Trong khi đó, sản xuất theo chuỗi lại thông tin minh bạch, dễ quản lý chất lượng và mang tính trách nhiệm xã hội cao. Hà Nội hiện có 141 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như vậy. Chúng được xây dựng và phát triển theo 2 hình thức: doanh nghiệp làm đầu mối chủ động hoàn toàn các khâu và các tổ chức hội nông dân chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đầu vào, đầu ra để hợp tác. Câu chuyện một số chuỗi liên kết điển hình của huyện Chương Mỹ dưới đây là những minh chứng.
Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ gạo hữu cơ Đồng Phú với quy mô sản xuất 47,2ha (trong đó có 25ha được cấp chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng hữu cơ) do HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú “cầm trịch”.
Đơn vị liên kết sản xuất và tiêu thụ với 3 doanh nghiệp gồm: Công ty Cổ phần Vũ Võ, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam, Công ty Cổ phần Bảo Minh để đưa sản phẩm phẩm tiêu thụ tại một số tỉnh thành trong cả nước và xuất khẩu sang châu Âu.
Giá gạo hữu cơ Đồng Phú bán đắt gấp 3 so với gạo thường, khoảng 50.000 đồng/kg và điều quan trọng là người sản xuất được khỏe mạnh vì sống trong môi trường trong lành và người tiêu dùng được an toàn khi ăn sản phẩm chất lượng.
Ở xã Nam Phương Tiến có hai chuỗi khá nổi tiếng là: Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, rau an toàn và bưởi của HTX Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến với diện tích 40 ha.
Sản phẩm được tiêu thụ trong hệ thống siêu thị, cửa hàng của Big C, T Mart, VinMart, Sói Biển, Grove Fesh, Công ty xuất ăn công nghiệp Hà Nội...
Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau, bưởi của HTX Bưởi Núi Bé với diện tích 18ha. Sản phẩm được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị Hapro, thực phẩm sạch Bác Tom, HTX rau Thanh Xuân (Sóc Sơn), HTX rau Tứ Xá (Phúc Thọ), các nhà hàng, cửa hàng và bán online trên trang web https://chonhaminh.gov.vn.
Hơn 10 năm phát triển Tiên Viên đã trở thành một “ông trùm” về trứng gà ở miền Bắc với chuỗi liên kết rất mạnh. Nếu như năm 2010 với diện tích trang trại 5ha, đơn vị chủ yếu phát triển gà đẻ trứng thương phẩm trên quy mô 50.000 con thì đến nay đã mở rộng diện tích lên đến 12 ha và chuyển một phần sang gà đẻ trứng giống.
Ứng dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho gà giống chất lượng cao, được thị trường đón nhận nên đem lại hiệu quả kinh tế hơn nhiều so với chỉ đơn thuần bán trứng thương phẩm.
Nhờ hiện đại hóa mà quy mô đàn vật nuôi của Chương Mỹ đi lên nhanh chóng. Năm 2010 tổng đàn gia cầm trên địa bàn huyện là 2.452.000 con thì đến năm 2020 lên đến 6.775.000 con.
Năm 2010 chăn nuôi gia cầm chủ yếu nhỏ lẻ tận dụng trong khu dân cư thì sau dồn điền đổi thửa, hình thành các vùng chuyên canh tập trung cỡ lớn với 18 trang trại.
Những trại này liên kết với các công ty như CP Việt Nam, JAFA, Gudan… để có được hiệu quả kinh tế cao, sự ổn định, giảm dịch bệnh và tồn dư chất cấm, chất độc.
Năm 2010 tổng đàn lợn trên địa bàn huyện là 105.780 con thì đến năm 2020 lên đến 190.000 con với 36 trang trại áp dụng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ thịt với các Công ty CP Việt Nam, JAFA, CJ Vina. Không chỉ vậy, các thành viên HTX Chăn nuôi & Dịch vụ tổng hợp Nam Tân Tiến khi thấy mình chăn nuôi lợn an toàn mà bán cho thương lái ngang bằng giá lợn thông thường, lợi nhuận kém đã liên kết với cơ sở giết mổ của Công ty TNHH Hải Đức, Công ty Nông nghiệp Thủ đô để bao tiêu, bán ra thị trường. Sau khi sản phẩm đã qua giết mổ, sơ chế thì giá bán đã tương xứng với chất lượng, tạo ra thặng dư cho cả người chăn nuôi lẫn đơn vị hợp tác.
Cùng với việc phát triển các vật nuôi cơ bản thì trong những năm gần đây trên địa bàn huyện Chương Mỹ cũng đã phát triển chăn nuôi các loại đặc sản như dê, thỏ… Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ thỏ của HTX Thỏ Việt Nhật Chương Mỹ với Công ty Nippon Juki Việt Nam đã ra đời. Với quy mô 1.800 con nái, 5.000 con thương phẩm bước đầu đem lại thu nhập ổn định cho các thành viên HTX cũng như cung cấp ra thị trường những sản phẩm minh bạch về nguồn gốc, an toàn về chất lượng.