| Hotline: 0983.970.780

Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão trong 24 giờ tới

Thứ Hai 25/10/2021 , 09:54 (GMT+7)

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh lên thành bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.

Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai họp triển khai ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão trên Biển Đông. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai họp triển khai ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão trên Biển Đông. Ảnh: Phạm Hiếu.

Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão

Ngày 25/10, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã họp triển khai ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão trên Biển Đông.

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 7 giờ ngày 25/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,6 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 110km về phía Nam Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 80km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 7 giờ ngày 26/10, vị trí tâm bão ở khoảng 11,4 độ Vĩ Bắc; 111,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển Bình Định đến Bình Thuận khoảng 230km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới sẽ có gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, đi vào khu vực từ Bình Định đến Bình Thuận, sau đó suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực phía Nam Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão trong 24 giờ tới. Ảnh: TTDBKTTVQG.

Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão trong 24 giờ tới. Ảnh: TTDBKTTVQG.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cũng cho biết ngày và đêm 25/10 ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi sẽ có mưa, mưa vừa, cục bộ có mưa to; khu vực từ Bình Định đến Khánh Hòa có mưa to, có nơi mưa rất to. Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi có lượng mưa phổ biến từ 20-40mm, có nơi trên 60mm. Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa lượng mưa từ 50-100mm, có nơi trên 120mm.

Ngoài ra, khu vực Ninh Thuận và Bình Thuận, phía Đông Tây Nguyên và Nam bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 60mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Quảng Ngãi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ

Trong 3 ngày từ 21 - 24/10, khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có mưa rất to tập trung chủ yếu vào ngày 23/10 và 24/10, lượng mưa phổ biến từ 200-500mm, riêng tại Quảng Nam, Quảng Ngãi có lượng mưa phổ biến từ 400-600 mm, một số trạm mưa lớn hơn như: Tam Trà (Quảng Nam): 946 mm, hồ Phú Ninh (Quảng Nam): 695mm, Bình Khương (Quảng Ngãi): 859 mm, Trà Phú (Quảng Ngãi): 809 mm, Bình Tân (Quảng Ngãi): 802 mm.

Theo báo cáo nhanh của Bộ Tư lệnh bộ đội Biên phòng, 49.191 phương tiện với 261.324 người đã được đã kiểm đếm, hướng dẫn biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.

Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, hiện có 77 hồ thủy điện khu vực Bắc bộ, Trung bộ và Tây Nguyên đang điều tiết qua tràn. Khu vực Nam Trung bộ từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có 159/476 hồ đầy nước; 66 hồ cần quan tâm mùa mưa lũ (46 hồ xung yếu, 20 hồ đang thi công).

Mưa lũ đã làm hàng ngàn m3 đất đá tràn xuống cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ảnh: Đ.K.

Mưa lũ đã làm hàng ngàn m3 đất đá tràn xuống cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ảnh: Đ.K.

Tính đến ngày 24/10, mưa lũ đã làm 1 người chết tại Quảng Ngãi (ông Nguyễn Anh Tuấn sinh năm 1980, xã Hành Dũng, huyện Hành Nghĩa, do bất cẩn nên bị nước lũ cuốn trôi, mất tích vào ngày 23/10; trong ngày 24/10 đã tìm thấy thi thể); và làm 3 người bị mất tích tại Quảng Ngãi (Nguyễn Thái sinh năm 1996, Nguyễn Tấn Nô sinh năm 2007 và Bùi Đức Sự sinh năm 2007; bị nước lũ cuốn trôi khi đang chèo thúng ra hỗ trợ tàu cá).

Tại Quảng Ngãi và Quảng Nam, mưa lũ cũng đã làm 162,39 ha lúa, ngô, 442,85 ha rau màu bị thiệt hại; 11 tấn lương thực bị ướt. 2.811 con gia súc, gia cầm bị chết và 152,5 ha thủy sản bị thiệt hại.

Về giao thông và thủy lợi tại Quảng Ngãi, 2.564m kênh mương đã bị sạt lở; 3 công trình thủy lợi, 12 công trình nước sạch bị hư hỏng; 28 đập dâng bị bồi lấp, sạt lở 160m bờ sông.

34 vị trí đường quốc lộ bị sạt lở tại Quảng Ngãi với tổng khối lượng sạt lở 3.754m3; 5.500m2 mặt đường bị hư hỏng. 95 vị trí đường tỉnh, huyện, xã bị sạt lở với tổng khối lượng sạt lở 6.123m3; 21 cầu giao thông tại Quảng Ngãi bị hư hỏng.

Về tình hình ngập lụt, tại Quảng Nam đã có 5.373 nhà bị ngập thuộc các huyện Núi Thành, Thăng Bình, Phú Ninh; thành phố Tam Kỳ và Hội An. Tại Quảng Ngãi có 11.038 nhà bị ngập thuộc huyện Bình Sơn.

Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Phạm Hiếu.

Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Phạm Hiếu.

Kết luận tại cuộc họp, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ các bản tin áp thấp nhiệt đới, cảnh báo, dự báo mưa, lũ; thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh.

Bên cạnh đó các tỉnh, thành phố cần kiểm tra, rà soát, vận hành hồ chứa, phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra; tiếp tục tổ chức tìm kiếm người mất tích.

Song song, tăng cường lực lượng, tổ chức trực ban phòng, chống thiên tai 24/24, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

Các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi đã tổ chức sơ tán 2.149 hộ/7.076 khẩu ở các khu vực bị ngập sâu và vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn (Quảng Nam: 779 hộ/2.535 khẩu; Quảng Ngãi: 1.370 hộ/4.541 khẩu). Chủ yếu là di dời xen ghép.

Xem thêm
Bổ nhiệm Tổng Biên tập Báo Thừa Thiên - Huế

THỪA THIÊN - HUẾ Ông Hoàng Đăng Khoa, Phó Tổng Biên tập phụ trách được Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế bổ nhiệm giữ chức Tổng Biên tập báo Thừa Thiên - Huế, kể từ ngày 1/11.

Ngăn chặn tàu cá có dấu hiệu vi phạm ngay từ trong bờ

Quyết tâm gỡ 'thẻ vàng' của EC trong năm 2024, Sóc Trăng không chỉ kiểm soát tốt đội tàu cá, mà còn tăng cường các biện pháp truy xuất nguồn gốc, giám sát hành trình.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Cảnh báo mưa lớn tại khu vực Trung Bộ, kéo dài nhiều ngày

Từ ngày 3/11, khu vực Trung Bộ có khả năng xảy ra đợt mưa lớn, lượng mưa phổ biến 40-100mm cục bộ có nơi trên 200mm.

Bình luận mới nhất