Chiều tối ngày 25/10, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận đã có công văn hỏa tốc về phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên địa bàn tỉnh, trong đó nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi đánh bắt và hoạt động trên biển kể từ 20 giờ ngày 25/10.
Bên cạnh đó UBND các huyện, TX, TP ven biển khẩn trương rà soát, nắm chắt số lượng nhà ở, số hộ sinh sống ven biển, khu vực có nguy cơ sạt lở do ATNĐ, lũ, triều cường để tuyên truyền, vận động và chủ động có phương án hỗ trợ nhân dân chằng chóng nhà cửa, cũng như sơ tán dân đến nơi an toàn trước khi ATNĐ đổ bộ. Đồng thời khẩn trương rà soát, nắm chắt số lượng lồng bè nuôi trồng thủy sản, phương tiện thủy nội địa…tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân biết chủ động di chuyển đến nơi an toàn khi có tình huống xấu xảy ra; kiên quyết di dời người ra khỏi lồng bè, phương tiện thủy nội địa…trong trường hợp cần thiết nhằm bảo vệ tính mạng của người dân.
Tương tự các khu vực những nơi trũng thấp, ven sông suối, đồi núi thường xuyên bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở, đặc biệt các hộ dân gần đồi núi, các địa phương cũng cần chủ động có phương án ứng phó, khắc phục và kịp thời sơ tán dân đến nơi an toàn…
Đối với tuyến đê Sông Dinh, Sở NN-PTNT chỉ đạo đôn đốc Chi cục Thủy lợi thường xuyên kiểm tra an toàn đê, chủ động xử lý các sự cố đê, kè khi có tình huống xấu xảy ra.
Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến ATNĐ, mưa lũ để tổ chức tích trữ và xả lũ các hồ chứa đảm bảo đúng quy trình vận hành, vừa đảm bảo an toàn hồ đập, vừa tích nước trữ thêm nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất trong thời gian tới.
Được biết, tính đến 7 giờ ngày 25/10, tổng dung tích 22 hồ chứa trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đạt 124,35 triệu m3/414,29 triệu m3, đạt 30% dung tích thiết kế. Bên cạnh đó, tỉnh này có 2.520 tàu với 14.499 lao động, trong đó có 442 chiếc/4.201 lao động đang hoạt động trên biển đã liên lạc được. Ngoài ra, có 164 bè/4.680 lồng với 461 lao động nuôi trồng thủy sản.