| Hotline: 0983.970.780

Hội nghị tư vấn triển khai Đề án ngành Thú y

9 đề xuất hợp tác thú y của Bộ NN-PTNT với các tổ chức quốc tế

Thứ Sáu 23/06/2023 , 09:53 (GMT+7)

Nhằm triển khai hiệu quả Đề án ngành Thú y, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu những định hướng chính tại khuôn khổ Hội nghị tư vấn triển khai đề án sáng 23/6.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu khai mạc Hội nghị tư vấn triển khai Đề án ngành Thú y. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu khai mạc Hội nghị tư vấn triển khai Đề án ngành Thú y. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thực tiễn nhiều thách thức

Sáng 23/6, Bộ NN-PTNT phối hợp FAO tổ chức Hội nghị tư vấn quốc tế hỗ trợ triển khai Đề án ngành Thú y, giai đoạn 2021 - 2030.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, hội nghị thể hiện sự quan tâm, hợp tác, hỗ trợ cần thiết và hiệu quả của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam trong công tác thú y, với sứ mệnh bảo vệ sức khỏe động vật, an toàn thực phẩm, sức khỏe con người, môi trường.

Theo Thứ trưởng, những năm qua, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã quan tâm chỉ đạo tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thú y, nhất là công tác phòng, chống dịch bệnh động vật và kiểm soát vấn đề kháng thuốc theo cách tiếp cận Một sức khỏe.

Kết quả, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm, ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh động vật lây sang người, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, môi trường sinh thái và chủ động hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhìn nhận, công tác thú y còn bộc lộ nhiều tồn tại, khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhất là trong bối cảnh thế giới vừa trải qua đại dịch Covid-19, còn Việt Nam phải đối diện với nhiều dịch bệnh nguy hiểm như bệnh cúm gia cầm, dại, nhiệt thán, dịch tả lợn Châu Phi, viêm da nổi cục trâu, bò...

Để khắc phục những khó khăn trên, Việt Nam đã đưa 3 giải pháp. Thứ nhất, đẩy mạnh nghiên cứu, làm chủ công nghệ nghiên cứu, sản xuất vacxin, thuốc thú y. Thứ hai, phát triển đồng bộ, hiệu quả hệ thống kỹ thuật chuyên ngành thú y, kiểm dịch động vật; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh. Thứ ba, tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống thú y, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.

Ngày 22/3/2021, Thủ tướng đã ký Quyết định số 414/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 - 2030”, với mục tiêu: Hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp được kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực, bảo đảm tổ chức thực hiện các hoạt động thú y có hiệu lực, hiệu quả; kiểm soát tốt dịch bệnh động vật, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và chủ động hội nhập sâu rộng với quốc tế.

Các đại biểu quốc tế tham dự Hội nghị tư vấn quốc tế hỗ trợ triển khai Đề án ngành Thú y, giai đoạn 2021 - 2030.

Các đại biểu quốc tế tham dự Hội nghị tư vấn quốc tế hỗ trợ triển khai Đề án ngành Thú y, giai đoạn 2021 - 2030.

8 nhóm giải pháp quan trọng

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu 8 nhóm giải pháp cần triển khai từ nay đến năm 2030. Một là, rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL, cơ chế, chính sách, quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật ngành thú y. Hai là, kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực hệ thống tổ chức các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp.

Ba là, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh động vật. Bốn là, nâng cao năng lực kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, quản lý an toàn thực phẩm đối với động vật và sản phẩm có nguồn gốc động vật. Năm là, nâng cao năng lực quản lý thuốc thú y.

Sáu là, tăng cường hợp tác quốc tế và thúc đẩy xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật. Bảy là, nâng cao năng lực nghiên cứu thú y. Tám là, nâng cao năng lực quản lý các dịch vụ thú y.

Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai, thường xuyên đến các địa phương để phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ và triển khai việc thực hiện đề án. Đồng thời, Bộ đã làm việc với nhiều đối tác quốc tế và đề nghị hỗ trợ triển khai các nội dung có liên quan, nhất là các nội dung về phòng, chống dịch bệnh động vật; kiểm soát giết mổ, kiểm soát sử dụng kháng sinh và bảo đảm an toàn thực phẩm; các hoạt động một sức khỏe và nghiên cứu, sản xuất vacxin phòng bệnh cho động vật.

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, đề án thu được nhiều kết quả. Trong đó, có việc rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật ngành thú y.

Cùng với đó, tổ chức xây dựng, trình Chính phủ ban hành 2 Nghị định; Bộ NN-PTNT ban hành 6 Thông tư. Ngay sau khi các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, Bộ tiếp tục trình Thủ tướng phê duyệt, chỉ đạo tổ chức thực hiện: Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Lở mồm long móng, giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch quốc phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò, giai đoạn 2022 - 2030; Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại, giai đoạn 2022 - 2030; Kế hoạch quốc gia phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểmtrên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021 – 2030.

Bộ NN-PTNT cũng chú trọng kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực hệ thống tổ chức các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp. Đến nay, các đơn vị trực thuộc Cục Thú y tiếp tục được duy trì ổn định và đã được Chính phủ, Bộ NN-PTNT đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; đặc biệt 2 phòng thí nghiệm chủ lực sẽ sớm được công nhận đạt phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp III.

Ông Tony Harman, Tham tán Nông nghiệp Đại sứ quán Úc, phát biểu tại hội nghị.

