| Hotline: 0983.970.780

'90% trợ cấp nông nghiệp toàn cầu gây thiệt hại cho con người và hành tinh'

Thứ Tư 15/09/2021 , 08:03 (GMT+7)

Gần 90% trong số 540 tỷ USD trợ cấp toàn cầu cho nông dân hàng năm là 'có hại', một báo cáo đáng kinh ngạc của Liên hợp quốc cho biết.

Các nguồn gây phát thải khí nhà kính lớn nhất, chẳng hạn như thịt bò và sữa, lại thường được nhận trợ cấp lớn nhất. Ảnh: Guardian.

Các nguồn gây phát thải khí nhà kính lớn nhất, chẳng hạn như thịt bò và sữa, lại thường được nhận trợ cấp lớn nhất. Ảnh: Guardian.

Theo các cơ quan của Liên hợp quốc, các trợ cấp đó gây tổn hại đến sức khỏe người dân, gây ra khủng hoảng khí hậu, hủy hoại thiên nhiên và gây ra bất bình đẳng do loại trừ nông dân sản xuất nhỏ, trong đó có nhiều người là phụ nữ.

Các nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất, chẳng hạn như thịt bò và sữa, được trợ cấp nhiều nhất, báo cáo cho biết. Những loại này thường do các nhóm công nghiệp hóa lớn sản xuất, thường dễ được hưởng trợ cấp.

Liên hợp quốc cho biết, nếu không có cải cách, mức trợ cấp hàng năm sẽ tăng lên 1.800 tỷ USD vào năm 2030, gây tổn hại hơn nữa đến phúc lợi của con người và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng hành tinh.

Phân tích cho biết phải giảm sự hỗ trợ cho ngành công nghiệp thịt và sữa “ngoại cỡ” ở các nước giàu, trong khi phải giảm trợ cấp cho phân bón hóa học và thuốc trừ sâu gây ô nhiễm ở các nước có thu nhập thấp hơn.

Báo cáo được công bố trước hội nghị thượng đỉnh về hệ thống lương thực của Liên hợp quốc vào ngày 23/9, cho biết việc trợ cấp cho các hoạt động có lợi có thể "thay đổi cuộc chơi" và giúp xóa đói giảm nghèo, cải thiện dinh dưỡng, giảm nhiệt độ toàn cầu và phục hồi thiên nhiên. Sử dụng tốt trợ cấp có thể gồm hỗ trợ thực phẩm lành mạnh, chẳng hạn như rau và trái cây, cải thiện môi trường và hỗ trợ nông dân nhỏ.

Nhiều phân tích trong những năm gần đây đã kết luận rằng hệ thống lương thực toàn cầu đã bị phá vỡ, với hơn 800 triệu người bị đói kinh niên vào năm 2020 và 3 tỷ người không thể mua được một chế độ ăn uống lành mạnh, trong khi 2 tỷ người béo phì hoặc thừa cân và một phần ba lương thực bị lãng phí. Tổng thiệt hại gây ra ước tính khoảng 12 triệu USD/năm, nhiều hơn giá trị của thực phẩm được sản xuất.

Báo cáo do Tổ chức Nông lương LHQ (FAO), Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) và Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) công bố, nhưng chưa đánh giá hết tổng số trợ cấp trong hệ thống lương thực, vì mới chỉ bao gồm dữ liệu đáng tin cậy có sẵn ở 88 quốc gia.

Tổng giám đốc FAO Qu Dongyu cho biết báo cáo là lời cảnh tỉnh để các chính phủ xem xét lại các chương trình hỗ trợ nông nghiệp “với mục đích chuyển đổi hệ thống nông sản thực phẩm và đóng góp vào bốn điều tốt hơn: dinh dưỡng tốt hơn, sản xuất tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn”.

Người đứng đầu UNDP, Achim Steiner, cho biết việc chuyển hướng trợ cấp cũng sẽ thúc đẩy sinh kế của 500 triệu nông dân sản xuất nhỏ trên toàn thế giới bằng cách tạo sân chơi bình đẳng trong nông nghiệp.

Marco Sánchez, Phó giám đốc FAO và là tác giả của báo cáo cho rằng hỗ trợ nông nghiệp cần phù hợp thực tế hiện nay, ví dụ Hoa Kỳ sẽ không thể đạt cam kết theo thỏa thuận khí hậu Paris nếu không giải quyết các ngành công nghiệp thực phẩm.

