các vi phạm công trình thủy lợi rất phức tạp, với hàng chục phương thức xâm phạm khác nhau như: Xây dựng nhà cửa, lấn chiếm làm bến bãi tập kết hàng hóa vật liệu xây dựng, tự ý bắc cầu qua kênh mương, tự ý cứng hóa không xin phép, lấn chiếm cải tạo trồng rau, trồng cây.

Bên cạnh đó, tự ý ngăn sông quây lưới để chăn thả ngan, vịt, nuôi cá, làm đăng đó bắt cá… ảnh hưởng tới dòng chảy. Ngoài ra, một số hành vi xâm phạm phổ biến khác là xả thải ra hệ thống thủy lợi khi chưa được cấp phép.

Khi xảy ra những vi phạm trên, tùy mức độ của vi phạm, ông Ty cho biết, cán bộ của Công ty Thủy lợi Bắc Đuống chỉ được quyền lập biên bản và báo cáo lên cấp trên là Chi cục Thủy lợi và chính quyền địa phương các cấp, còn việc xử lý hay không, xử lý với mức độ như thế nào hoàn toàn do chính quyền địa phương quyết định.

“Có trường hợp phía công ty lập biên bản tới 3, 4 lần rồi những địa phương vẫn không chịu xử lý. Một số nơi chính quyền ký cả hợp đồng cho dân thầu trên công trình thủy lợi để kinh doanh. Thậm chí, nhiều địa phương còn cấp cả sổ đỏ chồng lấn lên cả đất của công trình thủy lợi. Với những trường hợp phức tạp như này hiện chúng tôi không có thẩm quyền xử lý và cũng chưa biết hướng xử lý như thế nào?”, ông Nguyễn Văn Ty chia sẻ.

Việc chủ động trong việc vận hành, xử phạt giúp việc quản lý, vận hành các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp của các công ty thủy lợi hiệu quả, kịp thời hơn.

Theo ông Nguyễn Văn Ty, nguyên nhân khiến việc xử lý vi phạm các công trình thủy lợi thường kéo dài, không triệt để do đây chỉ là một hoạt động nhỏ trong các hoạt động của địa phương nên chính quyền các cấp chưa quan tâm thỏa đáng.

Bên cạnh đó, với đặc thù đất đai tại Bắc Ninh có giá trị rất cao nên không loại trừ có lợi ích nhóm trong việc cấp phép và xử lý liên quan đến các công trình thủy lợi. Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là bởi các chế tài hiện nay không quy định việc xử lý tới chính quyền các địa phương nếu để xảy ra vi phạm công trình thủy lợi trong thời gian dài hoặc không giải quyết dứt điểm.

Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi Bắc Đuống kiến nghị, có thể tới đây trong Nghị định hay Thông tư hướng dẫn Luật Thủy lợi, Bộ NN-PTNT cần đưa thêm quy định điều khoản, nếu chính quyền địa phương nào để xảy ra vi phạm công trình thủy lợi quá lớn, quá nhiều, kéo dài nhiều năm, nhiều lần không giải quyết cần phải xem xét trách nhiệm người đứng đầu.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Công Thịnh, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Thái Nguyên cho rằng, thực tế hiện nay đã có chế tài phân cấp và quy định mức xử phạt với các hành vi vi phạm công trình thủy lợi rồi, nhưng chủ yếu do các địa phương nhân lực mỏng nên dẫn tới việc thiếu quyết liệt, chậm trễ trong việc xử lý, xử phạt.

Ông Nguyễn Công Thịnh đề xuất, nên phân cấp cho các công ty khai thác công trình thủy lợi được phép lập biên bản và xử phạt ở nhóm những trường hợp vi phạm phổ biến, gắn liền với việc bắt quả tang với mức phạt quy định cụ thể từ bao nhiêu tiền trở xuống giống như quy định xử phạt hành chính hiện nay. Số tiền xử phạt sau đó sẽ được các công ty nộp vào ngân sách nhà nước theo đúng quy định.

Làm được việc này, theo lãnh đạo Công ty Khai thác Thủy lợi Thái Nguyên, vừa giảm tải cho chính quyền địa phương vừa giúp các công ty chủ động được trong công tác quản lý, vận hành hiệu quả, kịp thời phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các hoạt động tương tự khác.

Xem thêm
Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Vĩnh Long có vi phạm, khuyết điểm

Đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Kỳ họp thứ 52, tổ chức từ ngày 9 đến 11/12, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì tại Hà Nội

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.