| Hotline: 0983.970.780

Ai ‘chống lưng’ cho trang trại heo trái phép?

Thứ Tư 20/04/2022 , 09:04 (GMT+7)

Gia Lai Dù quá thời hạn phải di dời, tháo dỡ trang trại heo trái phép nhưng Công ty Lơ Pang vẫn làm ngơ, coi thường quy định luật pháp.

Trang trại heo xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Ảnh Tuấn Anh.

Trang trại heo xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Ảnh Tuấn Anh.

Ngày 19/4, UBND huyện Đăk Đoa (Gia Lai) đã ra thêm quyết định xử phạt 50 triệu đồng đối với Công ty Lơ Pang do không có giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi và không thực hiện kê khai đàn heo. Vụ việc cũng được huyện báo cáo lên tỉnh xin ý kiến chỉ đạo xử lý.

Trước đó, Báo Nông Nghiệp Việt Nam đã đưa tin, UBND Đăk Đoa đã ra quyết định xử phạt 70 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần gia súc Lơ Pang do vi phạm trong lĩnh vực môi trường. Đồng thời, buộc trong thời gian 30 ngày yêu cầu công ty phải tháo dỡ, di dời trang trại nuôi heo.

Được biết, năm 2021, Công ty Lơ Pang lập hồ sơ đề xuất dự án trang trại chăn nuôi heo tại thôn Hàm Rồng, xã Ia Băng, huyện Đăk Đoa.

Tuy nhiên, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã lấy ý kiến của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh và các sở ngành liên quan và cho rằng, vị trí xin đề xuất làm dự án của Công ty Lơ Pang chưa phù hợp (do chồng lấn với dự án năng lượng, không đảm bảo khoảng cách triển khai dự án và chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương). Do đó, Sở KH&ĐT Gia Lai không thống nhất vị trí xin làm dự án của Công ty Lơ Pang, đề nghị công ty này chọn vị trí khác.

Ngoài ra, Công ty Lơ Pang còn để xảy ra hàng loạt những sai phạm khác như: Không có chủ trương cho phép đầu tư dự án nhưng ngang nhiên xây lụi trang trại trên đất nông nghiệp; xây dựng trái quy hoạch chính quyền địa phương; chăn nuôi quy mô lớn nhưng không hề có đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường; chăn nuôi khi không có chứng nhận đủ điều kiện...

Thế nhưng, Công ty Lơ Pang vẫn ngang nhiên làm liều xây dựng dự án quy mô lớn trên nền diện tích từ 24.000 m2 – 25.000 m2. Thời điểm xử phạt chỉ có 460 con heo, nay số lượng tăng đột biến lên 1.153 con và chưa có dấu hiệu dừng lại (quy mô dự kiến 2.400 con).

Trước đó phóng viên ghi nhận, vị trí xây dựng trang trại heo trái phép được triển khai trên diện tích khá lớn, tường rào bê tông cốt thép bao quanh "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Tại đây, đoàn cán bộ xã Ia Băng, đoàn liên ngành của huyện Đăk Đoa và thậm chí của tỉnh vẫn chưa thể thâm nhập hiện trường bên trong do công ty bất hợp tác.

Công ty Lơ Pang được xác định là công ty con của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh Tuấn Anh.

Công ty Lơ Pang được xác định là công ty con của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh Tuấn Anh.

Theo tìm hiểu được biết, ngày 29/3, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai có công văn “công bố thông tin bất thường” gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM về việc  nhận chuyển nhượng cổ phần Công ty Lơ Pang. Theo đó, ngày 31/3, Công ty Lơ Pang chính thức trở thành công ty con của Hoàng Anh Gia Lai.

Trong buổi làm việc với UBND huyện mới đây, vấn đề được dư luận quan tâm là Công ty Lơ Pang đã quá thời hạn 30 ngày buộc phải tháo dỡ, di dời trang trại heo, thế nhưng đơn vị này vẫn phớt lờ các quy định của pháp luật. Trong khi đó, UBND huyện Đăk Đoa cũng chưa có những biện pháp cưỡng chế như tuyên bố.

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Đoa cho biết, quan điểm của địa phương là xử lý nghiêm theo quy định. Huyện đã yêu cầu Phòng NN-PTNT và Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu hướng xử lý.

Trước những sai phạm của Công ty Lơ Pang, luật sư Tạ Quang Tòng (Đoàn Luật sư Đăk Lăk) cho rằng, về nguyên tắc, một dự án nhiều sai phạm thì không được phép tồn tại. Trong khi, Công ty Lơ Pang đã để xảy ra quá nhiều sai phạm như: Sai về quy hoạch sử dụng đất, không có giấy phép xây dựng, không báo cáo đánh giá tác động môi trường…

“Khi xây dựng công trình phục vụ sản xuất kinh doanh phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường và chỉ được xây dựng khi đã có phê duyệt. Nếu hoạt động gây ảnh hưởng môi trường, sẽ bị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra và xử phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự nếu tái phạm”, luật sư Tòng cho biết.

Cũng theo Luật sư Tòng, chính quyền địa phương rõ ràng đã có sự buông lỏng quản lý hành chính khi không ngăn chặn doanh nghiệp hoạt động xây dựng, gây ô nhiễm môi trường. Khi phát hiện sự việc thì thiếu kiên quyết trong xem xét xử lý dẫn đến việc vi phạm vẫn được tiếp diễn.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất