| Hotline: 0983.970.780

Ai là 'ông trời con' tàn phá rừng phòng hộ xã Ngọc Thanh?

Thứ Tư 08/07/2020 , 09:14 (GMT+7)

Hàng loạt diện tích rừng phòng hộ bị tàn phá ròng rã nhiều năm trời ở xã Ngọc Thanh (thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) có những dấu hiệu khuất tất cần làm rõ.

Dấu vết tàn phá rừng phòng hộ ở xã Ngọc Thanh.  Ảnh: Người dân cung cấp.

Dấu vết tàn phá rừng phòng hộ ở xã Ngọc Thanh.
Ảnh: Người dân cung cấp.

Khi rừng của Chủ tịch xã nhận giao khoán cũng trở thành điểm nóng

Báo NNVN nhận được đơn tố cáo khẩn cấp của nhiều hộ dân thôn Thanh Lộc, xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc về việc ông Dương Văn Trần, một người dân tại địa phương này đã có những hành vi phá, hủy hoại hàng trăm ha rừng phòng hộ tại khu vực Đá Bia, xã Ngọc Thanh.

Điều đáng nói, theo những người dân địa phương, hành vi tàn phá rừng phòng hộ Đá Bia diễn ra trong một quá trình dài với quy mô lớn, làm mất độ che phủ của rừng, mất nguồn nước sản xuất của nhân dân và có những dấu hiệu bao che từ phía cơ quan chức năng...

Theo tài liệu mà Báo NNVN có được, một trong những điểm nóng xảy ra tình trạng phá rừng diễn ra ở các lô 35A và lô 38 rừng phòng hộ Đá Bia. Trớ trêu thay, “điểm nóng” về việc tàn phá rừng phòng hộ này lại do gia đình ông Lý Văn Lương, đương kim Chủ tịch UBND xã Ngọc Thanh nhận giao khoán và quản lý. Bỏ rất nhiều công sức thu thập trong một thời gian dài, những người tố cáo ở xã Ngọc Thanh đã cung cấp đến Báo NNVN hàng loạt hình ảnh những gốc cây bị đốn hạ, hình ảnh máy móc cày xới rừng phòng hộ, hình ảnh cả cánh rừng tan hoang bởi sự tàn phá của một nhóm đối tượng mà họ gọi là "ông trời con ở xã Ngọc Thanh"...

Hồ sơ, tài liệu thể hiện, năm 1996, ông Lý Văn Lương được UBND huyện Mê Linh (thời điểm Mê Linh vẫn còn thuộc Vĩnh Phúc) ra quyết định giao 55,2 ha đất lâm nghiệp, trong đó có 51 ha rừng tự nhiên trạng thái III a1, rừng trồng 4,2 ha gồm thông keo trồng từ năm 1993 với thời gian giao khoán 50 năm. Một trong những căn cứ để UBND huyện Mê Linh ban hành quyết định là đơn xin nhận đất lâm nghiệp của ông Lý Văn Lương.

Tuy nhiên, sau khi nhận giao khoán, ông Lý Văn Lương đã không trực tiếp trông nom, quản lý bảo vệ rừng theo quy định của việc nhận giao khoán mà nhiều lần chuyển đổi quyền sử dụng cho một số người dân địa phương, thực trạng khiến rừng phòng hộ ở khu vực này bị tàn phá, xâm hại.

Người bị tố cáo phá rừng phòng hộ nhiều nhất ở khu vực Đá Bia chính là ông Dương Văn Trần, vốn là một chủ doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã.

Khu vực nội bất xuất ngoại bất nhập của ông Dương Văn Trần. Ảnh: HA.

Khu vực nội bất xuất ngoại bất nhập của ông Dương Văn Trần. Ảnh: HA.

Từ năm 2012, những người dân các thôn Thanh Lộc, Thọ An và Tân An thuộc xã Ngọc Thanh đã tố cáo ông Dương Văn Trần và Doanh nghiệp tư nhân Duy Thông do ông Trần làm Giám đốc đã có những hành vi tổ chức chặt phá, đốt rừng phòng hộ tại khu vực Đá Bia. Những nội dung tố cáo của người dân trong xã đã được UBND thị xã Phúc Yên lúc đó kết luận là có cơ sở. Kết quả xử lý những hành vi này của ông Trần và doanh nghiệp do ông ta làm chủ không biết đến đâu, tuy nhiên, trong nhiều năm sau đó, ông Trần tiếp tục thu gom rừng bằng việc nhận chuyển nhượng và tiếp tục có những vi phạm, gần như là một sự thể hiện thách thức đối với pháp luật.

