| Hotline: 0983.970.780

Ai 'bảo kê' việc xâm hại kênh Kim Sơn?

Thứ Năm 21/11/2019 , 08:47 (GMT+7)

Gần 10 năm qua, hai hộ dân tại xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên tự ý lấn chiếm hàng nghìn mét vuông đất lưu không của kênh.

Trong khi chính quyền địa phương gần như phớt lờ xử lý, thậm chí tạo điều kiện để vi phạm công khai diễn ra nhiều năm.

Buông lỏng hay tiếp tay?

PV NNVN đã cùng cán bộ Trạm quản lý thủy lợi Xuân Quan (Cty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải) đi tới khu vực vi phạm tại xã Trưng Trắc.

Bến bãi vật liệu xây dựng "mọc" trái phép trên đất lưu không của hộ ông Nguyễn Văn Ly. Ảnh: Trần Hồ.

Điểm vi phạm cách trụ sở UBND xã Trưng Trắc không xa, là nơi tấp nập người qua lại. Từ cây cầu bắc ngang kênh Kim Sơn, có thể nhìn thấy một bãi cát sỏi dài cả trăm mét, lấn sát dòng chảy. Bên cạnh đó là lố nhố lều lán, nhà tạm trông coi bãi vật liệu.

Mặc dù vi phạm diễn ra gần 10 năm, nhưng theo ông Thiệp, hai chủ hộ này chưa bao giờ bị xử phạt hành chính hay cưỡng chế phá bỏ công trình vi phạm.

Anh Nguyễn Đức Hà, cán bộ Trạm Xuân Quan cho biết, vi phạm đã tồn tại gần 10 năm qua nhưng không hiểu vì lý do gì, chính quyền địa phương vẫn không xử lý. Hai hộ vi phạm được xác định là ông Nguyễn Văn Ly và Nguyễn Văn Quân, hộ khẩu xã Trưng Trắc.

Để tìm hiểu rõ sự việc, chúng tôi tìm gặp ông Đỗ Thế Phả, Chủ tịch UBND xã Trưng Trắc nhưng vị này vắng mặt tại trụ sở. Qua điện thoại, ông Phả cho biết, đang đi họp ở tỉnh, chưa biết khi nào về nên không hẹn gặp. "Đề nghị các anh làm việc với anh Thiệp, Phó Chủ tịch UBND đang trực tại trụ sở", ông Phả nói.

Vi phạm đã tồn tại gần 10 năm nhưng chưa được xử lý. Ảnh: Trần Hồ.

Trong khi làm việc, ông Nguyễn Tiến Thiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Trưng Trắc thừa nhận, hai trường hợp kể trên vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, nhưng…

Ông Thiệp giải thích, xã không xử lý vi phạm, đặc biệt là trường hợp làm bến bãi là do sợ người dân không có chỗ tập kết sẽ đổ vật liệu xây dựng ra đường!? Cũng theo vị này, xã đã nhiều lần làm việc, lập biên bản vi phạm với ông Nguyễn Văn Ly (kinh doanh bãi vật liệu xây dựng). Đồng thời đã làm báo cáo gửi UBND huyện Văn Lâm.

"Sau đó huyện cũng có văn bản gửi xã, yêu cầu đôn đốc người dân tự thu dọn, trả lại nguyên trạng hành lang kênh Kim Sơn. Lần cuối cùng chúng tôi đôn đốc hình như cũng cách đây vài năm", ông Thiệp cho biết.

Khi PV đặt câu hỏi, liệu có việc chính quyền đứng ra cho các hộ này thuê đất lập bến bãi rồi thu phí hoạt động. Ông Thiệp khẳng định, xã chưa bao giờ cho thuê cũng như thu phí hoạt động bến bãi vật liệu xây dựng.

Nói về phương án xử lý sắp tới, ông Thiệp lần nữa khẳng định, chuyện này không khó, xã sẽ yêu cầu hộ vi phạm tự thu dọn bến bãi. Nếu cố tình vi phạm sẽ tiến hành cưỡng chế. Nhưng khi PV hỏi, nếu dễ dàng như thế, tại sao vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại gần 10 năm, ông Thiệp không trả lời được.

Sự né tránh khó hiểu! 

Để tìm hiểu rõ hơn sự việc, chúng tôi đã trao đổi với ông Đào Văn Chương, Trạm trưởng Trạm quản lý thủy lợi Xuân Quan. Ông Chương cho biết, hai công trình vi phạm này diễn ra từ rất lâu, như một điểm ung nhọt trên tuyến kênh Kim Sơn.

Văn bản đề nghị UBND xã Trưng Trắc xử lý vi phạm từ tháng 01/2016. 

Từ năm 2014, khi tiếp nhận quản lý đoạn kênh qua xã Trưng Trắc, Trạm đã rà soát, nhiều lần làm việc với chính quyền xã, lập biên bản vi phạm. Trạm cũng nhiều lần gửi văn bản cho UBND xã Trưng Trắc đề nghị xử lý nhưng sự việc vẫn giậm chân tại chỗ.

Ông Chương khẳng định, nhiều lần một lãnh đạo xã Trưng Trắc tiết lộ, địa phương đứng ra cho người dân thuê làm bến bãi. Xã đang làm thủ tục để tỉnh cấp phép cho hộ này được làm bến bãi vật liệu xây dựng. Tuy nhiên số tiền, thời hạn thuê bao nhiêu thì không nói. Đây có thể là nguyên nhân lý giải vì sao chính quyền địa phương thờ ơ không xử lý.

Cũng theo ông Chương, đã có lần, lãnh đạo Công ty thủy lợi Bắc Hưng Hải về làm việc, nhưng lãnh đạo UBND huyện Văn Lâm "đá" sang làm việc với cấp phòng. Dường như, ngay cả cấp huyện cũng không mặn mà với xử lý vụ vi phạm này một cách khó hiểu.

Ông Chương phân trần, thời gian qua, nhiều điểm vi phạm tương tự tại xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang (Hưng Yên) đã được xử lý dứt điểm nhờ chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt. Nhưng không hiểu sao, cùng cấp chính quyền xã Trưng Trắc và huyện Văn Lâm lại không quyết liệt được như vậy.

Một góc công trình vi phạm của hộ ông Nguyễn Văn Quân. Ảnh: Trần Hồ. 

Ông Chương thông tin, kênh Kim Sơn là tuyến kênh đặc biệt quan trọng thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Theo quy định, UBND cấp tỉnh không có thẩm quyền cấp phép lập bến bãi. Thẩm quyền này thuộc về Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT).

"Quan điểm của chúng tôi là tiếp tục báo cáo công ty, đề nghị địa phương vào cuộc xử lý vi phạm nhức nhối này", ông Chương khẳng định.  

Trao đổi qua điện thoại, ông Trần Văn Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Lâm cho biết, đang rất bận họp nên không thể làm việc, cung cấp thông tin trực tiếp. Huyện sẽ chỉ đạo xã báo cáo vụ việc, sau đó cung cấp tới cơ quan báo chí sau.

Xem thêm
Ông Trịnh Văn Bình làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang

Ngày 4/11, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

Diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao

PHÚ THỌ Diễn đàn phổ biến bộ giống chè chất lượng cao và yêu cầu của thị trường trọng điểm, hướng tới mục tiêu chuyển đổi 70% diện tích sang các giống chè mới vào năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.