| Hotline: 0983.970.780

Mỗi năm có khoảng 1.000 thay đổi về các biện pháp an toàn thực phẩm

Chủ Nhật 05/06/2022 , 07:55 (GMT+7)

Thị trường EU, Trung Quốc liên tục ra các quy định mới khiến doanh nghiệp xuất khẩu nông sản gặp khó khăn. Do vậy, Văn phòng SPS đã thực hiện các biện pháp hỗ trợ.

Biện pháp SPS thay đổi liên tục

Tiến sĩ Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, 15 năm qua, Việt Nam đã có nhiều thay đổi, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản qua các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, đặc biệt là qua thị trường Trung Quốc.

Trong khoảng 3 năm gần đây, các yêu cầu, quy định về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh cũng như quy định về xuất xứ nguồn gốc, bao bì, nhãn mác, quy định về chất lượng sản phẩm luôn được quan tâm và quản lý chặt chẽ.

Văn phòng SPS Việt Nam tổ chức tập huấn, tham quan mô hình rau thủy canh xuất khẩu của Công ty Trang trại Trường Phúc (tại huyện Lạc Dương, Lâm Đồng). Ảnh: Minh Hậu.

Văn phòng SPS Việt Nam tổ chức tập huấn, tham quan mô hình rau thủy canh xuất khẩu của Công ty Trang trại Trường Phúc (tại huyện Lạc Dương, Lâm Đồng). Ảnh: Minh Hậu.

"Theo thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam, hàng năm, các quốc gia thành viên WTO công bố khoảng 1.000 thay đổi về các biện pháp an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh (SPS). Tức là trung bình 1 tháng, Văn phòng nhận 100 thông tin về những thay đổi này. Do vậy, khi chúng ta sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường thì cần phải nắm được tín hiệu của thị trường, phải biết họ thay đổi cái gì. Đây là điều rất quan trọng", Tiến sĩ Nam cho biết.

Về thị trường Trung Quốc, ông Nam cho biết, đây là thị trường 1,4 tỷ dân và nhiều nước trên thế giới quan tâm đến thị trường này. Minh chứng cho thấy, Trung Quốc đã phê duyệt cho hơn 200 quốc gia trên thế giới với trên 60 nghìn doanh nghiệp xuất khẩu nông sản vào thị trường này. Trong đó Việt Nam cũng đã được Trung Quốc phê duyệt 2,1 nghìn mã sản phẩm tương đương trên 2 nghìn doanh nghiệp.

Là doanh nghiệp xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc, bà Đỗ Kiều Vân, Giám đốc Công ty TNHH Nghiệp Xuân (Gia Nghĩa, Đăk Nông) cho biết, doanh nghiệp xuất khẩu chanh dây và sầu riêng qua thị trường này. Tuy nhiên 2 năm gần đây không thể xuất khẩu được sầu riêng do đường tiểu ngạch đóng cửa.

Bà Đỗ Kiều Vân nói: "Đối với sầu riêng thì cần sử dụng thuốc Thái để ủ, tuy nhiên Việt Nam chưa có danh mục nào cụ thể để áp dụng cho loại thuốc này. Vậy chúng tôi rất cần thông tin về quy trình khử độc và danh mục các loại thuốc được sử dụng để chúng tôi có thể báo cáo và làm việc với đối tác nước ngoài".

Văn phòng SPS Việt Nam tổ chức Hội nghị phổ biến các quy định và cam kết về SPS trong EVFTA vào ngày 2/6 tại tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Minh Hậu.

Văn phòng SPS Việt Nam tổ chức Hội nghị phổ biến các quy định và cam kết về SPS trong EVFTA vào ngày 2/6 tại tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Minh Hậu.

Về vấn đề nắm thông tin thị trường, ông Tô Quang Dũng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Trang trại Trường Phúc (Đà Lạt, Lâm Đồng) cho biết, những năm qua, doanh nghiệp tập trung sản xuất rau thủy canh công nghệ cao và xuất khẩu sang Hàn Quốc. Hiện nay, công ty này đang tìm kiếm các cơ hội để thâm nhập vào thị trường Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc và các quốc gia khác.