Thậm chí, trong một buổi làm việc ngay tại trụ sở UBND xã Ngọc Thanh, ông Lý Văn Hai, một trong những người dân trong thôn Thanh Lộc được thuê bảo vệ diện tích rừng của ông Lương tố cáo, ông Hai cùng một số người dân địa phương đã bắt quả tang ông Trần phá rừng và yêu cầu chính quyền xử lý, tuy nhiên vụ việc có những dấu hiệu chìm xuồng. Ông Hai và một số người dân trong xã sẵn sàng chỉ rõ cho cơ quan chức năng diện tích rừng ông Chủ tịch UBND xã Ngọc Thanh nhận trông nom, bảo vệ bị tàn phá đến mức nào nhưng bất chấp, ông Lý Văn Lương vẫn yên vị với ghế Chủ tịch.

Dẫn phóng viên lên khu vực rừng phòng hộ Đá Bia, những người dân thôn Thanh Lộc tố cáo, hiện ông Dương Văn Trần đã “quây” hàng trăm ha rừng và đất rừng ở khu vực này khiến người dân không thể nào tiếp cận được. Những hàng rào thép gai, bê tông được dựng lên nhằm ngăn chặn người dân địa phương ra vào và bảo vệ cả những diện tích rừng vốn không thuộc sở hữu của ông Trần. Đã có những cuộc tranh chấp, đụng độ giữa những người dân tham gia bảo vệ rừng với một nhóm đối tượng được cho là xã hội đen đang đứng ra bảo vệ diện tích đất rừng mà ông Trần đang thâu tóm. Ngang nhiên đến mức, chính ông Dương Văn Trần thừa nhận tại UBND xã Ngọc Thanh rằng gia đình ông ta không có giấy tờ về sử dụng đất, rằng “gia đình tôi sử dụng một phần diện tích lô số 35A và 38 của ông Lý Văn Lương”... Nhưng dùng dằng trong nhiều năm, những tiếng kêu cứu của người dân chưa được giải quyết thực sự thỏa đáng.  

Thực chất, trước những diễn biến phức tạp tại rừng phòng hộ Đá Bia, ông Lý Văn Lương từng viết đơn xin trả lại diện tích giao khoán trên, nhưng đến thời điểm hiện tại chưa có cơ quan nào xác nhận việc ông Lương trả rừng, điều đó có nghĩa, Chủ tịch UBND xã Ngọc Thanh không thể vô can khi diện tích rừng phòng hộ tại các lô 35A và 38 bị tàn phá. Trả lời Báo NNVN, ông Nguyễn Lâm Tới, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố Phúc Yên nói ông Lý Văn Lương phải có trách nhiệm khi rừng phòng hộ ở các lô 35A và 38 bị chặt phá.

Trong khi đó, tại buổi làm việc với PV Báo NNVN, khi được yêu cầu cung cấp tài liệu, ông Lưu Tiến Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Thanh từ chối với lý do phải có ý kiến của Chủ tịch Lý Văn Lương. Ông Chung thừa nhận diện tích rừng mà Chủ tịch Lương được giao khoán hiện đang trong trạng thái "vô chủ".

Vì sao hành vi phá rừng của ông Dương Văn Trần chỉ bị xử lý hành chính?

Theo tài liệu của NNVN có được, suốt một quá trình dài, ông Dương Văn Trần đã có hàng loạt hành vi phá rừng phòng hộ, phá rừng sản xuất khu vực Đá Bia. Tổng diện tích ông Trần phá hại theo thống kê sơ bộ lên tới hàng chục nghìn m2, nhưng đến thời điểm hiện tại, tất cả những hành vi này mới chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính. Người dân tố cáo ở xã Ngọc Thanh cũng cho rằng, chưa thể thống kê hết diện tích ông Trần phá, tác động đến rừng bởi vì từ lâu rồi việc tiếp cận khu vực này rất khó khăn.

Biệt phủ nguy nga của ông Dương Văn Trần dưới chân rừng phòng hộ Đá Bia. Ảnh: HA.

Biệt phủ nguy nga của ông Dương Văn Trần dưới chân rừng phòng hộ Đá Bia. Ảnh: HA.

Tháng 10/2015, Hạt Kiểm lâm Phúc Yên lập biên bản việc ông Dương Văn Trần với hành vi phá rừng phòng hộ trên diện tích 2.519m2 tại lô 20 khoảnh I, Đại Lộc nhưng chỉ đề xuất mức xử phạt hành chính từ 30 đến 50 triệu đồng. Ngày 14/10/2015 ông Trần bị xử phạt 40 triệu đồng.

San ủi rừng phòng hộ. Ảnh: Người dân cung cấp.

San ủi rừng phòng hộ. Ảnh: Người dân cung cấp.

Tháng 8/2016, Hạt Kiểm lâm Phúc Yên tiếp tục lập biên bản ông Dương Văn Trần về hành vi san ủi đất rừng, phá rừng sản xuất trái pháp luật diện tích 13.675m2 tại các lô 3,4,5 khoảnh III, Đại Lộc. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, đối chiếu với các quy định pháp luật, Hạt Kiểm lâm Phúc Yên cho rằng hành vi của ông Trần đã vượt quá khung xử phạt vi phạm hành chính, đã có dấu hiệu tội phạm, nhưng không hiểu bằng cách nào đó ông Trần vẫn không bị xử lý hình sự.  

Tháng 11/2018, em gái ông Trần là bà Dương Thị Thủy đã ngang nhiên xẻ diện tích 1.422m2 làm đường lâm nghiệp, tuy nhiên hành vi này chỉ bị xử phạt hành chính 1.500 nghìn đồng...

Những hành vi của ông Dương Văn Trần tiếp tục bị người dân xã Ngọc Thanh tố cáo.

Đầu năm 2020, Chi cục Kiểm lâm Vĩnh Phúc có văn bản đề nghị UBND thành phố Phúc Yên kiểm tra xử lý thông tin tố cáo ông Trần “đang cướp đất rừng của nhiều người dân và sau đó được cơ quan kiểm lâm bao che, chặt phá rừng tự nhiên, cho các loại máy ủi, máy xúc đào bới làm thay đổi hiện trạng rừng”.

Theo Chi cục Kiểm lâm Vĩnh Phúc, qua kết quả kiểm tra, xác minh ngày 6/4/2020 của Tổ xác minh thì người bị tố cáo là ông Dương Văn Trần đã có hành vi chặt, phát cây trên diện tích rừng là có cơ sở.

Ngày 24/4/2020, Hạt Kiểm lâm Phúc Yên có báo cáo về kết quả kiểm tra việc chặt phá cây rừng ở khu vực Đá Bia đối với ông Dương Văn Trần, trong đó thống kê diện tích bị chặt phá toàn bộ trên các lô là 2,62 ha. Hành vi chặt, phát cây rừng trên đất rừng phòng hộ là rừng tự nhiên của ông Dương Văn Trần đã vi phạm Luật Lâm nghiệp 2017.

Trao đổi với PV NNVN, ông Nguyễn Lâm Tới, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố Phúc Yên cho biết, hiện đích thân ông Tới đang thụ lý hồ sơ vụ việc, nếu có dấu hiệu hình sự sẽ chuyển cơ quan công an xử lý.

Trong nhiều biên bản làm việc, ông Dương Văn Trần thừa nhận các hành vi của mình và biện minh bằng việc thiếu nhận thức. Tuy nhiên, theo những gì người dân tố cáo, ông Dương Văn Trần đang làm nhiều cách để gom một diện tích lớn đất rừng trên địa bàn xã Ngọc Thanh. Với hàng loạt hành vi xâm phạm rừng phòng hộ của ông Trần, người dân kiến nghị cơ quan chức năng ở Vĩnh Phúc phải khẩn trương vào cuộc xử lý để ngăn chặn.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cần Thơ điều chỉnh, ban hành lại quy chế họp báo gây tranh cãi

Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ sẽ tham mưu UBND thành phố tiếp tục điều chỉnh một số nội dung trong quy chế họp báo và ban hành lại cho phù hợp.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm