| Hotline: 0983.970.780

Áp thấp nhiệt đới không mạnh thành bão, giảm xuống cấp 6 khi đi vào bờ

Thứ Ba 26/10/2021 , 10:21 (GMT+7)

Do ảnh hưởng của không khí lạnh nên áp thấp nhiệt đới sẽ tiếp tục giảm xuống cấp 6 khi đi vào bờ, sau đó suy yếu dần thành áp thấp.

Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ ngày 26/10. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ ngày 26/10. Ảnh: Phạm Hiếu.

Áp thấp nhiệt đới giảm xuống cấp 6 khi đi vào bờ

Ngày 26/10, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ.

Thông tin tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết, hồi 7 giờ ngày 26/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách Khánh Hòa khoảng 300km, cách Ninh Thuận khoảng 280km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.

“Dự báo trong 6-12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới duy trì cường độ cấp 7 giật cấp 9. Do ảnh hưởng của không khí lạnh nên áp thấp nhiệt đới sẽ tiếp tục giảm xuống cấp 6 khi đi vào bờ, sau đó suy yếu dần thành áp thấp”, ông Mai Văn Khiêm cho hay.

Cũng theo đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 27-30/10, khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ có mưa to, có nơi mưa rất to do ảnh hưởng của không khí lạnh và nhiễu động gió Đông. Lượng mưa phổ biến từ 200-350mm, có nơi trên 400mm.

Từ ngày 26/10 đến hết ngày 27/10, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ có mưa to đến rất to.

Cụ thể, từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi, Bình Thuận, Bắc Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ có lượng mưa dự báo từ 100-200mm, có nơi trên 200mm. Từ Bình Định đến Ninh Thuận và Nam Tây Nguyên là 150-250mm, có nơi trên 300mm.

“Do đó, một số khu vực đã và đang còn ngập ở Quảng Nam và Quảng Ngãi sẽ có nguy cơ ngập úng, lũ quét và sạt lở là rất cao. Mưa lớn cùng gió giật mạnh cũng sẽ gây nguy cơ mất an toàn cao đối với các hồ chứa, các khu công nghiệp khai thác khoáng sản lớn ở Tây Nguyên và các lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản ở Phú Yên, Khánh Hòa”, ông Mai Văn Khiêm nhận định.

Áp thấp nhiệt đới sẽ giảm xuống cấp 6 khi đi vào bờ. Ảnh: TTDBKTTVQG.

Áp thấp nhiệt đới sẽ giảm xuống cấp 6 khi đi vào bờ. Ảnh: TTDBKTTVQG.

Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, tính đến 6 giờ ngày 26/10, gần 50.000 tàu với hơn 261.000 người đã được hướng dẫn về nơi tránh trú an toàn.

Theo báo cáo của các địa phương, trong ngày 25/10 đã có thêm 3 người bị thương do sạt lở núi tại TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Trước đó, đợt mưa lũ vừa qua đã làm 2 người chết và 3 người mất tích.

Động viên bà con, nếu cần vẫn phải tiếp tục di dân

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, nhận định: “Năm nay tình hình thiên tai không quá khốc liệt như những năm trước. Tuy nhiên, vẫn không được chủ quan vì theo dự báo dài hạn của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến cuối năm sẽ có thêm 1-2 cơn bão ảnh hưởng đến nước ta”.

Tuy cơn áp thấp nhiệt đới này được nhận định sẽ không mạnh lên thành bão nhưng các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi sẽ tiếp tục có mưa làm cho tâm lý người dân rất mệt mỏi do phải di dời nhiều lần. Theo đó, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương tiếp tục động viên bà con, nếu có lệnh cần tiếp tục di dân, không được mất tinh thần và buông xuôi.

Đồng thời, Thứ trưởng yêu cầu các địa phương theo dõi các tàu thuyền, không nhất thiết phải vào khu tránh trú mà chỉ cần di chuyển ra khỏi vùng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trên biển.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương tiếp tục động viên bà con, nếu có lệnh cần tiếp tục di dân, không được mất tinh thần và buông xuôi. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương tiếp tục động viên bà con, nếu có lệnh cần tiếp tục di dân, không được mất tinh thần và buông xuôi. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, hồ chứa là vấn đề quan trọng cần đặc biệt quan tâm thời điểm hiện tại. Hiện nay các hồ chứa tại khu vực Bắc Trung bộ đã tích nước trên 85%, khu vực Nam Trung bộ là 90% tuy nhiên các hồ chứa từ Ninh Thuận đến Phú Yên mới chỉ tích 35-40% lượng nước.

Qua đó Thứ trưởng đề nghị những địa phương này chủ động tích nhiều nước nhất có thể để chuẩn bị cho mùa khô. Nếu các hồ vẫn chỉ duy trì được ở mức nước thấp thì khu vực này sẽ xảy ra một đợt hạn hán lớn sắp tới.

Ngoài ra, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng bày tỏ quan ngại về vấn đề sạt tại khu vực miền núi Quảng Nam, Quảng Ngãi và khu vực Nam Tây Nguyên.

“Đề nghị các địa phương quan tâm để ứng phó với sạt lở. Các điểm đã được nhận định có khả năng sạt lở, các địa phương cần cắt cử người canh chừng để cảnh báo cho người dân trong 3 ngày tới”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Về vấn đề giao thông, tại các điểm sạt trượt, Thứ trưởng đề nghị các địa phương cắt cử người canh chừng 2 đầu, đồng thời chuẩn bị nhân lực vật lực để thông đường nhanh nhất có thể. Qua đó vừa phòng, chống thiên tai vừa duy trì mạch phát triển kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19.

“Người dân không nên quá hoang mang khi nghe đến việc các hồ chứa xả lũ. Đó không phải xả lũ mà là vận hành quy trình điều tiết nước hồ chứa để cắt lũ cho hạ du. Đến thời điểm này, các hồ chứa vẫn đang tích nước vừa phải, chưa có bất kì hồ chứa nào phải vận hành xả lũ”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, nói.

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cơn mưa bất chợt 'giải nhiệt' ở Bình Dương

Sau nhiều ngày nắng nóng liên tục, cơn mưa bất chợt xuất hiện đã làm dịu đi cái nóng gay gắt cho người dân ở Bình Dương.