| Hotline: 0983.970.780

63 cụm thi THPT quốc gia 2019 trên cả nước đã sẵn sàng

Thứ Hai 24/06/2019 , 09:03 (GMT+7)

Hôm nay, các thí sinh bắt đầu làm thủ tục chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia sẽ chính thức diễn ra từ sáng mai, 25/6. Báo NNVN có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT về công tác chuẩn bị cho những ngày thi sắp tới.

Tăng cường thanh tra, giám sát

PV: Xin Thứ trưởng cho biết một số điểm mới trong kỳ thi THPT quốc gia 2019?

Ông Nguyễn Hữu Độ: Những điểm mới trong quy chế thi năm nay như sắp xếp thí sinh tự do, thí sinh Giáo dục thường xuyên (GDTX) thi chung với thí sinh THPT; lắp camera tại nơi giữ bài thi và đề thi; giao cho các trường đại học chủ trì chấm thi trắc nghiệm... đều đã được các địa phương bám sát, thực hiện. Một số địa phương có khó khăn trong chuẩn bị tổ chức kỳ thi hoặc phương án tổ chức chưa tối ưu, Bộ GD-ĐT đã có những hỗ trợ, điều chỉnh, hướng dẫn cụ thể.

Công tác in sao đề thi đã được các hội đồng thi thực hiện nghiêm túc, chu đáo, bảo mật, bảo đảm cả về số lượng và chất lượng.

Đến thời điểm hiện tại, các công việc chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2019 tại 63 cụm thi trên cả nước đã hoàn tất, sẵn sàng cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiểm tra công tác chuẩn bị tại Sơn La

Năm nay, Bộ GD-ĐT có những biện pháp gì để ngăn ngừa các tiêu cực có thể xảy ra?

Kỳ thi THPT quốc gia 2019 được tổ chức về cơ bản giữ nguyên phương thức thi như hai năm trước và có một số điều chỉnh về kỹ thuật, quy trình để đảm bảo kỳ thi diễn ra khách quan, an toàn, công bằng, nghiêm túc, phòng ngừa và phát hiện các tiêu cực có thể xảy ra.

“Việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia được Bộ GD-ĐT xác định là nhiệm vụ quan trọng. Đây không chỉ là công việc chuyên môn của ngành mà còn là nhiệm vụ chính trị và trách nhiệm với xã hội”.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ

Một số thay đổi như: nguyên tắc các trường Đại học/Cao đẳng thuộc địa phương không làm thi ở địa phương mình; thí sinh tự do, GDTX thi chung với thí sinh là học sinh lớp 12 THPT; Bộ GD-ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức công tác chấm thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì; đặt camera giám sát phòng lưu trữ đề thi/bài thi, phòng chấm thi 24/24 giờ; sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm thi, “đánh phách điện tử” Phiếu trả lời trắc nghiệm; tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng, đồng thời có thể phát hiện, truy xuất các tác động trái phép vào bài thi, dữ liệu chấm thi.

Năm nay, Bộ GD-ĐT đặc biệt quan tâm đến công tác lựa chọn nhân sự tham gia làm thi phải đảm bảo nắm vững chuyên môn, phẩm chất chính trị, tinh thần trách nhiệm cao. Tại nhiều cuộc họp Ban chỉ đạo thi quốc gia và mới đây trong 2 công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các đại học, học viện, Hiệu trưởng trường đại học, cao đẳng sư phạm tham gia phối hợp làm thi, Bộ trưởng GD-ĐT đều nhấn mạnh lại yêu cầu này.

Song song với đó, Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương, trường đại học phân công nhiệm vụ và quyền hạn rõ ràng cho từng cán bộ tham gia làm thi, có tập huấn chi tiết, để đảm bảo rõ người, rõ việc, nắm chắc quy chế, làm đúng quy trình, không chủ quan dù ở khâu nhỏ nhất. Công tác thanh tra, giám sát năm nay được tăng cường.

Kiểm tra công tác chuẩn bị thi THPT quốc gia tại Hà Giang

Đảm bảo công tác nhân sự

“Kỷ luật trường thi rất nghiêm ngặt, do đó thí sinh phải chấp hành nghiêm chỉnh quy chế thi, tuyệt đối không đem vào phòng thi những dụng cụ không được phép, nhất là điện thoại di động. Khi thực hiện đúng quy chế, tâm lý các em mới ổn định và tập trung làm bài tốt. Tôi chúc các em sẽ bình tĩnh, tự tin và thi đạt kết quả cao nhất”.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ

Một số địa phương như Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang sau sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, năm nay bị thiếu nhân sự tham gia Hội đồng thi, các ban của Hội đồng; nhiều thành viên mới kinh nghiệm tổ chức thi còn hạn chế. Với những địa phương này, Bộ GD-ĐT đã có giải pháp gì để đảm bảo kỳ thi năm nay diễn ra ở các tỉnh đó được chu đáo, an toàn, nghiêm túc?

Các vấn đề của 3 địa phương trên trong việc chuẩn bị tổ chức thi THPT quốc gia 2019 đã được Bộ GD-ĐT sớm nắm bắt, chủ động có phương án hỗ trợ kịp thời.

Với những Hội đồng thi gặp khó khăn do nhân sự mới ít kinh nghiệm hoặc thiếu nhân sự (không chỉ riêng Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La), Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường đại học tăng cường phối hợp; đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương hỗ trợ tối đa về nhân lực, cơ sở vật chất, đảm bảo trước ngày thi, tất cả các khâu của kỳ thi đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, để kỳ thi diễn ra theo đúng kế hoạch, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế,không để sai sót ảnh hưởng đến chất lượng kỳ thi.

Phú Thọ sẵn dàng cho kỳ thi THPT quốc gia 2019 an toàn, nghiêm túc

Đề thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ được ra theo hướng như thế nào để đạt được mục tiêu: dùng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT; cung cấp thêm thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông; cung cấp dữ liệu làm cơ sở để tuyển sinh Đại học, Cao đẳng, thưa Thứ trưởng?

Như đã công bố từ trước, đề thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ nằm trong chương trình THPT, chủ yếu thuộc chương trình lớp 12. Đề tiếp tục được xây dựng theo hướng đánh giá năng lực, có tính ứng dụng thực tiễn, không nặng về ghi nhớ các số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn.Đề thi sẽ có nhóm các câu hỏi ở mức độ cơ bản để phục vụ xét tốt nghiệp THPT và có các câu hỏi với độ khó phù hợp nhằm phân hóa kết quả thi, hỗ trợ công tác tuyển sinh Đại học, Cao đẳng. Các câu hỏi trong đề được sắp xếp theo độ khó tăng dần giúp thí sinh thuận lợi khi làm bài.

Xin cám ơn những chia sẻ của ông!

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.