| Hotline: 0983.970.780

Mua bán trái phép vườn cao su ở Kon Tum - cần làm sáng tỏ

Thứ Năm 03/05/2012 , 10:10 (GMT+7)

Cty TNHH MTV Cao su Kon Tum (gọi tắt là Cty Cao su Kon Tum) là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

Người dân dựng lán chờ mua mủ cao su
Cty TNHH MTV Cao su Kon Tum (gọi tắt là Cty Cao su Kon Tum) là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

Những năm qua, Cty đã có bước phát triển vượt bậc trên tất cả các mặt năng suất, sản lượng, nộp ngân sách cho Nhà nước đứng đầu tỉnh Kon Tum, đời sống thu nhập CBCN được nâng cao góp phần làm thay đổi bộ mặt của nông thôn ở đây.

Từ đầu năm 2012, Cty thực hiện phương án khoán mới và đổi thửa vườn cây cao su được đông đảo những hộ nhận khoán ký hợp đồng, đến nay đã có trên 95% số hộ nhận khoán vườn cây cao su đã ký với Cty. Nhưng ở một vài nông trường (thuộc Cty Cao su Kon Tum) nhất là Nông trường Cao su Sa Sơn và khu vực Kroong thuộc Nông trường Cao su Thanh Trung đã xuất hiện một số phần tử xấu lôi kéo kích động các hộ nhận khoán không ký hợp đồng nhận khoán vườn cây cao su với Cty.

Thậm chí, ngày 17/4/2012, nhiều hộ dân ở khu vực Kroong đã ùa vào vườn cây cạo mủ cao su. Lực lượng bảo vệ của Cty, Nông trường Cao su Thanh Trung và Công an xã Kroong ra ngăn cản thì bị những người quá khích chửi bới thô tục, đánh đập, thậm chí là bắt trói trái phép anh Nguyễn Văn Đàm là Phó phòng thanh tra bảo vệ Cty Cao su Kon Tum… Sau khi nhận được tin trên, Văn phòng đại diện Báo Nông nghiệp VN tại miền Trung – Tây Nguyên đã cử một tổ phóng viên về Kon Tum tìm hiểu sự việc.

I. THU HỒI ĐẤT ĐÚNG PHÁP LUẬT

Cách đây mấy năm, trong một lần về huyện Sa Thầy (Kon Tum) công tác, chúng tôi dừng xe bên đường uống nước thì có mấy người dân đến hỏi: - Các chú muốn mua vườn cây cao su à? Nghe thế anh lái xe trả lời luôn: - Không ạ, chúng tôi đi công tác. Thì ra họ tưởng chúng tôi là người đi mua vườn cây cao su nên mới hỏi vậy. Ngày ấy chẳng ai trong chúng tôi để ý đến chuyện sang nhượng, mua bán vườn cây cao su ở đây vì cho rằng vườn cây cao su của họ thì được pháp luật cho phép mua bán chuyển nhượng. Nhưng thật bất ngờ, khi đi tìm hiểu đất và vườn cây cao su ở xã Sa Sơn và thị trấn Sa Thầy mà người dân rao bán là đất của Cty Cao su Kon Tum được nhà nước cho thuê trồng cao su. Nhưng người dân ở đây, vẫn cho rằng đất trồng cao su ở Sa Sơn không phải là đất Cty thuê của nhà nước mà là của gia đình họ tự khai hoang đưa vào trồng cao su với Cty nên đề nghị được cấp quyền sử dụng đất… Sự thật có đúng như đòi hỏi của người dân không? Điều đòi hỏi này vô lý bởi vì:

+ Thứ nhất: Đất trồng cao su đã được quy hoạch: Trong quy hoạch chung của tỉnh Kon Tum thì diện tích đất do Nông trường cao su Sa Sơn hiện đang quản lý ở địa phận xã Sa Sơn và một phần thị trấn Sa Thầy đã được quy hoạch trồng cây công nghiệp.

+ Thứ hai: Trồng cao su là nguyện vọng của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân xã Sa Sơn và thị trấn Sa Thầy.

