| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 30/10/2013 , 10:10 (GMT+7)

10:10 - 30/10/2013

Ba mũi giáp công!

Vietnamnet và một số báo đồng loạt đưa ra hai con số: Qua một đợt kiểm tra, đã truy thu gần mười ngàn tỷ tiền thuế và Số doanh nghiệp có lãi chỉ chiếm 34,2%.

Vietnamnet và một số báo đồng loạt đưa ra hai con số:

1- Qua một đợt kiểm tra, đã truy thu gần mười ngàn tỷ tiền thuế. Con số cụ thể là 9.628 tỷ đồng, tương đương với gần 3% số thu nội địa 9 tháng.

2- Số doanh nghiệp có lãi chỉ chiếm 34,2%. Còn lại 65,8%, tức 201.000 doanh nghiệp là lỗ.

Con số thứ nhất nói lên điều gì? Câu trả lời có thể thấy ngay, đó là cả hiệu quả hoạt động của ngành thuế lẫn ý thức chấp hành pháp luật thuế của các doanh nghiệp đều vô cùng kém. Việc trốn thuế, lách thuế dưới rất nhiều hình thức, đã trở thành phổ biến.

Chỉ một cuộc kiểm tra (chứ chưa phải thanh tra) đã lòi ra chừng ấy, nghĩa là số thuế bị trốn còn lớn gấp nhiều lần. Hiệu quả kém, nên mức thu càng ngày càng hụt. Mọi năm, hết quý III, ngành thuế thường thu đạt từ 70 đến 80% dự toán thu cả năm, nhưng hết quý III năm nay, ba sắc thuế rất quan trọng là thuế VAT mới chỉ đạt 65,5%; thuế thu nhập doanh nghiệp mới đạt 57,9% còn thuế thu nhập cá nhân cũng mới chỉ đạt 67,2%.

Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách Nhà nước. Hụt thu đồng nghĩa với việc ngân sách Nhà nước thiếu hụt trầm trọng, bội chi tăng cao, an sinh xã hội bất ổn.


Ảnh minh họa

Hiệu quả kém, nhưng nghịch lý là cán bộ thuế anh nào cũng giầu. Có lần, chúng tôi đã đặt câu hỏi về một anh Phó chi cục trưởng Chi cục thuế huyện Y.L của tỉnh V.P, một huyện nghèo của tỉnh Vĩnh Phúc. Mươi năm trước anh ta còn là một nhân viên hợp đồng của Chi cục, vợ đang học cao đẳng sư phạm, nhà rách vách nát.

Khi hai vợ chồng trở thành công chức, viên chức chính thức, lương dồn lại cũng chỉ sáu, bẩy triệu mỗi tháng, với mức ấy thì không thể đủ cho vợ chồng sống chứ đừng nói nuôi 4 đứa con ăn học, nuôi mẹ già. Không buôn bán, không có thân nhân ở nước ngoài.

Thế mà chỉ mấy năm sau họ đã có tiền xây một ngôi nhà to vật vã, trị giá mấy tỷ đồng, chưa kể hai ba miếng đất mặt đường, vợ chồng đều đi xe xịn. Tiền ấy ở đâu ra?

Cho đến nay, chưa có lãnh đạo nào của Cục thuế V.P hoặc lãnh đạo nào của huyện Y.L trả lời câu hỏi đó của chúng tôi (bài: Chuyện một ông "quan bé", Báo NNVN ngày 15/4/2011). Thực ra là không ai muốn trả lời. Một anh cán bộ thuế cỡ “tép riu” còn thế, thì những anh “cá sộp” trong ngành còn giầu đến đâu?

Còn con số thứ hai nói lên điều gì? Câu trả lời cũng có thể thấy ngay, đó là nền kinh tế vẫn đang trong tình trạng hết sức bi đát, dù đây đó vẫn có người gióng lên những nhận xét đầy lạc quan.

Và có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có con số này: 65,8% số doanh nghiệp, tương đương với con số tuyệt đối là 201.000 doanh nghiệp bị lỗ, điều đó đồng nghĩa với việc từng ấy doanh nghiệp không có khả năng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, không có khả năng trả lãi và trả nợ ngân hàng (doanh nghiệp Việt Nam đều sản xuất, kinh doanh từ tiền vay ngân hàng, chứ mấy ai có vốn tự có?), khiến cho cái cục nợ xấu của ngân hàng càng ngày càng to.

Doanh nghiệp lỗ cũng đồng nghĩa với việc thu hẹp sản xuất, đẩy người lao động ra đường.

Ngoài hai thông tin trên, các báo cũng đồng loạt dẫn lời Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình rằng từ giờ đến cuối năm, một số vụ đại án như vụ Dương Chí Dũng; vụ Huỳnh Thị Huyền Như; vụ Vũ Quốc Hảo sẽ được đưa ra xét xử.

Dương Chí Dũng tham ô 10 tỷ, ném đi của Nhà nước 525 tỷ; Vũ Quốc Hảo tham ô gần 80 tỷ, vứt của Nhà nước đi 530 tỷ; còn Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt của Nhà nước 4.000 tỷ.

Một cuộc kiểm tra vất vả, trầy trật, kéo dài hàng tháng trời mới truy thu được gần 10.000 tỷ tiền thuế, nhưng Dương Chí Dũng, Vũ Quốc Hảo và Huỳnh Thị Huyền Như chỉ phẩy nhẹ tay một cái, đã làm mất đi hơn nửa số tiền đó.

Thất thu thuế, doanh nghiệp lỗ triền miên, tham nhũng khủng khiếp đến mức trở thành “quốc nạn”. Ba mũi ấy đồng loạt giáp công, thì chẳng cần nói, ai cũng hiểu nền kinh tế nước ta đang ở mức nào rồi.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm