| Hotline: 0983.970.780

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Trần Thế Ngọc: Tiền Giang hội đủ những thế mạnh

Thứ Hai 19/04/2010 , 13:37 (GMT+7)

Trước ngày khai mạc Festival trái cây Việt Nam lần thứ nhất, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Trần Thế Ngọc - Trưởng Ban chỉ đạo đã dành cho NNVN cuộc trả lời phỏng vấn xung quanh sự kiện này.

Ông Trần Thế Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, Trưởng Ban chỉ đạo Festival trái cây Việt Nam lần thứ nhất

Trước ngày khai mạc Festival trái cây Việt Nam lần thứ nhất, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Trần Thế Ngọc - Trưởng Ban chỉ đạo đã dành cho NNVN cuộc trả lời phỏng vấn xung quanh sự kiện này.

Thưa ông, phải có lí do để Tiền Giang được chọn đăng cai Festival trái cây Việt Nam lần thứ nhất?

Ông Trần Thế Ngọc: ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất của cả nước, nơi đây còn nổi tiếng với các vườn cây ăn trái quanh năm xanh tốt, trái sai bốn mùa. Tiền Giang có đủ cả hai thế mạnh này: tỉnh có vùng chuyên canh lúa gạo chất lượng cao, đặc sản xuất khẩu, đồng thời cũng có vườn chuyên canh cây ăn trái như vùng sầu riêng ở Cai Lậy, vùng khóm ở Tân Phước, vùng thanh long ở Chợ Gạo…

Từ xa xưa, Tiền Giang vốn là vùng đất đai trù phú nổi tiếng với những vườn cây trái xum xuê ở vùng đồng bằng sông nước miền Tây. Dĩ nhiên, nhiều tỉnh thành trong cả nước, cũng là vùng trái cây nổi tiếng như Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp… Riêng Tiền Giang có thế mạnh là một trong những tỉnh có chủng loại, diện tích và sản lượng trái cây lớn nhất. Hiện nay, 7 sản phẩm trái cây chủ lực của tỉnh gồm: xoài cát Hòa Lộc, bưởi Lông Cổ Cò, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, sầu riêng Ngũ Hiệp, khóm Tân Lập, thanh long Chợ Gạo và sơ ri Gò Công đã được cấp nhãn hiệu hàng hóa tập thể. Đặc biệt năm 2009, sản phẩm xoài cát Hòa Lộc được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Ngoài ra, Tiền Giang cũng là tỉnh có diện tích trồng cây ăn trái quy mô lớn cả nước, chiếm khoảng 10% diện tích cây ăn trái cả nước. Hàng năm, tỉnh cung cấp cho thị trường gần 1 triệu tấn trái cây các loại. Kinh nghiệm trồng cây, làm vườn của nông dân Tiền Giang cũng đã được tích lũy qua nhiều năm. Nông dân Tiền Giang cần cù, sáng tạo, luôn học hỏi kinh nghiệm, tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới và áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Nhiều nhà vườn hiện nay đã áp dụng sản xuất theo GAP (VietGAP, GlobalGAP), tháng 4/2008 có 6,92ha vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim - Châu Thành được đón nhận Chứng nhận GlobalGAP và tháng 8/2009 có 30ha/22 nông hộ trồng khóm được công nhận VietGAP. Các dự án mở rộng áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP trên cây vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, cây nhãn tiêu Quế, cây chôm chôm và cây thanh long sẽ được triển khai vào cuối năm 2010. Chính vì những lý do này mà Tiền Giang được vinh dự chọn làm nơi đăng cai tổ chức Festival trái cây Việt Nam lần thứ nhất năm 2010.

Là chủ nhà tổ chức Festival, ông muốn chia sẻ điều gì với khách?

Ông Trần Thế Ngọc: Festival trái cây là để chào đón khách trong và ngoài nước đến thăm một vùng đất vốn có niềm tự hào là nơi đô hội của người dân miền Tây sông nước. Đây cũng là dịp chúng ta tôn vinh những “Nhà vườn sáng tạo”, và trao Cúp vàng dành cho nông dân, nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp “Vì sự phát triển trái cây Việt Nam chất lượng và an toàn thực phẩm”. Đồng thời, cũng là dịp để nhà vườn, nhà khoa học, nhà quản lí, doanh nghiệp ở các nơi tề tựu về giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi và cùng nhau tìm giải pháp khắc phục hạn chế, phát huy thế mạnh, tìm hướng đi mới cho trái cây Việt Nam. Mặt khác, cũng là dịp vùng ĐBSCL quảng bá loại hình du lịch riêng có của vùng: Du lịch sinh thái miệt vườn; du lịch sông nước, chợ nổi; du lịch gắn với vườn cây ăn trái.

Tiền Giang vẫn tiếp tục xác định thế mạnh phát triển nông nghiệp, vườn cây ăn trái?

Ông Trần Thế Ngọc: Nhìn chung, thế mạnh của ĐBSCL là sản xuất nông nghiệp, ngoài lúa, chăn nuôi, thủy sản, cây ăn trái đóng một vai trò rất quan trọng. Nó góp phần đóng góp nguồn thu nhập đáng kể cho sự phát triển kinh tế chung. Ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang trong những năm qua đã làm rất tốt vai trò của mình. Năm 2009, diện tích cây ăn trái các loại 67.600 ha, sản lượng gần 1 triệu tấn, giá trị sản xuất cây ăn quả năm 2009 trên 5.400 tỷ đồng, chiếm 42% giá trị sản xuất ngành trồng trọt. Ngoài ra, có nhiều mô hình như trồng vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, xoài cát Hoà Lộc, sầu riêng, thanh long… cho lợi nhuận trên 100 triệu đồng/ha. Đã có những sản phẩm xuất khẩu như vú sữa, bưởi, thanh long... sang các thị trường Nga, Hà Lan, Anh. Do vậy, trong những năm tới Tiền Giang tiếp tục chuyển đổi cơ cấu sản xuất, hình thành vùng sản xuất cây ăn trái chuyên canh lớn, gắn với công nghiệp chế biến và các thị trường trong và ngoài nước. Đến năm 2015, dự kiến diện tích cây ăn trái khoảng 79.000 ha, sản lượng khoảng 1,1-1,2 triệu tấn.

Nhiều người lo ngại với xu thế công nghiệp hóa hiện nay, trong tương lai, một số vùng sông nước miệt vườn chỉ còn là những hoài niệm của quá khứ. Vậy, Tiền Giang giữ thế mạnh của một miệt vườn nổi tiếng bằng cách nào?

Ông Trần Thế Ngọc: Để giữ thế mạnh nầy, Tiền Giang đã và đang lập quy hoạch vùng trồng cây ăn trái tỉnh Tiền Giang đến năm 2020. Trên cơ sở quy hoạch kiểm soát lũ và hoàn thiện các dự án thủy lợi ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hình thành 3 vùng chuyên canh cây ăn trái nhằm tăng nhanh số lượng và chất lượng sản phẩm. Điều tra, khảo sát để mở rộng thêm ở những nơi có điều kiện sinh thái thích hợp, đảm bảo cây ăn trái sau trồng sinh trưởng phát triển tốt, có năng suất và chất lượng cao.

Việc xu thế đất nông nghiệp bị thu hẹp dần, trong đó có đất vườn, tình trạng này đang diễn ra với nhiều lí do, không chỉ do thực hiện công nghiệp hóa. Tất nhiên, việc công nghiệp hóa cũng là nhằm để hiện đại hóa đất nước, đưa đất nước và người dân thoát nghèo. Một nền nông nghiệp lạc hậu, nhỏ lẻ không thể đưa Tiền Giang tiến lên, nên cần phải công nghiệp hóa. Công nghiệp hóa phải được tính toán để không làm hại nông nghiệp mà có tác dụng hỗ trợ cho nông nghiệp. Công nghiệp hóa được tính trong một kế hoạch hài hòa, chắc chắn sẽ hỗ trợ cho nông nghiệp phát triển. Trong tháng 1/2010, tỉnh đã tổ chức Hội nghị XTĐT trong đó mời gọi các DN, đơn vị đầu tư 3 dự án có liên quan đến lĩnh vực cây ăn trái.

Cụ thể là, Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sơ chế và đóng gói rau quả an toàn với thiết bị và công nghệ tiên tiến; Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sơ chế và đóng gói trái thanh long với thiết bị và công nghệ tiên tiến, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Dự án nâng cao năng lực của khoa học và kỹ thuật trong các sản phẩm nông nghiệp, để thay đổi sản phẩm truyền thống thành sản phẩm công nghệ cao, nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng một cách an toàn.

Xin cám ơn ông!

Xem thêm
Nhiều thị trường sẽ 'theo chân' EU về quy định không gây mất rừng

Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ cũng sẽ theo EU bởi đây là xu thế tất yếu trong chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon, hướng đến phát triển bền vững.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.