| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao chất lượng, phát triển bền vững

Kiến nghị lập Sở An toàn thực phẩm sau 6 năm thí điểm mô hình

Thứ Sáu 15/07/2022 , 13:28 (GMT+7)

Sáng 15/7, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết 6 năm thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Xử phạt hơn 7.200 cơ sở vi phạm ATTP trong 6 năm

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm (BQL ATTP) TP.HCM cho biết, mô hình thí điểm BQL ATTP TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ cho phép quyết định thành lập ngày 5/12/2016, lấy lực lượng chính từ 3 Sở gồm Y tế, NN-PTNT và Công thương. “Từ 468 nhân sự ban đầu, Ban ATTP đã xây dựng lực lượng thành mô hình trong 6 năm qua. Ngoài các bộ phận chuyên môn còn có lực lượng tập trung cho công tác thanh tra ở tuyến quận, huyện, đội ngũ thanh tra này tăng cường chuyên môn cho quận, huyện. Các đội quản lý ATTP là cánh tay nối dài của Ban trong việc giám sát, xử lý, phòng ngừa các nguy cơ về ATTP; lấy mẫu, tập huấn kiến thức ATTP”, bà Phong Lan cho hay.

Với mô hình thí điểm thống nhất một đầu mối, nhằm mục tiêu bảo đảm ATTP cho người dân TP.HCM, BQL ATTP TP.HCM đã xây dựng và triển khai kế hoạch hành động tập trung nâng cao nhận thức về bảo đảm ATTP cho cộng đồng và người hành nghề. Đồng thời, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong công tác cấp phép ATTP.

Với phương châm “xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn”, bước đầu BQL ATTP đã hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra. Đặc biệt, xây thực phẩm sạch trong cả hai khâu sản xuất, kinh doanh phân phối, phát triển chuỗi thực phẩm an toàn liên kết giữa TP.HCM và các tỉnh, thành dựa theo tiêu chí thực phẩm sạch của ngành nông nghiệp như GlobalGAP, VietGAP, ISO, HACCP….

Bên cạnh đó, đề án truy xuất, nhận diện nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm và trứng gia cầm cũng được đẩy mạnh triển khai tại hàng ngàn trang trại chăn nuôi. Cải thiện hệ thống phân phối cho cả hệ thống siêu thị hiện đại, chợ truyền thống, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, xây dựng mô hình thí điểm chợ thực phẩm an toàn… "Ban đã ký kết với Sở NN-PTNT 15 tỉnh/Thành phố có sản phẩm đưa về TP.HCM tiêu thụ với số lượng lớn. Việc ký kết góp phần khẳng định mục tiêu xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn giữa các tỉnh và TP.HCM được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác…) đến cơ sở sơ chế/giết mổ, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông sản và truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ", bà Lan cho hay.

Công tác chống thực phẩm bẩn luôn được tăng cường hậu kiểm, thanh tra thông qua việc triển khai mô hình các Đội quản lý ATTP tại chợ đầu mối và các quận - huyện. Trong 6 năm, đã thanh kiểm tra gần 327.554 cơ sở, phát hiện gần 36.953 cơ sở vi phạm (tỷ lệ 11,3%). Qua đó, xử phạt 7.225 cơ sở với tổng số tiền phạt gần 153,1 tỷ đồng, mức phạt trung bình 21,18 triệu đồng/cơ sở, gấp hơn 4 lần so với trước đây khi chưa thành lập ban.

Phòng chống ngộ độc thực phẩm thông qua việc tăng cường giám sát chất lượng, triển khai các kế hoạch bảo đảm ATTP tại các bếp ăn tập thể, suất ăn sẵn cho trường học, bệnh viện, công ty, thức ăn đường phố, lễ hội, sự kiện... Trong 6 năm qua, trên địa bàn TP.HCM xảy ra 12 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 185 người mắc và 7 người tử vong. So sánh với giai đoạn trước khi thành lập BQL ATTP (2014 - 2016) cho thấy, số vụ ngộ độc giai đoạn 2017 - 2022 giảm 10 vụ (55,6% số vụ), số người mắc giảm 8 lần so với giai đoạn 2014 – 2016.

Mặt khác, BQL ATTP TP.HCM tăng cường tập huấn, nhận thức, đào tạo cho cả hệ thống, những nơi có nguy cơ ngộ độc cao như nhà hàng, công ty, trường học; nâng cao nhận thức cho cán bộ phụ trách, quản lý bằng tập huấn, truyền thông.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Thực phẩm chưa an toàn tuyệt đối nhưng đã an toàn hơn

Theo bà Lan, qua 6 năm thí điểm, thực phẩm trên địa bàn TP.HCM chưa an toàn tuyệt đối nhưng chắc chắn đã an toàn hơn. Có nhiều tiêu chí chứng minh thực phẩm trên địa bàn TP.HCM đã an toàn hơn như số vụ ngộ độc thực phẩm giảm dần so với trước đây. Tỷ lệ lấy mẫu xét nghiệm tăng hơn trước nhưng con số vi phạm đang ngày càng giảm, chứng tỏ thực phẩm đã an toàn hơn và ý thức của người sản xuất, kinh doanh đã tốt hơn trước.

Bà Lan cũng cho hay, Ban hoạt động như một Sở, nhưng bị vướng về mặt pháp lý. Các cơ chế và quy định pháp luật trong một số trường hợp không có hướng dẫn cụ thể nên còn nhiều lúng túng trong thực tế. Ví dụ như chỉ thực hiện thanh tra chuyên ngành, mọi hoạt động đều phụ thuộc vào kế hoạch và quyết định thanh tra của trưởng ban, không chủ động như thanh tra sở…. Ban đề xuất cần có sự thay đổi phù hợp với tình hình thực tế, cho phép chính thức hóa mô hình thí điểm, thành lập Sở An toàn thực phẩm.

“Việc thành lập Ban không phải là “cây đũa thần” để giải quyết mọi vấn đề, nhưng ít ra nó đã thống nhất lực lượng để triển khai tốt nhiệm vụ. Chính sách có hay đến mấy, nhưng khi triển khai nhiệm vụ, nếu các lực lượng manh mún lẻ tẻ, khó phối hợp với nhau thì rất khó. Chúng ta đã có chính sách thử nghiệm rồi, thời gian thí điểm rồi, những kinh nghiệm chúng ta tích lũy được cho thấy là đã đến lúc chính thức mô hình này”, bà Lan nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, ATTP luôn là vấn đề quan trọng được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm, đặc biệt với một đô thị lớn như TP.HCM - nơi tiêu thụ và cũng là trung tâm luân chuyển lớn thực phẩm hàng ngày, thì việc đảm bảo ATTP là một trong những nội dung được quan tâm hàng đầu.

Ban Quản lý ATTP TP.HCM tổ chức nhiều đợt kiểm tra đột xuất tại 3 chợ đầu mối trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ban Quản lý ATTP TP.HCM tổ chức nhiều đợt kiểm tra đột xuất tại 3 chợ đầu mối trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

“Sau 6 năm thí điểm có thể thấy, việc quản lý nhà nước tập trung hơn, không phát sinh thêm biên chế, công tác quản lý đã trở nên hiệu quả hơn, thể hiện qua số vi phạm ATTP giảm cả về số lượng và mức độ. Đây là minh chứng cho mô hình thí điểm này, cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra”, ông Đức nói.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đề nghị lãnh đạo BQL ATTP TP.HCM tiếp tục xây dựng hoàn thiện đề án thành lập Sở ATTP, lắng nghe tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của Ban ngành TW, chuyên gia, người dân để xây dựng kế hoạch nâng cấp BQL ATTP để thuyết phục các cơ quan hữu quan về sự cần thiết, hợp lý công tác của Sở chuyên ngành quản lý về ATTP. Song song đó, tiếp tục duy trì ngày một hiệu quả hơn, chuyên nghiệp hơn đảm bảo ATTP trên địa bàn TP.HCM ngày càng tốt hơn.

Dịp này, UBND TP.HCM trao quyết định khen thưởng cho 50 tập thể và 42 cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp tích cực trong thời gian thí điểm BQL ATTP TP.HCM.

UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chính thức hóa mô hình thí điểm, thành lập Sở An toàn thực phẩm. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập cơ quan thanh tra về ATTP để thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật. Thành lập mạng lưới các Đội quản lý ATTP liên quận - huyện, chợ đầu mối trực thuộc Sở ATTP, có chức năng tham mưu, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, giám sát an toàn thực phẩm, thanh kiểm tra xử lý vi phạm.

Đây sẽ là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.HCM có chức năng tham mưu, giúp UBND TP.HCM thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn TP.HCM. Qua đó, nhanh chóng ngăn chặn, giải quyết dứt điểm, căn cơ tình trạng không đảm bảo ATTP trên địa bàn TP.HCM, khắc phục các bất cập, tồn tại, rào cản trong hoạt động phối hợp liên ngành.  

Nguyễn Thủy

(Bài viết có sự phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản)

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Công nghệ dinh dưỡng Vinco Roots bồi bổ cho đất

ĐBSCL Vinco giới thiệu dòng sản phẩm hữu cơ sinh học Vinco Roots, bổ sung vi lượng giúp cây khỏe và đang chứng minh hiệu quả trên các cánh đồng lúa chất lượng cao tại ĐBSCL.