| Hotline: 0983.970.780

An toàn cho trẻ tại chung cư, đừng chờ vào 'phép màu'

Thứ Sáu 02/07/2021 , 11:32 (GMT+7)

Sự việc đau lòng xảy ra tại Chung cư Vinaconex1, 289A Khuất Duy Tiến, Hà Nội đã một lần nữa cảnh báo về đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ tại các khu chung cư.

Chung cư Vinaconex1, 289A Khuất Duy Tiến, Hà Nội nơi sảy ra sự việc

Chung cư Vinaconex1, 289A Khuất Duy Tiến, Hà Nội nơi sảy ra sự việc

Đừng chểnh mảng ...

Vừa qua, một sự việc đau lòng đã xảy ra đã lấy đi tính mạng của một cháu bé 5 tuổi tại Chung cư Vinaconex1 - 289A Khuất Duy Tiến, Cầu Giấy, Hà Nội mà nguyên nhân chính là sự chủ quan lơ là của người lớn.

Theo báo cáo của Ban Quản lý Chung cư, khoảng 10h5, nhân viên kỹ thuật trong quá trình kiểm tra đã phát hiện một cháu bé 5 tuổi đi lạc tại thang bộ tầng 9 toà A1 chung cư Vinaconex1 (phường Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội).

Sau đó, nhân viên này đã đưa cháu bé xuống tầng 1 toà A1, tại đây lễ tân đã gọi điện cho bố cháu bé tại căn hộ trên tầng 11 xuống đón cháu lên nhà. Tuy nhiên đến 10h45 bố cháu bé lại để con ở tầng 11 để xuống tầng 6 họp với nhân viên. Đến khoảng 11h bố cháu bé chạy xuống tầng 1 hô hoán con bị rơi xuống sảnh văn phòng tầng 3 Công ty Trung Chinh.

Sự việc lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc đảm bảo an toàn tại các khu chung cư cao tầng và sự sát sao của gia đình trong việc trông coi trẻ nhỏ.

Trong thời gian qua, không ít những tai nạn thương tâm liên quan đến trẻ nhỏ tại các khu chung cư cao tầng gây không ít xôn xao trong dư luận cũng như ám ảnh đối với những người dân sinh sống tại các khu vực trên.

Trước đó, ngày 19/4/2021, một bé gái 3 tuổi đã bị rơi xuống từ tầng 24 của tòa nhà G, chung cư Xuân Mai Complex (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội) dẫn tới tử vong. Thời điểm xảy ra sự việc, trong căn hộ chỉ có mẹ và cháu bé, bố cháu đang đi công tác. Mẹ cháu bận làm việc ở ngoài và tưởng cháu ngủ trong phòng nên đã không hay biết sự việc. Cháu bị rơi từ tầng 24 khi trèo qua cửa sổ tại phòng ngủ.

Tối 31/3/2019, một bé trai 3 tuổi sống trong một chung cư ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã rơi xuống đất, thiệt mạng khi được cho là đã trèo qua ô thoáng nhà vệ sinh khi nhà khóa cửa, trong nhà không có người lớn... Nhiều người sống trong các chung cư chủ quan hoặc chưa kịp thích nghi với một không gian sống trên lầu cao.

Ngày 23/12/2018, một bé gái 5 tuổi tử vong tại chỗ khi rơi từ tầng 9 tại một chung cư ở Q.2, TP.HCM trong lúc mẹ đi làm, ông bà thì bận việc chưa về nhà kịp.

Ngày 01/01/2019, một bé trai người nước ngoài đã thiệt mạng sau khi rơi từ tầng cao xuống ban công lầu 8 một chung cư tại Q.4, TP.HCM.

Đâu phải lúc nào “phép màu” cũng xảy ra

Trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, tốc độ đô thị hóa đã khiến các tòa chung cư cao tầng mọc lên như “nấm” nhất là tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng… Các căn hộ trong các khu chung cư cao tầng cũng đã, đang được xem là xu hướng lựa chọn để ở của không ít người, nhất là các cặp vợ chồng trẻ, bởi giá cả hợp lý, cùng nhiều tiện ích sống hiện đại, thuận lợi, an ninh tốt…

Thế nhưng, việc sống tại chung cư còn tồn tại một băn khoăn không hề nhỏ, đó là sự an toàn, nhất là đối với các gia đình có trẻ nhỏ sinh sống tại các căn hộ ở trên các tầng cao.

