| Hotline: 0983.970.780

85 ca Covid-19 từ Hội thánh truyền giáo phục hưng, TP.HCM xét nghiệm gần 39.000 người

Thứ Bảy 29/05/2021 , 18:02 (GMT+7)

Trong ba ngày, TP.HCM ghi nhận 85 ca mắc Covid-19 liên quan chùm lây nhiễm Hội thánh truyền giáo phục hưng. TP.HCM đã lấy mẫu xét nghiệm tầm soát 38.879 người.

Lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ 700 người liên quan đến người phụ nữ làm việc căng tin công ty của Khu công nghiệp Tân Bình, quận Tân Phú mắc Covid-19. Người này là hội viên sinh hoạt tại Hội thánh truyền giáo phục hưng.

Lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ 700 người liên quan đến người phụ nữ làm việc căng tin công ty của Khu công nghiệp Tân Bình, quận Tân Phú mắc Covid-19. Người này là hội viên sinh hoạt tại Hội thánh truyền giáo phục hưng.

16 quận huyện có ca mắc Covid-19 liên quan Hội thánh truyền giáo phục hưng

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, trong số 22 ca mắc Covid-19 mới được ghi nhận, có 18 trường hợp đã được truy vết và chuyển cách ly từ trước, còn 4 trường hợp có triệu chứng bệnh đến bệnh viện khai báo và được sàng lọc.

Liên quan đến chuỗi lây nhiễm Hội thánh truyền giáo phục hưng, TP.HCM đã tiến hành điều tra truy vết, xét nghiệm mở rộng, đồng thời thành viên của tổ chức trên cũng tự khai báo hoặc phát hiện qua khám sàng lọc tại các bệnh viện.

85 ca mắc Covid-19 từ chuỗi lây nhiễm Hội thánh truyền giáo phục hưng trải dài trên 16 quận huyện trên địa bàn TP.HCM gồm Thành phố Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Nhà Bè, Bình Tân, Bình Chánh, quận 1, 3, 4, 5, 10, 12.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, liên quan đến chuỗi lây nhiễm Hội thánh truyền giáo phục hưng, TP.HCM đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm tổng số 958 người là F1, trong đó, 671 mẫu âm tính SARS-CoV-2, còn 287 trường hợp đang chờ kết quả; 37.921 người là F2, trong đó 11.483 mẫu âm tính với virus SARS-CoV-2, còn 26.438 đang chờ kết quả.

Đồng thời, kết quả giải trình tự gene SARS-CoV-2 từ mẫu bệnh phẩm của 5 người bệnh đầu tiên trong chuỗi lây nhiễm liên quan Hội thánh truyền giáo phục hưng đều thuộc biến chủng Ấn Độ.

Người tham gia Hội thánh truyền giáo phục hưng cần chủ động khai báo với y tế địa phương

Trước số ca mắc Covid-19 tiếp tục gia tăng liên quan đến Hội thánh truyền giáo phục hưng, chiều 29/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM phát đi thông báo kêu gọi những người sinh hoạt tại Hội thánh truyền giáo phục hưng hãy chủ động khai báo y tế.

Theo bác sĩ Đinh Thị Hải Yến, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, người liên quan đến Hội thánh truyền giáo phục hưng có nguy cơ lây nhiễm rất cao. Nếu không tìm ra hết thì sẽ là nguồn lây nhiễm cho cộng đồng.

“Điều không ai mong muốn cũng đã đến, TP.HCM chính thức bước vào cuộc chiến với làn sóng dịch thứ tư với một kịch bản không ai ngờ đến. Kịch bản liên quan đến tôn giáo.

Chiều tối 27/5, tin tức nhận về một ca rồi thêm hai ca nghi nhiễm từ bệnh viện. Đội điều tra đã tìm ra một điểm chung quan trọng của ba ca này, họ sinh hoạt chung trong một nhóm tôn giáo có trụ sở tại quận Gò Vấp. Ba ca này đã chỉ điểm đến ổ dịch đang hoạt động, lây nhiễm mạnh là Hội thánh truyền giáo phục hưng”, bác sĩ Đinh Thị Hải Yến nhận định.

Hội nhóm này sinh hoạt cùng nhau trong một không gian nhỏ hẹp, kém thông thoáng, không đeo khẩu trang. Điều kiện không đảm bảo, cùng với biến chủng Ấn Độ của virus SARS-CoV-2 đã tạo thành một chuỗi lây nhiễm mạnh, số lượng nhiễm cao. Chỉ sau 3 ngày, 85 trường hợp mắc Covid-19 liên quan trong đó, nhiều trường hợp F2 trở thành F0 xuất hiện trường hợp F2. Biến chủng Ấn Độ là biến chủng mới, gây nguy hiểm vì tính chất lây lan nhanh, thời gian lây nhiễm ngắn.

“Để chặn đứng hoàn toàn chuỗi lây nhiễm này, bên cạnh việc đẩy nhanh xét nghiệm, truy vết để dịch không lây lan tiếp tục từ những trường hợp đã được truy vết thì việc cần phải làm nữa là tìm ra tất cả những người sinh hoạt chung trong Hội thánh truyền giáo phục hưng. Những người này nếu còn trong cộng đồng thì sẽ trở thành nguồn lây rất nguy hiểm, đặc biệt ở những người không có triệu chứng”, bác sĩ Đinh Thị Hải Yến cho hay.

Trước đó, Hội thánh truyền giáo phục hưng có cam kết số lượng hội viên là 48 người. Tuy nhiên, TP.HCM đánh giá có thể con số này cao hơn và vẫn còn những hội viên chưa ra khai báo.

“Vì nhiều lý do mà họ không dám khai báo cho đến khi có dấu hiệu bệnh. Bằng chứng là đã có những trường hợp có triệu chứng đến bệnh viện khai báo và phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2”, bác sĩ Đinh Thị Hải Yến dẫn chứng.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM đề nghị những người tham gia Hội thánh truyền giáo phục hưng chủ động liên hệ y tế địa phương để khai báo kể cả khi không có bất cứ dấu hiệu mắc bệnh, không đợi đến khi có dấu hiệu bệnh mới đi khai báo.

Gia đình, người thân nếu biết con em mình sinh hoạt tại Hội thánh này hãy vận động họ khai báo y tế càng sớm càng tốt. Người dân nếu có thông tin về những trường hợp liên quan đến Hội thánh truyền giáo phục hưng thì hãy cung cấp cho chính quyền địa phương.

Mỗi người dân là một chiến sỹ, hãy cũng chiến đấu để chúng ta lại được trở về trạng thái bình thường mới.

Nếu không khai báo, không những ảnh hưởng đến công việc của mình mà còn của rất nhiều người khác. 700 công nhân tại một công ty tại Khu công nghiệp Tân Bình phải cách ly tại công ty do liên quan đến bệnh nhân từng đến làm việc tại căn tin cũng như rất nhiều địa điểm phải phỏng tỏa để phòng chống dịch Covid-19.

Nếu không dám khai báo hoặc khai báo không trung thực là vi phạm pháp luật về phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Xem thêm
Tổng Bí thư tiếp Đại sứ Úc Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt

Chiều 23/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt, kết thúc nhiệm kỳ công tác.

Xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD, kỳ vọng vào 2025

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2024, kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn trong năm 2025.

Muốn khôi phục sản xuất cần giãn nợ, mở rộng chính sách bảo hiểm nông nghiệp

Khoanh nợ, giãn nợ, bổ sung gói vay mới, mở rộng chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất bền vững.