Joy Kim, tại UNEP, cho biết: “Nông nghiệp gây ra một phần tư lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, 70% tổn thất đa dạng sinh học và 80% nạn phá rừng”. Bà cho biết các cam kết tài chính quốc tế hỗ trợ chống biến đổi khí hậu là 100 tỷ USD/năm và 5 tỷ USD/năm chống nạn phá rừng.

"Nhưng các chính phủ lại cung cấp tới 470 tỷ USD [hỗ trợ nông nghiệp] có tác động gây tổn hại lớn đến khí hậu và thiên nhiên", bà bổ sung.

Báo cáo cho thấy từ năm 2013 đến năm 2018, tổng số tiền hỗ trợ hàng năm cho nông dân trung bình là 540 tỷ USD, trong đó 87% (470 tỷ USD) là “có hại”, gồm các ưu đãi về giá cho các loại vật nuôi và cây trồng cụ thể, trợ cấp phân bón và thuốc trừ sâu, và làm sai lệch trợ cấp xuất khẩu và thuế nhập khẩu.

Những điều này gây hại cho sức khỏe do thúc đẩy việc tiêu thụ quá nhiều thịt ở các nước giàu và tiêu thụ quá nhiều các mặt hàng chủ lực dinh dưỡng thấp ở những nước nghèo hơn. Sánchez cho rằng không phát triển trái cây và rau quả, thì sẽ rất tốn kém để ăn uống lành mạnh. "Đó là lý do tại sao 2 tỷ người trên thế giới không thể có một chế độ ăn uống tốt cho sức khỏe".

Báo cáo nêu bật một số trường hợp hành động tích cực, chẳng hạn như động thái cắt giảm sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu ở Trung Quốc, và chính sách canh tác tự nhiên có ngân sách bằng không ở bang Andhra Pradesh của Ấn Độ.

Vương quốc Anh cũng đang chuyển kế hoạch trợ cấp 4,16 tỷ USD/năm sang các mục tiêu môi trường. Một số khoản trợ cấp cũng nên được chuyển hướng để giúp nông dân đối phó với các tác động thời tiết khắc nghiệt ngày càng tăng của cuộc khủng hoảng khí hậu, báo cáo cho biết.

EU sẽ trả 457,27 tỷ USD trợ cấp nông trại từ năm 2021 đến năm 2027, nhưng vào ngày 9/9, các nghị viên ủng hộ môi trường ở Brussels cho biết sửa đổi kế hoạch đã thất bại trong việc gắn nông nghiệp với các mục tiêu về biến đổi khí hậu của EU.

Sánchez nói rằng điều chỉnh hỗ trợ nông nghiệp gắn với các lợi ích được đảm bảo là rất khó khăn, nhưng có thể được thực hiện bằng cách cho các chính phủ biết chi phí, bằng yêu cầu tốt hơn của người tiêu dùng và các tổ chức tài chính ngừng cho vay các hoạt động gây thiệt hại.

Morgan Gillespy, Giám đốc chương trình tại Liên minh Thực phẩm và Sử dụng Đất, cho biết: “Chi phí thực sự của hệ thống thực phẩm của chúng ta đã bị che giấu quá lâu". Theo một đánh giá gần đây, bà cho biết thiệt hại do các chế độ trợ cấp gây ra cho thiên nhiên trong khoảng 4 – 6 tỷ USD.

“Những thay đổi trong chế độ trợ cấp có thể gây tranh cãi về mặt chính trị và có thể gây ra phản đối giữa nông dân và các nhóm khác", Gillespy nói. “Nhưng chỉ vì nó khó, không có nghĩa là nó không nên xảy ra”.

Một báo cáo riêng biệt được Viện Tài nguyên Thế giới công bố vào tháng 8 cho biết nếu không có cải cách, trợ cấp nông trại “sẽ khiến những vùng đất lành rộng lớn trở nên vô dụng”.

Báo cáo viết: "Giả sử thế giới sẽ có 10 tỷ người vào năm 2050, việc mất đất này sẽ khiến dân số toàn cầu không thể được nuôi sống".

Thay vào đó, nông dân nên được hỗ trợ để khôi phục đất đai của họ thông qua các kỹ thuật như nông lâm kết hợp.

(Theo Guardian)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.

Bùng nổ thị trường thú cưng và chăm sóc thú cưng

Lần đầu tiên Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng được tổ chức tại TP.HCM với sự tham gia của 12 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm