Ít nhất 1,5 tỷ người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hạn hán trong thế kỷ này, và thiệt hại kinh tế trong khoảng thời gian đó ước tính khoảng 124 tỷ USD. Theo một báo cáo được công bố hôm 17/6, những thiệt hại thực tế có thể cao hơn nhiều lần vì những ước tính như vậy không bao gồm nhiều tác động ở các nước đang phát triển.
Mami Mizutori, đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc về giảm thiểu rủi ro thiên tai, cho biết: “Hạn hán đang trên đà trở thành đại dịch tiếp theo và không có vacxin để chữa khỏi. Hầu hết thế giới sẽ phải sống chung với tình trạng căng thẳng về nước trong vài năm tới. Cầu sẽ vượt cung trong một số thời kỳ nhất định. Hạn hán là một yếu tố chính dẫn đến suy thoái đất và giảm năng suất của các loại cây trồng chính”.
Bà Mizutori cho biết nhiều người hình dung về hạn hán chỉ ảnh hưởng đến các vùng sa mạc ở châu Phi, nhưng điều đó chưa đúng hoàn toàn. Theo báo cáo, hạn hán hiện đang diễn ra phổ biến và vào cuối thế kỷ này, hầu như tất cả các quốc gia trên thế giới sẽ phải hứng chịu nó dưới một số hình thức.
“Con người đã sống chung với hạn hán trong 5.000 năm, nhưng những gì chúng ta đang thấy bây giờ rất khác", bà nói. “Các hoạt động của con người đang làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán và gia tăng tác động, có nguy cơ làm chệch hướng tiến bộ trong việc đưa mọi người thoát khỏi đói nghèo".
Các nước phát triển cũng không miễn dịch được với hạn hán. Mỹ, Úc và Nam Âu đều trải qua hạn hán trong những năm gần đây. Hạn hán gây thiệt hại hơn 6 tỷ USD/năm do tác động trực tiếp ở Mỹ và khoảng 9 tỷ euro ở EU. Mặc dù vậy, những con số này có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong đánh giá mức độ nghiêm trọng của hạn hán.
Báo cáo cho biết, sự gia tăng dân số cũng khiến nhiều người ở nhiều khu vực phải chịu tác động của hạn hán.
Theo Roger Pulwarty, một nhà khoa học cấp cao tại Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ và là đồng tác giả của báo cáo, hạn hán còn vượt ra ngoài lĩnh vực nông nghiệp.
Ông chỉ ra sông Danube ở châu Âu, nơi hạn hán tái diễn trong những năm gần đây đã ảnh hưởng đến giao thông, du lịch, công nghiệp và sản xuất năng lượng.
"Chúng ta cần có một cái nhìn hiện đại về hạn hán", ông chia sẻ. “Chúng ta cần xem xét cách quản lý các nguồn tài nguyên như sông và các lưu vực lớn”.
Thay đổi mô hình mưa do tác động của biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính gây ra hạn hán, nhưng báo cáo cũng xác định vai trò của việc sử dụng kém hiệu quả tài nguyên nước và suy thoái đất do thâm canh và canh tác kém. Phá rừng, lạm dụng phân bón và thuốc trừ sâu, chăn thả quá mức và khai thác quá mức nước cho canh tác cũng là những vấn đề lớn.
Bà Mizutori kêu gọi các chính phủ hành động để giúp ngăn chặn hạn hán bằng cách cải cách và điều chỉnh cách khai thác, lưu trữ và sử dụng nước cũng như cách quản lý đất đai. Bà cho biết các hệ thống cảnh báo sớm có thể giúp ích nhiều cho những người gặp nguy hiểm và các kỹ thuật dự báo thời tiết tiên tiến hiện đã có sẵn.
Bà cho biết làm việc với người dân địa phương là điều cần thiết, bởi vì kiến thức địa phương và bản địa có thể giúp thông báo vị trí và cách tích trữ nước cũng như cách dự đoán tác động của thời kỳ khô hạn.