"Thị trường thay đổi liên tục và chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các thông tin. Trước đây, để đưa sản phẩm vào thị trường Hàn Quốc, chúng tôi mất rất nhiều thời gian và phải thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau", ông Tô Quang Dũng nói và cho biết thêm, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ Văn phòng SPS Việt Nam để nắm bắt thông tin và sớm mở rộng thị trường trong thời gian tới.

Trong khi đó, theo ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, thực trạng tỉnh Bình Thuận sản xuất và tiêu thụ thanh long còn nhiều vấn đề, đặc biệt là cập nhật thông tin, tiếp cận thị trường.

Ông Tấn cho hay: "Nông sản có nhiều cơ hội ở thị trường Trung Quốc, thị trường EU song những thị trường này ngày càng có nhiều quy định, ngày càng siết chặt về an toàn thực phẩm và vấn đề khác. Do vậy, thời gian tới rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cần tổ chức lại sản xuất để đáp ứng yêu cầu thị trường".

Cung cấp thông tin chính thức, hỗ trợ doanh nghiệp

Theo lãnh đạo Văn phòng SPS Việt Nam, vấn đề hiện nay là người sản xuất, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, các quy định sản xuất của các thị trường.

Để giải quyết vấn đề này, Văn phòng SPS Việt Nam đã cùng với các diễn giả, chuyên gia, các viện nghiên cứu… cập nhật và cung cấp thông tin. Các vướng mắc của doanh nghiệp như tổ chức sản xuất, nhà xưởng, trang trại, in mã sản phẩm… theo các quy định cũng đã được Văn phòng SPS Việt Nam cập nhật và phổ biến.

Tiến sĩ Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam sử dụng rau sạch ngay tại vườn ở trang trại rau thủy canh Công ty TNHH Trang trại Trường Phúc (Lâm Đồng). Ảnh: Minh Hậu.

Tiến sĩ Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam sử dụng rau sạch ngay tại vườn ở trang trại rau thủy canh Công ty TNHH Trang trại Trường Phúc (Lâm Đồng). Ảnh: Minh Hậu.

Đối với các vấn đề về mã số vùng trồng, thuốc bảo vệ thực vật, Văn phòng SPS cũng ghi nhận thông tin từ người sản xuất, doanh nghiệp và làm việc với các cơ quan chức năng, trao đổi với cơ quan quản lý nước ngoài để có thông tin và giải đáp cho người sản xuất, doanh nghiệp.

Tiến sĩ Ngô Xuân Nam cho biết, Văn phòng SPS Việt Nam kiến nghị các doanh nghiệp cần nắm các thông tin về biện pháp an toàn thực phẩm, dịch bệnh động thực vật của thị trường từ thông tin chính thức.

Hiện nay, các biện pháp SPS là bắt buộc và chỉ có cơ quan nhà nước đi đàm phán mới là cơ quan cung cấp thông tin chính thức.

Theo quy định của WTO, mỗi quốc gia khi vào WTO sẽ phải thành lập cơ quan đầu mối thông tin SPS mà Việt Nam là Văn phòng SPS Việt Nam. Do vậy các doanh nghiệp phải lưu ý để tiếp nhận thông tin.

"Trong tháng 6 này, chúng tôi sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao năng lực thực thi các hiệp định thương mại tự do, trong đó có nội dung là xây dựng cổng thông tin SPS và kiện toàn hệ thống SPS của cả nước. Khi đó, các thông tin sẽ được kết nối đến các địa phương. Đây là sự đổi mới để cập nhật thông tin thị trường", Tiến sĩ Ngô Xuân Nam nói.

Thạc sĩ Trần Thùy Dung, Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN-PTNT) nêu khuyến nghị, các bên liên quan cần cập nhật kiến thức về các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nắm bắt và tận dụng được các lợi thế về mặt phi thuế quan, đặc biệt là hiểu biết về các biện pháp vệ sinh, an toàn thực phẩm kiểm dịch động vật (SPS). Cần đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, tập trung vào chất lượng và đáp ứng được các tiêu chuẩn đặt ra của các tổ chức quốc tế liên quan như: Mã số vùng trồng, bảo hộ chỉ dẫn địa lý; bao bì, nhãn mác; công nghệ xử lý, chế biến nông sản và quy trình kiểm dịch.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chỉ ra sai phạm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi của tỉnh.