Ảnh minh họa. |
Tuy mức độ thiệt hại khác nhau và số lượng bị can khác nhau, nhưng 8 đại án xảy ra ở Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Cty Hải Thành - Bộ Quốc phòng, TCty viễn thông MobiFone, Cty PVB thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam, Ngân hàng Phương Nam, hoặc vi phạm quản lý đất đai tại Đà Nẵng và TP.HCM đều gây tổn thương sâu sắc cho cộng đồng.
8 đại án với hàng ngàn tỷ đồng đã thất thoát. Thu hồi tiền bạc cho Nhà nước đã khó, mà lấy lại niềm tin cho người dân còn khó hơn. Thậm chí, đại án MobiFone mua AGV bằng những thủ thuật khuất tất, còn phải truy tố thêm tội danh đưa hối lộ và nhân hối lộ mà hai cựu Bộ trưởng Bộ TT-TT là Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn vướng vòng lao lý. Điều ấy chứng tỏ, tệ nạn tham nhũng đã len lỏi và biến tướng vào nhiều ngóc ngách chốn quan trường, và làm tha hóa cán bộ trên diện rộng.
Tuy nhiên, nhìn thẳng vào 8 đại án, có một điều dễ nhận ra là mỗi sai pham dắt díu từ cấp trên đến cấp dưới và kéo dài trong nhiều năm. Ngoài trường hợp Đinh La Thăng đã ra tòa trong nhiều vụ án, thì các đại án vi phạm về quản lý đất đai tại Đà Nẵng và TP.HCM cũng phơi bày sự suy đồi của những thủ trưởng từng điều hành những cơ quan uy quyền.
Trong 19 bị can của đại án “Vi phạm quy định về quản lý đất đai” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra ở Đà Nẵng, có hai cựu Chủ tịch UBND Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến, cựu Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Ngọc Tuấn cùng nhiều quan chức cấp sở.
Tương tự, hai đại án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại TCty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” liên quan khu đất vàng số 8 - 12 Lê Duẩn, có hai bị can từng hô mưa gọi gió ở đô thị phương Nam là cựu Phó Chủ tịch thường trực UBND Nguyễn Thành Tài và cựu Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Hữu Tín.
8 đại án sắp xét xử sơ thẩm, đã chứng minh rằng khi quyền lực rơi vào tay những kẻ biến chất, thì tai ương rất khó lường. Thế nhưng, vì sao những cán bộ và những viên chức đang công tác ở những nơi xảy ra sai pham, không hề có phản ứng gì trước khi đại án bị phanh phui? Sự im lặng ấy là một nỗi lo.
Trước hành vi gian dối của lãnh đạo, cấp dưới thường chia làm hai cánh: Hoặc hùa theo làm bậy, hoặc im lặng phòng thân. Cánh hùa theo làm bậy, chiếm thiểu số, đáng bị trừng phạt. Còn cánh im lặng phòng thân, chiếm đa số, cũng không phải đáng được tuyên dương.
Đa số im lặng phòng thân, không trực tiếp thúc đẩy 8 đại án, nhưng cũng là nguyên nhân gián tiếp dung dưỡng 8 đại án. Muốn triệt để tiêu diệt tham nhũng, không thể không nghĩ đến giải pháp khuyến khích tinh thần đấu tranh của đa số im lặng phòng thân.