| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Bắc Ninh tăng trưởng trong đại dịch

Chủ Nhật 11/07/2021 , 09:29 (GMT+7)

Lĩnh vực chăn nuôi, thú y, thủy sản Bắc Ninh 6 tháng đầu năm vẫn duy trì được đà tăng trưởng dù dịch bệnh Covid-19 và dịch bệnh trên động vật diễn biến phức tạp.

6 tháng đầu năm 2021, Chi cục Chăn nuôi, Thú y, Thủy sản Bắc Ninh làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên động vật, thủy sản, duy trì đà tăng trưởng của lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản. Ảnh: BN.

6 tháng đầu năm 2021, Chi cục Chăn nuôi, Thú y, Thủy sản Bắc Ninh làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên động vật, thủy sản, duy trì đà tăng trưởng của lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản. Ảnh: BN.

Nhân kỷ niệm 71 năm Ngày truyền thống Ngành Thú y Việt Nam (11/7/1950 - 11/7/2021), ông Nguyễn Hữu Thọ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Bắc Ninh cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, tổng đàn trâu của Bắc Ninh là 2.857 con, đạt gần 106% kế hoạch, tăng 2,6% so với cùng kỳ. Đàn lợn trên 300.000 con, đạt 107% kế hoạch, tăng 25% và đàn gia cầm trên 5,6 triệu con, đạt xấp xỉ 99% kế hoạch, tăng hơn 6% so với cùng kỳ.

Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 43.680 tấn, đạt 54% kế hoạch, tăng xấp xỉ 40% so với cùng kỳ 2020. Giá trị sản xuất chăn nuôi đạt 1.729 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch, tăng trên 10% so với cùng kỳ 2020.

Diện tích sản xuất thủy sản ước đạt trên 5.100ha, bằng 100% kế hoạch. Số lượng lồng nuôi trên sông 2.267 lồng, tăng gần 10%. Tổng sản lượng thủy sản đạt trên 19.000 tấn, xấp xỉ cùng kỳ năm 2020.

Ngành chăn nuôi, thú y Bắc Ninh có được kết quả trên nhờ sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở NN-PTNT, sự phối hợp, giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành liên quan.

Trong những năm qua, tập thể Ban lãnh đạo cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Bắc Ninh luôn đoàn kết một lòng, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi và thủy sản, đảm bảo an toàn thực phẩm, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của ngành nông nghiệp tỉnh nhà.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây do diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, đặc biệt sự bùng phát lây lan của Dịch tả lợn Châu Phi, Cúm gia cầm, Viêm da nổi cục gây thiệt hại lớn cho ngân sách.

Bên cạnh đó, chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm tỷ lệ cao, công tác chỉ đạo tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh thiếu đồng bộ do Trạm Chăn nuôi, Thú y cấp huyện sáp nhập về Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thuộc UBND cấp huyện quản lý. Vì vậy, công tác tái đàn, tăng đàn lợn, công tác tiêm phòng, phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn hạn chế.

Lĩnh vực thủy sản của Bắc Ninh tiếp tục giữ được ổn định và tăng trưởng. Ảnh: BN.

Lĩnh vực thủy sản của Bắc Ninh tiếp tục giữ được ổn định và tăng trưởng. Ảnh: BN.

Với những kết quả đã đạt được 6 tháng đầu năm 2021, thời gian tới Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Bắc Ninh đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Tham mưu UBND tỉnh, Sở NN-PTNT chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò; đồng thời ngăn chặn có hiệu quả nguy cơ xâm nhiễm bệnh Cúm gia cầm A/H5N8 và các chủng vi rút Cúm gia cầm thể độc lực cao khác vào địa bàn tỉnh.

Tham mưu Sở NN-PTNT trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt Đề án thành lập Trạm Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản cấp huyện trực thuộc Chi cục theo đúng quy định của Luật Thú y, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 - 2030” và Chỉ thị số 34-CT/TU của Tỉnh ủy Bắc Ninh để đảm bảo lực lượng tổ chức phòng, chống dịch bệnh.

Chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, vacxin phục vụ công tác tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh. Kiểm tra, đôn đốc, công tác phòng, chống dịch, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt việc tái đàn, tăng đàn lợn đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

Chỉ đạo cán bộ chuyên môn tăng cường bám sát cơ sở, tổ chức lấy mẫu giám sát để phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện các ổ dịch bệnh.

Phối hợp với Phòng Kinh tế (Phòng NN-PTNT), Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, triển khai hiệu quả công tác thống kê chăn nuôi, công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường theo kế hoạch và chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN-PTNT.

Hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi đăng ký tham gia xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, đẩy mạnh công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh động vật, sản phẩm động vật.

Thường xuyên cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo, tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin về tình hình dịch bệnh để người chăn nuôi chủ động các biện pháp phòng, chống dịch.

Ngày 11/7/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 12-SL về “Bài trừ dịch tễ, dịch bệnh truyền nhiễm gia súc”, đây là văn bản pháp luật đầu tiên của ngành Thú y, đánh dấu mốc lịch sử phát triển của ngành Thú y Việt Nam và cũng là nền tảng của hệ thống pháp luật Thú y ngày hôm nay.

Trên cơ sở đó, ngày 12/7/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 664/QĐ-TTg về việc hằng năm lấy ngày 11/7 là “Ngày truyền thống ngành Thú y Việt Nam”. Đây chính là sự ghi nhận đối với những đóng góp to lớn của ngành những năm qua trong công cuộc xây dựng, phát triển và hội nhập của đất nước.

Xem thêm
Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.