| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao chất lượng, phát triển bền vững

An toàn mới chinh phục được người tiêu dùng

Thứ Sáu 23/09/2022 , 16:03 (GMT+7)

Khép kín từ khâu sản xuất chế biến, cung ứng ra thị trường tạo ra sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn chất lượng, bảo vệ người tiêu dùng, tăng giá trị kinh tế.

Vùng trồng rau má của Quảng Thanh tại huyện Củ Chi.

Vùng trồng rau má của Quảng Thanh tại huyện Củ Chi.

Quy trình chuẩn, kiểm soát chặt

Bà Nguyễn Ngọc Hương, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Quảng Thanh (huyện Củ Chi, TP.HCM) cho biết, rau má có nhiều công dụng quý được ông bà ta dùng từ bao đời nay, tuy nhiên nếu mua từ chợ về thì không rõ nguồn gốc, và chưa chắc đã đảm bảo an toàn, đặc biệt đối với các bà nội trợ thời nay bận bịu thì việc chọn, nhặt lá, say để có một ly nước rau má quả là “mất thời gian của họ”. Vì vậy, để giúp tất cả mọi người có thể bổ sung dinh dưỡng từ những loại rau thân thuộc của Việt Nam, Quảng Thanh đã cho ra đời nhiều dòng sản phẩm bột rau sấy lạnh.

Để chủ động nguồn cung, Quảng Thanh đã mở rộng quy mô từ 300m2 lên 3.000m2 để tạo ra những sản phẩm nông sản sạch, trồng theo hướng sinh học, giảm tối đa tác động hóa học khi canh tác, có thể sử dụng thay thế hoàn toàn rau tươi… Đây là lợi thế khác biệt của những sản phẩm bột rau sấu lạnh như bột rau má, bột rau tía tô, cần tây, diếp cá, trà xanh… của Quảng Thanh.

Thế nhưng, để tạo ra những sản phẩm khác biệt so với những sản phẩm cùng loại, không phải là điều đơn giản. Trong quá trình trồng và chăm sóc rau, dùng bẫy sinh học, đèn bắt bướm thay cho việc sử dụng thuốc trừ sâu. Rau sau thu hoạch, lá tươi phải được nhặt kỹ, rửa sạch trong vòng 6 giờ, sau đó, chuyển sang quy trình sấy lạnh bằng máy ở nhiệt độ thấp từ 15-20 độ C trong vòng 24 - 36 giờ.

Để cho ra quy trình công nghệ riêng bằng phương pháp sấy lạnh và nghiền nhiệt thấp, chị Hương và cộng sự tìm tòi, học hỏi từ những công nghệ sản xuất tiên tiến nhất trên thế giới, từ cách làm trà của người Nhật, đến công nghệ sấy của châu Âu... để khi sấy vẫn giữ được trọn vẹn hương vị gốc và hàm lượng dinh dưỡng như rau tươi.

“Nếu sấy chưa tới, thì rau chưa đạt chuẩn về độ ẩm để chuyển qua khâu nghiền và sẽ có rủi ro trong quá trình sử dụng, lưu thông vì rau dễ bị ẩm mốc, không kiểm soát được yếu tố vi sinh, gây hại cho người tiêu dùng. Còn nếu sấy quá thời gian hay áp suất, thì rau sẽ không đạt chất lượng, phải đổ bỏ. Đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm, an toàn cho người tiêu dùng là điều cốt lõi và tiêu chí mà bất cứ người sản xuất nào cũng đặt lên hàng đầu”, Hương nói.

Theo Hương, để có thể đưa nông sản Việt ra thế giới, điều đầu tiên là phải có được sản phẩm nông sản chất lượng tốt, chuẩn quy trình tiêu chuẩn ngay từ ban đầu để không chỉ phục vụ người tiêu dùng trong nước mà cả người tiêu dùng trên khắp thế giới.

