| Hotline: 0983.970.780

APEC hội nghị trực tuyến về an ninh lương thực

Thứ Ba 27/10/2020 , 17:30 (GMT+7)

Việt Nam cam kết chung tay cùng các thành viên APEC đảm bảo an ninh lương thực khu vực và toàn cầu trước dịch bệnh Covid-19 cũng như khắc phục hậu quả thiên tai.

Ngày 27/10, Hội nghị cấp bộ trưởng APEC về An ninh lương thực đã được tổ chức trực tuyến, dưới sự chủ trì của nước chủ nhà Malaysia.

Tại hội nghị, các quốc gia thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) đã lần lượt trình bày tham luận về những khó khăn, thách thức của nền kinh tế - xã hội thế giới nói chung, của các thành viên APEC nói riêng, đặc biệt là những khó khăn, thách thức đặt ra cho các quốc gia về vấn đề đảm bảo an ninh lương thực, thương mại nông sản... do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị cùng các thành viên APEC. Ảnh: Lê Bền.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị cùng các thành viên APEC. Ảnh: Lê Bền.

Bên cạnh đó, các quốc gia thành viên APEC cũng đã đưa ra những giải pháp, hành động đã thực thi cũng như các cam kết nhằm tiếp tục ứng phó, hỗ trợ các quốc gia gặp khó khăn nhằm đảm bảo về an ninh lương thực trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã và đang tiếp tục diễn biến phức tạp. Đồng thời, các thành viên APEC cũng đưa ra những giải pháp để đảm bảo sản xuất, cam kết tạo các điều kiện thuận lợi nhất về thương mại nông sản giữa các quốc gia nhằm nỗ lực duy trì tăng trưởng kinh tế nói chung, ngành nông nghiệp nói chung...

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: Việt Nam, với vai trò là một nền kinh tế xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn trong khu vực, đã có những nỗ lực thiết thực trong việc tham gia vào đảm bảo sự thông suốt chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm, không để thương mại quốc tế về lương thực thực phẩm bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành kịp thời một số chính sách cần thiết để từng bước hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, với quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”: vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ sức khỏe nhân dân. 

Ngoài đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm cho gần 100 triệu dân, 9 tháng đầu năm 2020, Việt Nam xuất khẩu nông sản đạt trên 30 tỷ USD, trong đó đã xuất khẩu 5 triệu tấn gạo, đạt giá trị gần 2,45 tỉ đô la Mỹ trong 9 tháng đầu năm 2020 (tăng 11,1% so với cùng kỳ 2019).

Việt Nam vẫn đảm bảo tốt về an ninh lương thực trong bối cảnh thiên tai khốc liệt, đồng thời góp phần cùng cộng đồng quốc tế đảm bảo an ninh lương thực trước đại dịch Covid-19. Ảnh: TL.

Việt Nam vẫn đảm bảo tốt về an ninh lương thực trong bối cảnh thiên tai khốc liệt, đồng thời góp phần cùng cộng đồng quốc tế đảm bảo an ninh lương thực trước đại dịch Covid-19. Ảnh: TL.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đồng tình với nội dung được nêu trong Dự thảo Tuyên bố Bộ trưởng và nhấn mạnh rằng APEC cần sớm triển khai các giải pháp đảm bảo khả năng tiếp cận các nguồn tài chính, công nghệ và nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông lâm ngư nghiệp; đảm bảo các hoạt động logistics, liên kết liên khu vực và quốc tế, vận chuyển lương thực, nông, lâm sản được diễn ra liên tục và thông suốt.

Theo đó, cần thắt chặt hơn nữa hợp tác trong APEC nhằm tăng cường kết nối các chuỗi cung ứng thực phẩm, nông, lâm, thủy sản; hỗ trợ nông hộ nhỏ, doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ vượt qua các tác động tiêu cực của Covid-19. Giới thiệu các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi của các ngân hàng khu vực và quốc tế, các quỹ tiền tệ dành cho hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Tại hội nghị, ông Ken Isley, Trưởng cơ quan nông nghiệp hải ngoại (Bộ Nông nghiệp Mỹ) cho biết: Trước cuộc khủng hoảng về y tế do dịch bệnh Covid-19 ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Hoa Kỳ đã có nhiều chính sách ứng phó về nông nghiệp trước dịch Covid-19.

Chính phủ Mỹ tiếp tục đảm bảo nguồn tài trợ lớn cho nghiên cứu khoa học cùng với nỗ lực chung của quốc tế chống lại dịch bệnh Covid-19. Chính phủ đã công bố chi hơn 1,6 tỷ đô la để cứu trợ khẩn cấp/triển khai các chương trình nhân đạo... Bên cạnh đó, Chính phủ Mỹ cũng tích cực tham gia vào cộng đồng thương mại toàn cầu để chống lại mọi hình thức buôn bán lương thực không công bằng, trục lợi... Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng mà mọi nền kinh tế cần phải đảm bảo không để xảy ra trong đại dịch Covid-19.

Ông Ken Isley cho biết tháng 9/2020 vừa qua, Chính phủ Mỹ đã kỷ niệm mười năm Chương trình Feed the Future (lương thực cho tương lai). Chương trình này tiếp cận mang tính hợp tác của Hoa Kỳ trong công tác an ninh lương thực. Cách đây mười năm, chương trình Feed the Future đã ra đời sau khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Từ năm 2010 đến nay, Feed the Future ước tính đã hỗ trợ cho khoảng 23,4 triệu người thoát khỏi đói nghèo... Vì vậy trước cuộc khủng hoảng của đại dịch Covid-19, Hoa Kỳ đã có một nền tảng vững chắc hơn để đảm bảo vấn đề an ninh lương thực...

Xem thêm
Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cơn mưa bất chợt 'giải nhiệt' ở Bình Dương

Sau nhiều ngày nắng nóng liên tục, cơn mưa bất chợt xuất hiện đã làm dịu đi cái nóng gay gắt cho người dân ở Bình Dương.

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.