Thực tế, thời gian qua, đã xảy ra khá nhiều các vụ trẻ em bị rơi, ngã từ các căn hộ chung cư cao tầng xuống đất dẫn đến hậu quả chủ yếu là tử vong. Nguyên nhân chính đều xuất phát từ khu vực cửa sổ, ban công hay logia phía cuối căn hộ, nơi không ít gia đình đã chủ quan trong việc gia cố, rào chắn cẩn thận, cùng với đó là việc lơ là trong khâu trông coi để trẻ tự ý chui, trèo qua lan can ở ban công, để rồi bị rơi ngã xuống đất.

Cuối tháng 2/2021, cả nước đã có một phen “kinh hoàng” khi chứng kiến những hình ảnh một cháu bé 3 tuổi trèo ra khỏi lan can và rơi từ tầng 12 của một khu chung cư tại quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội. Dù “phép màu” đã xảy ra, khi chàng trai Nguyễn Ngọc Mạnh đã kịp thời xuất hiện đón đỡ, bảo toàn tính mạng cho cháu. Tuy nhiên, đâu phải lúc nào “phép màu” cũng diễn ra, nhiều tai nạn đau lòng đối với trẻ nhỏ tại các khu chung cư đã cướp đi tính mạng của các cháu, để lại sự đau đớn “tột cùng” cho những người thân trong gia đình đặc biệt là những bậc làm cha, làm mẹ.

Hình ảnh cháu bé 3 tuổi trèo ra khỏi lan can tầng 12 vào ngày 28/2/2021.

Hình ảnh cháu bé 3 tuổi trèo ra khỏi lan can tầng 12 vào ngày 28/2/2021.

Theo Luật sư Lê Thị Dung, giám đốc Công ty Luật Siglaw, hiện nay, theo quy định của pháp luật hiện hành, khi thiết kế, xây dựng nhà cao tầng bắt buộc phải thực hiện nghiêm theo đúng quy chuẩn của Bộ Xây Dựng. Cụ thể là Quy chuẩn 04 (QCVN 04:2019/BXD) - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Nhà chung cư và Quy chuẩn 05 (QCXDVN 05:2008/BXD) về nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng và sức khỏe. Đây là 02 quy chuẩn bắt buộc về an toàn cho nhà chung cư; là văn bản pháp luật bắt buộc phải tuân thủ từ khâu thiết kế, thẩm định, thẩm tra, thi công, nghiệm thu... Tất cả các khâu này đều phải tuân thủ theo những quy định chi tiết kỹ thuật đã được nêu tại quy chuẩn.

Luật sư Dung trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Luật sư Dung trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Khi thiết kế, xây dựng các tòa nhà từ 9 tầng trở lên bắt buộc phải tuân theo quy chuẩn xây dựng. Theo đó, phần lan can ở ban công, logia, mái, giếng trời, các lỗ mở phải có lan can chắn với chiều cao từ 1,4m trở lên; vật liệu xây dựng phải bảo đảm tiêu chuẩn như khoảng giữa các thanh sắt không rộng quá 10cm, kính lắp đặt phải là kính chịu lực, không làm cầu nối cho trẻ dưới 5 tuổi đu, trèo qua lan can...

Ban công phải cao: Trong những lưu ý đặc biệt khi ở nhà chung cư, ban công là một trong những nơi cần được quan tâm nhất. Lan can ban công nhà cao tầng tối thiểu phải cao 1,1m lan can được làm thanh dọc, tuyệt đối không làm thanh ngang phòng trường hợp trẻ nghịch ngợm, thích leo trèo.

Bên cạnh đó, chiều cao cửa sổ trong mỗi căn hộ cao từ 1m trở lên tính từ mặt sàn lên bậu cửa sổ. Cửa sổ phải lắp đặt thêm chấn song hoặc lưới an toàn ở ban công. Các cạnh trống của sàn, ban công, lô gia, mái, giếng trời và các lỗ mở phải có thanh chắn có khả năng chịu được tác động của lực ngang và đảm bảo khe hở không đút lọt quả cầu có đường kính 100mm.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều gia đình sử dụng ban công làm nơi giặt giũ quần áo và nơi chứa đồ, với các vật dụng như máy giặt, xô chậu, thùng lau nhà, hộp chứa đồ... mà không chú ý tới hiểm họa có thể xảy ra nếu nhà có trẻ nhỏ. Thậm chí, nhiều nhà làm cả dây phơi tầm thấp đã vô tình tạo chỗ cho trẻ em leo trèo. Do đó, khi đặt đồ đạc ở khu vực này cần phải tính toán kỹ không tạo điều kiện cho trẻ em leo trèo tại khu vực này. Vì trẻ nhỏ hiếu động không nhận thức được nguy hiểm.

Mặt khác, để đảm bảo an toàn, các gia đình có trẻ nhỏ nên lắp đặt lưới bảo vệ an toàn để đảm bảo thẩm mỹ và tạo sự thông thoáng, đảm bảo sự tiện lợi trong trường hợp khẩn cấp có thể cắt bằng kìm. Đặc biệt, phải luôn kiểm tra độ căng siết của dây đảm bảo không để trẻ thò được đầu ra bên ngoài. Các cửa chính, cửa sổ cần phải có chốt khóa an toàn. Nên làm thêm khung bảo vệ cửa sổ để trẻ không thể leo ra ngoài, thêm lưới sắt chắn lan can, không kê giường, tủ, bàn ghế, đồ đạc cạnh cửa khiến trẻ có thể trèo lên cửa sổ.

Lưới an toàn một giải pháp hữu hiệu để đảm bảo an toàn, nhưng cũng cần thường xuyên kiểm tra về độ căng, siết đảm bảo không cho trẻ thò được đầu ra ngoài.

Lưới an toàn một giải pháp hữu hiệu để đảm bảo an toàn, nhưng cũng cần thường xuyên kiểm tra về độ căng, siết đảm bảo không cho trẻ thò được đầu ra ngoài.

Đặc biệt, hạn chế không để trẻ ở nhà một mình vì tâm lý hoảng sợ mà tìm cách leo trèo ra bên ngoài. Bởi trẻ nhỏ, nhất là ở lứa tuổi mẫu giáo chưa ý thức được nguy hiểm, cần luôn có người lớn bên cạnh, đôi khi chỉ một sơ sảy nhỏ cũng khiến người lớn ân hận cả đời.

Ngoài ra, nhiều gia đình thường xuyên bế trẻ ra ban công ăn uống, đứng chơi. Điều này dễ hình thành thói quen cho trẻ, không ý thức được sự nguy hiểm khi ở vị trí cao. Bên cạnh đó, trẻ nhỏ hiếu động, chúng thường khám phá ra những khu vực mới mẻ nhưng lại đầy nguy hiểm như sân thượng, thang máy hay hầm. Những khu vực này thường không có rào chắn hoặc tường bao rất thấp, không thường xuyên có người ra vào thường xuyên, đôi khi không có rào chắn hoặc tường bao rất thấp, nếu gia đình không để ý rất có thể xảy ra tai nạn.

Để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc, bên cạnh việc triển khai các biện pháp an toàn trong căn hộ, cha mẹ cần dạy trẻ kỹ năng sống tại các khu nhà cao tầng. Với trẻ từ 0 – 6 tuổi, do chưa thể dạy chúng kỹ năng thoát hiểm nên phụ huynh phải thường xuyên để mắt đến trẻ nhỏ; tuyệt đối không để trẻ ở nhà một mình vì điều này dễ khiến trẻ hoảng sợ, lo lắng và hay tìm cách thoát ra ngoài tìm người thân…

Con trẻ là cuộc sống, là tương lai của cha mẹ và mỗi gia đình. Hãy vì sự an toàn của con mình, cha mẹ cần quan tâm nhiều hơn nữa để tránh những nguy hiểm luôn rình rập, trong đó cần lường trước các hiểm họa có thể xảy ra ở các khu chung cư/nhà cao tầng. Có như vậy mới hạn chế được những sự việc đáng tiếc, đau lòng có thể xảy ra.

Xem thêm
Cặp vợ chồng tử vong trong khi đốt nương làm rẫy

Quá trình đốt nương để lấy đất canh tác, thấy lửa cháy lan 2 vợ chồng cố gắng dập lửa. Song không may, cả 2 đã tử vong trong đám cháy.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.