Những năm trước đây, đời sống nhân dân Sa Sơn, thị trấn Sa Thầy gặp nhiều khó khăn, đất trồng cây mì (sắn) lâu năm đã bạc màu xen lẫn những bờ bụi cỏ tre lau lách. Để phát huy lợi thế và nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, khi Cty Cao su Kon Tum đến đặt vấn đề đầu tư trồng cây cao su trên địa bàn thì xã Sa Sơn ủng hộ. Điều đó thể hiện, cấp ủy, HĐND, UBND xã Sa Sơn đã ra Nghị quyết về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ngày 25/8/2000, cấp ủy, HĐND, UBND xã, các trưởng đầu ngành của xã Sa Sơn đã có cuộc họp với lãnh đạo và các phòng ban của Cty Cao su Kon Tum, thống nhất chủ trương đưa cây cao su vào thay thế cây hàng năm, đồng ý thành lập Nông trường cao su trên địa bàn xã.

+Thứ ba: Công khai minh bạch trong việc đền bù hoa màu, công khai phá của người dân giao đất cho Cty trồng cao su.

Để triển khai nhanh công việc, từ ngày 7/9/2000 đến ngày 14/9/2000 UBND xã Sa Sơn và Cty cao su đã có các cuộc họp với nhân dân các thôn để triển khai việc trồng cao su trên địa bàn thôn. Sau khi các thôn tổ chức họp xong, ngày 20/10/2000 xã Sa Sơn tổ chức cuộc họp Quân dân chính Đảng. Tại các cuộc họp thôn cũng như cuộc họp Quân dân chính Đảng xã Sa Sơn, nhân dân các thôn đều thống nhất chủ trương và đồng ý giao đất cho Cty cao su để trồng cao su. Các hộ đã tiến hành kê khai diện tích đất đăng ký trồng cao su, trên cơ sở đó, Cty cao su xây dựng phương án đền bù công khai phá và tổ chức họp dân các thôn để thông qua phương án. Sau khi phương án đền bù được thông qua, Cty tiến hành đền bù.

Việc đền bù cũng được công khai và kết thúc vào ngày 19/3/2001. Diện tích đất của 438 hộ đồng ý giao cho Cty Cao su Kon Tum để trồng cao su là 493,13 ha trong đó có 45 hộ có quyền sử dụng đất với diện tích là 56,5 ha. Diện tích đất Cty đền bù ở thị trấn Sa Thầy là 90,6 ha. Số tiền Cty thanh toán đền bù công khai phá, hoa màu các hộ đã nhận là: 1.216.437.342 đồng (trong đó Sa Sơn: 1.056.083.322đ và thị trấn Sa Thầy: 160.341.431đ). Các hộ cũng đồng thời ký giấy cam đoan thực hiện đúng cam kết trồng cao su, tự nguyện giao đất cho nông trường.

Để đảm bảo kịp thời vụ, được sự thống nhất của UBND huyện Sa Thầy tại cuộc họp ngày 7/2/2001, Cty Cao su Kon Tum vừa tiến hành lập hồ sơ xin giao đất gửi các cấp, các ngành chức năng của tỉnh đồng thời cũng tiến hành triển khai việc trồng cao su trên địa bàn xã Sa Sơn.

+ Thứ tư: Cty thực hiện đúng các văn bản pháp quy:

Thực hiện công văn số 72/TB-UB ngày 15/7/2003 của UBND tỉnh Kon Tum, Sở Địa chính có tờ trình số 724/TT-SĐC ngày 30/7/2003 đề nghị UBND tỉnh thu hồi đất tại xã Sa Sơn, thị trấn Sa Thầy – huyện Sa Thầy để sử dụng vào mục đích trồng cây cao su.

Trên cơ sở hồ sơ xin giao đất của Cty Cao su Kon Tum, ngày 9/2/2001 Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, gồm Sở Địa chính, Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm, UBND huyện Sa Thầy đã tiến hành thẩm tra hồ sơ đất trồng cao su trên địa bàn xã Sa Sơn.

Trên cơ sở tờ trình số: 724/TT-SĐC ngày 30/7/2003 của Sở Địa chính, ngày 7/8/2003, UBND tỉnh Kon Tum ban hành quyết định số: 812/QĐ-UB V/v thu hồi diện tích đất tại huyện Sa Thầy để bố trí sử dụng vào mục đích trồng cao su.

Ngày 22/6/2004, Cty Cao su Kon Tum lập tờ trình số: 385/TT-KH xin phê duyệt phương án phân loại đất và đơn giá chi trả công khai phá đất trồng cao su năm 2001 tại huyện Sa Thầy. Trên cơ sở tờ trình của Cty Cao su, ngày 30/7/2004 Sở Tài chính cùng các ngành: Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Văn phòng HĐND-UBND tỉnh, Sở Xây dựng, Sở TN&MT đã tiến hành họp, xem xét nội dung tờ trình số: 385/TT-KH ngày 22/6/2004 của Công ty Cao su Kon Tum.

Ngày 9/9/2004, Hội đồng thẩm định đền bù thiệt hại giải phóng mặt bằng tỉnh có báo cáo kết quả thẩm định kinh phí đền bù thiệt hại GPMB đất trồng cao su tại xã Sa Sơn, thị trấn Sa Thầy – huyện Sa Thầy số: 1017/BCTĐ-HĐ gửi UBND tỉnh.

Ngày 21/9/2004, UBND tỉnh ban hành quyết định số: 1342/QĐ-UB phê duyệt kinh phí đền bù thiệt hại trên đất thu hồi để trồng cao su tại xã Sa Sơn, thị trấn Sa Thầy – huyện Sa Thầy: Giá trị thiệt hại: 1.217.972.342 đồng, trong đó: Đền bù đất theo giá thỏa thuận: 1.216.437.342 đồng, chi phí thẩm định hội đồng thẩm định: 1.535.000 đồng.

Ngày 16/11/2004, UBND tỉnh ban hành quyết định số: 1639/QĐ-UB cho Công ty cao su thuê đất để sử dụng vào mục đích trồng cây cao su tại xã Sa Sơn, thị trấn Sa Thầy – huyện Sa Thầy với tổng diện tích 680,9 ha (xã Sa Sơn 590,3 ha; thị trấn Sa Thầy 90,6 ha), thời hạn thuê là 50 năm.

Năm 2006, khi cao su được giá, giá đất tăng, một số hộ ở Sa Sơn đã khiếu kiện tranh chấp đất đai, hợp đồng giao nhận khoán với Cty Cao su Kon Tum, UBND tỉnh Kon Tum đã ra thông báo số 99/UBND-TB ngày 26/4/2006 về kết luận của ông Hà Ban khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh, hiện là Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Kon Tum. Thực hiện thông báo này, UBND tỉnh Kon Tum cũng đã ra Quyết định số 1111/QĐ-UBND ngày 4/10/2006 về việc thu hồi và điều chỉnh đất trồng cao su của Cty Cao su Kon Tum tại Sa Sơn. Theo quyết định này: Tại xã Sa Sơn diện tích điều chỉnh là: 64,11 ha, từ 590,3 ha xuống còn 526,19 ha; tại thị trấn Sa Thầy giữ nguyên diện tích: 90,6 ha; diện tích đất còn lại Cty được thuê là: 616,79 ha. Tiếp đó ngày 12/2/2007, UBND tỉnh Kon Tum và Cty Cao su Kon Tum đã ký hợp đồng thuê đất số 07 HĐ/TĐ. Theo hợp đồng này Cty thuê đất với diện tích 616,79 ha, thời hạn là 50 năm.

Như vậy, quyền sử dụng đất 616,79 ha ở xã Sa Sơn và thị trấn Sa Thầy mà Cty Cao su Kon Tum đầu tư để trồng cao su đã được pháp luật công nhận. (Còn nữa)

Bài sau: Ai tiếp tay mua bán vườn cao su trái phép

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cơn mưa bất chợt 'giải nhiệt' ở Bình Dương

Sau nhiều ngày nắng nóng liên tục, cơn mưa bất chợt xuất hiện đã làm dịu đi cái nóng gay gắt cho người dân ở Bình Dương.