Chia sẻ tại Hội nghị Kết nối xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, nâng cao chất lượng hàng Việt Nam do Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP.HCM tổ chức, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho rằng, hàng hóa của Việt Nam chất lượng tốt, xuất khẩu ra nhiều thị trường, nhưng trong nước đâu đó vẫn có những "hạt sạn", mặc dù cố gắng, nỗ lực, dành nhiều công sức nhưng "sàng lọc mãi không hết".
"Có những thời điểm, các bài báo liên tục đưa tin về rau bẩn, thực phẩm bẩn từ các địa phương đưa về. Lâu lâu lại có chuyến hàng nội tạng động vật, chân gà thối rữa chở về bị phát hiện và tịch thu. Chúng ta có nghĩ rằng, chắc chắn tất cả lô hàng ấy đều bị phát hiện và kiểm soát hết. Chúng ta có nghĩ rằng, một ngày nào đó chúng ta ăn uống ở một quán bên ngoài, mà các sản phẩm không đạt chất lượng, người ta phải sử dụng hóa chất xử lý. Con cháu chúng ta đi học, ăn uống ở bếp ăn tập thể của trường có đảm bảo không bị ngộ độc", ông Phương nêu.
Vì vậy, để kiểm soát chất lượng hàng hóa trong toàn chuỗi cung ứng, theo ông Phương, cần có chế tài chặt chẽ để nâng cao trách nhiệm của các chủ thể trong chuỗi cung ứng.
Trong khuôn khổ Hội nghị, lần đầu tiên 6 hệ thống phân phối hàng đầu, gồm: Saigon Co.op, Satra, AEON, Central Retail, MM Mega Market, Bách Hóa Xanh ký thỏa thuận triển khai chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa.
Theo định hướng của Sở Công Thương TP.HCM, Sở NN-PTNT TP.HCM và Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, 6 nhà phân phối này sẽ đưa ra các nguyên tắc quan trọng để chung tay bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, ngăn chặn sản phẩm không an toàn được đưa vào 6 hệ thống phân phối.
Bước đầu, chương trình thí điểm áp dụng đối với 3 nhóm sản phẩm, gồm: trái cây (xoài cát chu, cam sành, bưởi da xanh, thanh long trắng, dưa lưới), rau củ quả (xà lách lô lô xanh, cải thìa, bắp cải trắng, cà chua thường, dưa leo thường), thịt (thịt heo, thịt gà).
Mục tiêu của việc hợp tác này là bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, phát huy năng lực kiểm soát chất lượng của từng hệ thống phân phối. Đồng thời, cùng hành động, ngăn chặn thực phẩm không an toàn được đưa vào các hệ thống phân phối trên địa bàn TP.HCM.
Để ngăn chặn sản phẩm không an toàn, các bên thống nhất chỉ sản xuất hoặc mua các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chung; Cả hệ thống phân phối và nhà cung cấp tăng cường các biện pháp kỹ thuật phát hiện (đánh giá cảm quan, xét nghiệm, kiểm dịch…) để phát hiện sản phẩm không an toàn định kỳ hoặc bất thường ngay từ giai đoạn sản xuất, vận chuyển hoặc nhập hàng; Nếu phát hiện các sản phẩm không an toàn đang kinh doanh tại hệ thống thì lập tức phải tiến hành kiểm tra, kiểm soát; tạm dừng nhập/phân phối/kinh doanh sản phẩm đó...
"Đây là giải pháp "bước ngoặt lịch sử" giúp hình thành hoạt động sản xuất đi đúng hướng. Với hiểu biết, kinh nghiệm, hiểu người tiêu dùng của các hệ thống phân phối sẽ định hướng sản xuất, từ đó hình thành chuỗi cung ứng bền vững và giúp cho sản phẩm hàng hoá Việt Nam nâng chất lượng xây dựng thương hiệu, hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu. Tới đây, với bước đầu triển khai bản thoả thuận sẽ từng bước nhân rộng, từ đó sẽ có một thị trường minh bạch, thương hiệu hàng hoá nông sản của Việt Nam chất lượng cao và bền vững", Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương nhận định.
Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Trưởng ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam TP HCM, bày tỏ tin tưởng chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa sẽ đạt được mục tiêu xây dựng chuỗi cung ứng hàng Việt Nam thật sự bền vững.
"6 hệ thống phân phối hàng đầu với vai trò là cầu nối giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất, phải phát huy tinh thần tiên phong, dẫn dắt xây dựng chuỗi cung ứng hàng Việt bền vững.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, cần phát huy và nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong kiểm soát chất lượng hàng hóa, đảm bảo cung ứng sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng xu hướng tiêu dùng sản phẩm xanh, bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng, phát huy và gia tăng giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp Việt theo hướng phát triển xanh, bền vững", ông Hải lưu ý.
Cũng tại Hội nghị, Saigon Co.op ký kết chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa với 6 nhà cung cấp tiên phong tham gia gồm: Công ty Anh Hoàng Thy, San Hà (cung cấp thịt gia súc, thịt gia cầm); HTX sản xuất rau an toàn Nhuận Đức, công ty MeKong Delta Food, công ty Xuân Thái Thịnh (cung cấp rau củ quả); HTX Tân Mỹ (cung cấp trái cây).
Ngoài ra, Sở Công thương và Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM cũng ký thỏa thuận hợp tác triển khai các giải pháp phát triển thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp Việt phát triển kênh bán hàng trực tuyến, triển khai tập huấn bán hàng trực tuyến tại chợ truyền thống.