Ông Tony Harman, Tham tán Nông nghiệp Đại sứ quán Úc, phát biểu tại hội nghị.

Tại địa phương, đến hết tháng 5/2023, tổng cộng đã có 56 tỉnh, thành phố đã và đang triển khai đề án ngành thú y. Trong đó, 13 tỉnh, thành phố đã sáp nhập Chi cục Thú y cấp tỉnh với các ngành nông nghiệp khác; 33 địa phương đã sáp nhập Trạm Thú y cấp huyện với các ngành nông nghiệp khác và chuyển thành Trung tâm dịch vụ nông nghiệp/Phòng kinh tế do UBND cấp huyện quản lý.

Một tỉnh đã thành lập lại Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản cấp tỉnh; 5 tỉnh đã thành lập lại Trạm Chăn nuôi Thú y/ Trạm Chăn nuôi Thú y và Thủy sản cấp huyện; 9 tỉnh đã có đề án thành lập lại Trạm Chăn nuôi Thú y/Trạm Chăn nuôi Thú y và Thủy sản cấp huyện. Tổng số hiện có hơn 16.000 người làm công tác thú y tại các địa phương.

Hằng năm, Việt Nam bố trí trên 500 tỷ đồng để triển khai các nhiệm vụ thú y và đề án ngành thú y.

Sự hợp tác tích cực từ các tổ chức quốc tế

Trong 2 năm 2021 - 2023, các tổ chức quốc tế, các nước đã hợp tác, hỗ trợ Việt Nam triển khai 5 nội dung chính. Đó là: Các hoạt động phòng, chống dịch bệnh động vật; Các hoạt động giam sát, cảnh báo và kiểm soát kháng thuốc; Các hoạt động của Khung đối tác Một sức khỏe.

Ngoài ra, là việc chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật để nghiên cứu, sản xuất nhiều loại vacxin quan trọng, nhất là vacxin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi; đào tạo, tập huấn chuyên môn, nhiệm vụ cho hơn 200 người .

Để tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án ngành Thú y, Bộ NN-PTNT đề nghị các tổ chức quốc tế tiếp tục hợp tác trên 9 nhóm công tác chính.

Thứ nhất, tổ chức triển khai có hiệu quả 6 Chương trình, Kế hoạch quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để kiểm soát tốt các loại dịch bệnh, đặc biệt bệnh truyền lây qua biên giới, bệnh lây sang người, dịch bệnh mới nổi, có nguy cơ phát sinh trong tương lai.

Thứ hai, chủ động phòng bệnh với chi phí thấp nhất, hiệu quả cao nhất đó là xây dựng thành công các vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới, tạo ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm chăn nuôi, tạo sinh kế bền vững cho người dân Việt Nam.

Thứ ba, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị các phòng thí nghiệm chủ lực để củng cố năng lực giám sát dịch bệnh, nghiên cứu, sản xuất, đánh giá các loại vacxin phòng bệnh.

Thứ tư, chuyển giao khoa học, công nghệ, nguyên vật liệu và chuyên gia để tổ chức nghiên cứu, sản xuất vacxin, nhất là các vacxin quan trọng như cúm gia cầm, dại, dịch tả lợn Châu Phi và các vacxin phòng bệnh thủy sản.

Thứ năm, nâng cao năng lực, thiết kế và tổ chức giám sát, cảnh báo nhằm kiểm soát tốt hơn tình trạng kháng thuốc, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Thứ sáu, xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thú y; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác thú y; thiết lập hệ thống trực tuyến kết nối hệ thống thú y các cấp để phục vụ đào tạo, tập huấn, chỉ đạo điều hành trong công tác thú y.

Thứ bảy, đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ thú y cho các cán bộ ngành Thú y Việt Nam, đặc biệt về dịch tễ, phòng, chống dịch bệnh; phân tích nguy cơ trong xuất khẩu, nhập khẩu động vật; kiểm soát sử dụng thuốc, kháng thuốc, bảo đảm an toàn thực phẩm; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Đại diện của FAO và nhiều tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị tư vấn triển khai Đề án ngành Thú y.

Đại diện của FAO và nhiều tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị tư vấn triển khai Đề án ngành Thú y.

Thứ tám, hợp tác với các tổ chức quốc tế, các nước về công tác thú y; lựa chọn Việt Nam để tổ chức các sự kiện quan trọng của ngành Thú y thế giới, về phòng, chống dịch bệnh động vật, phòng, chống kháng thuốc và về Một sức khỏe.

Thứ chín, rà soát, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng về thú y.

Xem thêm
Trung ương chốt những cơ quan Đảng và Quốc hội sẽ kết thúc hoạt động

Ban Chấp hành Trung ương vừa thông qua phương án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy với việc kết thúc hoạt động của nhiều cơ quan và hợp nhất nhiều đơn vị.

Xâm nhập mặn bao trùm hệ thống thủy lợi Tiên Lãng những ngày cận Tết

HẢI PHÒNG Những ngày cận Tết Ất Tỵ 2025, xâm nhập mặn diễn ra phức tạp tại Tiên Lãng, có nơi vượt ngưỡng cho phép 20 lần khiến việc lấy nước đổ ải gặp khó khăn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Cát trắng như gạo

Quảng Bình Những ngày cận Tết, bà con vùng cát mang cát trắng đi bán cho người dân dùng thay lư hương thờ ông bà để đón năm mới…

Bình luận mới nhất