Theo tinh thần tinh giản biên chế, cơ cấu lại tổ chức, tuy chưa có con số tổng kết của năm 2018, song cũng không khó để nhận thấy con số này hiện không giảm hoặc có giảm cũng chẳng đáng bao nhiêu.
Thực tế cho thấy, hình như tiếp tục có hiện tượng “phì đại” cấp phó ở một số nơi mà vừa qua, nhiều cơ quan báo chí đăng tải.
Tuy nhiên, có một chức “phó” thì không thấy tăng mà so với tỉ lệ quan chức có khi còn… giảm. Đó là chức “phó thường dân”.
Tại Hội thảo Chính phủ và Chính quyền địa phương do Bộ Nội vụ tổ chức vừa qua, dẫn lại số liệu của Bộ Nội vụ cập nhật đến tháng 3/2018, PGS.TS Phạm Duy Nghĩa cho biết nước ta có gần 137 nghìn khóm, xóm, tổ dân phố; 11.162 xã, phường; 713 đơn vị hành chính cấp huyện và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Từ đây, sinh ra một bộ máy cán bộ khổng lồ, “ăn” vào miếng bánh còm cõi có tên là “ngân sách”.
“Số lượng người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách ước tính là 11 triệu người, trong đó ở cấp khóm, xóm, tổ dân phố, xã, phường là 1,3 triệu người. Nếu số liệu đúng như vậy thì về đại thể, cứ bình quân 9 người Việt Nam phải nuôi 1 người làm việc, hưởng lương hoặc phụ cấp từ ngân sách”, ông Nghĩa nói.
Đọc những thông tin này, không khỏi giật mình bởi 9 người dân ở đây là cả đứa trẻ con mới chào đời đến các cụ già 70, 80, 90… tuổi mà đã và vẫn phải “nuôi” người lớn thì quả là nặng nề, kiệt quệ.
Do đó, vấn đề tinh giản biên chế và cơ cấu lại công tác tổ chức để giảm “chính quan” mà tăng “phó dân” là rất cần thiết.
Thế nhưng, tại sao dù đã rất nhiều “quyết tâm” nhưng có vẻ như việc này vẫn chưa nhiều thay đổi?
Vấn đề không nằm ở hơn 10 triệu đối tượng hưởng lương mà điều quan trọng nằm ở cái con số như 81.492 cấp phó.
“Đầu xuôi, đuôi lọt”, nếu như làm thật sự, làm quyết liệt ở hơn 81 ngàn “cấp phó” này thì chắc chắn, con số 9 người nuôi một người sẽ phải thay đổi.
Cách đây hơn 700 năm, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã từng thốt lên: “Quan đông thế này, dân sao sống nổi”.
Còn cách đây ít lâu, ĐBQH Trần Du Lịch cũng từng kêu lên: “Cán bộ thế này, ngân sách nào chịu nổi”.