Đến nay, bột rau sấy lạnh của Quảng Thanh đạt đầy đủ các chứng nhận cấp quốc gia như sản phẩm OCOP 4 sao (đối với sản phẩm bột rau má, diếp cá, tía tô, chùm ngây, lá sen) và sản phẩm rau má uống liền Orama có đường đang được đề cử là sản phẩm OCOP cấp quốc gia 5 sao, ISO 22:000 -2018 và nhiều chứng nhận quốc tế như chứng nhận FDA (xuất qua Mỹ), HACCP-Codex (xuất châu Âu). Hiện các sản phẩm của đơn vị này đã chính thức phủ khắp các hệ thống siêu thị của Sài Gòn Co.op và xuất khẩu xuất khẩu chính ngạch một số quốc gia như toàn châu Âu, Hoa Kỳ, Ấn Độ…

GC Food

Mỗi năm GC Food cung ứng 35.000 tấn thành phẩm nha đam ra thị trường bằng quy trình kiểm soát chất lượng chặt, đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm.

Mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn

Công ty CP Thực phẩm G.C (GC Food) có 4 công ty thành viên chuyên sản xuất, chế biến và xuất khẩu nhiều loại nông sản, trong đó nhiều nhất là nha đam và thạch dừa. G.C Food có nhà máy chế biến nha đam và thạch dừa hiện đại lớn nhất Việt Nam với công suất khoảng 15.000 tấn thạch dừa và 35.000 tấn thành phẩm nha đam/năm và đã xuất khẩu trên 20 quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, G.C cũng sản xuất và cung cấp nhiều loại nông sản đặc trưng tại vùng đất Ninh Thuận như nho, táo, dưa lưới, ổi…

Ninh Thuận là nơi được GC Food chọn đề đầu tư thành lập Công ty CP thực phẩm Cánh Đồng Việt, phát triển nhiều loại cây trồng sản xuất theo hướng hữu cơ với quy mô 200 ha trồng các loại như nho, táo, dưa lưới, ổi, rau ăn lá… và nhiều nhất là nha đam, gần như tất cả đều đạt chuẩn Global GAP.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, từ nay đến cuối năm siết lại công tác bảo đảm ATTP, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Bộ NN-PTNT và Bộ Y tế siết lại hệ thống thông tin an toàn thực phẩm đúng theo tinh thần của Luật ATTP "quản lý theo chiều dọc" để người dân nhận diện được các địa chỉ ATTP.

Phó Thủ tướng giao các Bộ ngành liên quan tập trung tháo gỡ vướng mắc về thẩm quyền thanh tra, kiểm tra; nghiên cứu cơ chế huy động doanh nghiệp tham gia một số khâu, bước trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm ATTP.

Tại đây, GC Food ứng dụng mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, sử dụng toàn bộ phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho đàn vật nuôi  như bò, cừu, heo, gà... Tận dụng những diện tích đất trồng bạc màu, không phù hợp trồng các loại cây trồng chính để trồng cỏ, trồng bắp làm nguồn thức ăn xanh phục vụ chăn nuôi. Chất thải tại trang trại chăn nuôi tiếp tục được sử dụng để ủ hoai và làm thức ăn nuôi trùn quế.

Sau đó, nhờ ứng dụng công nghệ tiếp tục chuyển hóa thành phân hữu cơ vi sinh giàu dinh dưỡng dùng làm phân bón rất có lợi cho cây trồng và cải tạo đất, bảo vệ hệ sinh thái và con người.  Ngoài ra, lượng trùn thịt được thu hoạch và chế biến làm thức ăn giàu đạm cho vật nuôi (heo, cá, gà…).

Ngoài ra, trang trại này cũng đã nghiên cứu sản xuất ra một loại phân bón hữu cơ vi sinh dạng lỏng chế biến từ vỏ nha đam tốt cho cây trồng, giàu vi lượng, vi sinh vật có lợi và có tác dụng kháng bệnh. Vừa xử lý vỏ lá nha đam từ nhà máy kết hợp với lượng phân bò sẵn có tại trang trại để ủ hoai và phục vụ ngược trở lại cho trang trại.

Đặc biệt, tự chủ được nguồn vi sinh vật bản địa để khử mùi cũng như bổ sung dinh dưỡng vào các đống phân ủ hoai này. Phân bò ủ với vỏ lá nha đam giúp cây trồng phát triển bộ rễ, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng hữu cơ giúp cải tạo đất, làm đất tơi xốp…

Hiện trang trại đang sử dụng 2 loại phân hữu cơ chủ lực là phân bò nha đam ủ hoai để cung cấp cho các loại cây trồng như táo, ổi, nho và phân trùn quế cung cấp cho dưa lưới.  Sản lượng phân bón hữu cơ tại trang trại mỗi năm có thể đạt 500-1000 tấn. Từ đó, làm gia tăng chất lượng, mùi vị khác biệt cho nông sản như nho, táo, ổi, dưa lưới, rau màu so với sản phẩm cùng loại trên thị trường, cũng như tăng sản lượng, mang lại giá trị kinh tế cao, được người tiêu dùng đón nhận.

GC

Dưa lưới của GC Food đạt tiêu chuẩn Global G.A.P.

“Một vòng tuần hoàn khép kín từ nhà máy đến Farm, mục tiêu không tạo ra chất thải trong sản xuất nông nghiệp. Đó là giá trị mà mô hình nông nghiệp tuần hoàn mà chúng tôi đang áp dụng, không chỉ giúp tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, có lợi cho người tiêu dùng mà quan trọng là góp phần giảm thiểu tác động đến môi trường, tạo ra được sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng an toàn, phát triển bền vững giúp người nông dân sống tốt trên chính vùng đất của mình nhờ vào sản xuất nông nghiệp”, ông  Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Thực phẩm G.C nói.

Cũng theo ông Thứ, mục tiêu trong thời gian tới của GC Food là sẽ tiếp tục sản xuất ra những sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng với tỷ trọng phần trăm cao hơn và những sản phẩm đó phải có sự tiện lợi được sản xuất hàng loạt với số lượng lớn để giảm giá thành. Bên cạnh đó sản phẩm phải kết hợp với các yếu tố kỹ thuật như bao bì nhãn mác, phương pháp bảo quản, vận chuyển, lưu kho, xuất kho và phương pháp bán hàng để đảm bảo người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm với chất lượng tốt nhất nhưng giá cả phải chăng. Thông qua đó sẽ nâng tầm thương hiệu công ty, chất lượng sản phẩm và chất lượng dịch vụ. Từ đó, cùng một nguyên liệu ban đầu nhưng lợi ích thu về sẽ lớn hơn, giúp tăng thu nhập của người lao động và tăng giá mua nguyên liệu của người nông dân.

Theo Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về An toàn thực phẩm (ATTP), công tác quản lý ATTP thời gian qua đã thực hiện chuyển đổi mạnh sang quản lý rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Bộ NN-PTNT cùng các địa phương đã tích cực thúc đẩy các vùng chuyên canh, sản xuất thực phẩm an toàn gắn với xây dựng bản đồ sản xuất nông sản thực phẩm an toàn và đăng ký chỉ dẫn địa lý sản phẩm… Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn không ít bất cập, nhất là xuất phát từ việc còn tồn tại số lượng rất lớn các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ. Việc sản xuất nông sản thực phẩm còn manh mún nhỏ lẻ, chưa nhiều sản phẩm được áp dụng công nghệ cao trong sản xuất.

Ban chỉ đạo cho rằng, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp cần tiếp tục triển khai xây dựng và phát triển mô hình chuỗi về sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát ATTP ngay từ các yếu tố đầu vào và liên kết sản xuất với tiêu thụ, phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn trên toàn quốc, đảm bảo nguồn cung thực phẩm chất lượng, an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Nguyễn Thủy - Minh Sáng

(Bài viết có sự phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản)

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.