Thời gian qua, công tác quản lý ATTP của tỉnh Bắc Ninh đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP từ tỉnh đến huyện, xã được kiện toàn. Công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, tỷ lệ cơ sở đạt tăng 4%, số tiền phạt trung bình/cơ sở tăng gần 2,4 lần so với giai đoạn trước.
Công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh và triển khai tích cực, hiệu quả, qua đó nhận thức ở các cấp quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng được nâng cao.
Tình hình ngộ độc thực phẩm được cải thiện rõ rệt. Giai đoạn 2011-2015, trên địa bàn tỉnh có 141 vụ ngộ độc thực phẩm với 1.697 người mắc, giai đoạn 2016 -2021 xảy ra 9 vụ với 374 người mắc… Điều này cho thấy, thể chế quản lý nhà nước và hoạt động bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh đang dần được hoàn thiện và thực sự có hiệu quả.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm ATTP hiện nay vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức đó là: Cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ vẫn còn nhiều; thói quen lạm dụng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp không đúng quy trình, không rõ nguồn gốc còn khá phổ biến; quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ với nhiều nguy cơ không bảo đảm an toàn còn khó khăn; hoạt động đảm bảo ATTP tại các chợ chưa được quản lý; tình trạng thực phẩm lậu, thực phẩm giả, thực phẩm không an toàn còn tồn tại trên thị trường…
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn, để thực hiện tốt công tác bảo đảm ATTP trong thời gian tới, Ban Quản lý ATTP tỉnh cần tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án “Bắc Ninh phấn đấu không còn thực phẩm bẩn”, các mô hình ATTP, đẩy mạnh hình thành chuỗi ATTP; tiếp tục hoàn thành việc xây dựng các Đề án, Kế hoạch liên quan đến lĩnh vực ATTP.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm ATTP từ khâu cấp phép, quản lý, thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, cũng như giám sát mối nguy, đánh giá chất lượng, truy suất nguồn gốc thực phẩm.
Đồng thời quan tâm đến ATTP dân sinh, ATTP tại các chợ, thức ăn đường phố, cơ sở chế biến nhỏ lẻ... Nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác về ATTP; kiện toàn đội ngũ cộng tác viên cơ sở.
Cùng với đó, chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về đảm bảo ATTP; lập chuyên trang, chuyên mục ATTP vì sức khỏe cộng đồng. Chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý ATTP, đưa ứng dụng phần mềm hệ thống thông tin quản lý ATTP vào triển khai áp dụng.